Học tập đạo đức HCM

Duyên dáng Thuận Sơn

Thứ tư - 13/01/2016 22:29
Niềm vui cán đích nông thôn mới năm 2013 dường như được nhân lên gấp bội đối với người dân thôn Thuận Sơn, xã Thuận Lộc bởi trong 9 thôn của xã, thôn Thuận Sơn được chọn làm điểm để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Trong muôn sắc ngàn tía của sắc tím hàng rào xanh, sắc vàng hoa bầu, hoa bí, sắc xanh của vườn rau trải rộng, Thuận Sơn chào đón tôi duyên dáng và đầm ấm biết bao.
Duyên dáng Thuận Sơn
Chỉ mới cách đây ít năm, con đường chính dẫn vào thôn vẫn còn là con đường đất, ngày mưa lầy lội, ngày nắng bụi đất khiến mắt cay xè. Ngày xưa ấy, tôi theo bạn về Thuận Sơn khi nắng chiều đã nhạt. Cảnh sắc làng quê bình dị yên tĩnh đến lạ lùng. Trên con đường nhỏ, hướng ra cánh đồng mênh mông, gốc rạ xác xơ vì lạnh, gió lùa trong tóc tôi, mơn man da thịt tôi. Trải ánh mắt ra phía cánh đồng bao la toàn nước, tự dưng tôi có cảm giác mờ mịt như màu mây trời u ám, lảng bảng buổi hoàng hôn. Bạn tôi nghịch ngợm đập nước, câu và nơm cá. Nhìn những chú tràu (cá lóc) bị nhấc lên khỏi mặt nước, nhảy tưng lên trong giỏ, cảm giác mờ mịt như biến mất hẳn, thay vào đó là sự thú vị về một làng quê giản dị, nhỏ bé nép mình giữa bao la. Tôi cứ ngồi yên lặng như thế, tưởng như có thể đem hết tâm hồn mình mà trải ra khắp không gian này. Tối đến, sau khi dùng xong bữa cơm, mấy nhà trong thôn tụ tập vui vẻ bên ấm nước chè thơm ngào ngạt của nhà bà Nghinh. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi chìm đắm trong không gian của thơ và nhạc, khác hẳn với không khí lam lũ ban ngày. Ở đây chỉ có cái tình, cái duyên của những câu hát sắc bùa.
 

Bạn tôi bảo thôn Thuận Sơn có tới 3 đội sắc bùa, thành viên của các đội được lựa chọn kỹ càng, là đàn ông khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, làm ăn may mắn, không có tang khó, khoang long (gia đình có người sinh nở). Đứng đầu mỗi đội là đội trưởng, người này ngoài đảm bảo các điều kiện nói trên còn phải có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả đội và có khả năng ứng xử tình huống nhanh. Nhạc cụ trong múa hát sắc bùa thường có trống cơm, trống tầm vông, cồng, xập xènh (người dân Thuận Lộc quen gọi là cái xập xènh theo âm thanh mà nó phát ra, còn có nơi gọi là cái nao), sinh tre, sinh gỗ, xưa còn có pháo cái để Trưởng đội đốt nổ trước mỗi nhà, một cái búa và đinh. Ngoài ra, tại thôn Thuận Sơn, các đội còn sử dụng 01 cái mẹt và đôi đũa tre dài để gõ, tạo nên âm thanh vui tai, hấp dẫn người nghe. Trang phục của đội được thống nhất là áo dài lửng màu đỏ, quần đỏ, viền vàng, dải thắt lưng màu vàng và đầu chít khăn vàng, đội trưởng thì cầu kỳ hơn một chút là đội khăn đóng hoặc mũ bát quái, mặt được trang điểm cầu kỳ, vẽ thêm râu và lông mi, dáng vẻ oai phong nhưng cũng khá khôi hài. Thường vào sau giao thừa, toàn đội tập trung tại nhà đội trưởng, làm các nghi thức cần thiết như lạy ông vải, vái gia tiên, sau đó đội bắt đầu đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng, toàn đội sắc bùa sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sinh, đánh xập xènh và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân. Dọc đường thì đánh trống, gõ chậm rãi, gọi là đánh trống dậm, nghe khoan nhặt, bồi hồi nhưng khi dạo ngõ nhà ai thì tiếng trống, tiếng cồng trở nên dồn dập, thúc giục khiến cho gia chủ ở trong nhà đứng ngồi không yên, muốn chạy ngay ra cổng để đón đội vào. Trước đây, khi gia chủ ra đón, đội trưởng sẽ vào trước, múa ba vòng trước thềm nhà và đọc thần chú, yểm bùa rồi đi theo gia chủ vào chuồng trâu, bò đóng đinh vào cột với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, sau đó mới cùng gia chủ ra mời cả đội vào nhà xông đất. Trước khi hát, gia chủ và đội trưởng cùng thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên để báo cáo. Ngày nay thì thủ tục đơn giản hơn, sau khi gia chủ ra mời thì cả  đội vào nhà và chúc năm mới rồi ngồi quây quần trên chiếu (đã được chủ nhà chuẩn bị)  hát mừng gia chủ, uống chén rượu đầu xuân. Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi với đời sống dân dã thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Theo ghi chép, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (những năm 1960), thôn Thuận Sơn có cụ Trần Thiêm nổi tiếng là người văn hay, chữ tốt, đặc biệt cụ sáng tác rất nhiều bài hát sắc bùa mà đến hôm nay, con cháu vẫn còn thuộc làu và không năm nào thiếu bài của cụ, như bài chúc năm mới này được sáng tác vào năm 1957:
          "Màn vây chiếu phủ dập dìu
Ông bà càng thọ, tuổi nhiều càng vinh
           Gọi rằng chúc tết hòa bình
Chúng tôi kính chúc gia đình tiến lên!"
 

          Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh, năm nào thôn Thuận Sơn cũng có sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa. Bà cụ Nghinh, thôn Thuận Sơn – năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn – bà chính là tác giả của rất nhiều bài hát sắc bùa mà các đội hát của thôn vẫn thường sử dụng để hát hàng năm. Bên cạnh các bài hát sắc bùa truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên nhân dân lao động và sản xuất, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Thuận Lộc anh hùng,
Bạn tôi giờ đã đi xa, Thuận Sơn giờ cũng đã thay da đổi thịt, nhưng nét duyên dáng của một làng quê bình dị và những câu hát sắc bùa vẫn luôn rộn ràng, nhất là vào dịp Tết đến xuân về. Lang thang dọc con đường dẫn về thôn, tôi gặp nhiều hình bóng thân quen của ký ức năm nào. Quán hàng đã mọc lên nhiều, hàng hóa cũng đa dạng hơn. Nhưng tôi vẫn nhớ đến cháy lòng cái dáng xiêu xiêu của mấy cái quán thấp lè tè cái ngày đầu theo bạn về Thuận Sơn, lẽo đẽo bước vào đó mua kẹo lạc, kẹo vừng, bỏng ngô… Hàng quán ngày đó đơn sơ lắm, chỉ vài nải chuối cả xanh cả chín, rồi rượu trắng, lạc rang, một vài bao thuốc lá rẻ tiền hiệu Thăng Long, Du Lịch…, mấy cái bánh đa để trong túi nilon treo lủng lẳng… Giờ thì quán hàng ấy phong phú hơn, bán cả quà sáng, bánh mướt, xôi ngô, bánh chưng, bánh rán… Và trong những hộp, những tủ là xanh đỏ những thạch, những kẹo cho trẻ con. Thôn Thuận Sơn ở gần trường học nên nhờ vậy không khí cũng rộn ràng hơn.
 

Sau khi cán đích nông thôn mới năm 2013, đời sống Nhân dân Thuận Lộc nhờ đó được nâng cao. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu/người/năm. Các tuyến đường trục chính đã được đầu tư xây dựng, đẹp về kích thước, chắc chắn về chất lượng. 100% đường ngõ xóm sạch, được bê tông hóa và không còn lầy lội về mùa mưa. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Trường học được xây dựng lại khang trang, to đẹp, riêng trường Mầm non và Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức I. Xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và đã được UBND Tỉnh ban hành quyết định công nhận. Trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND và các đoàn thể được di dời đến địa điểm mới xây dựng khang trang; đặc biệt xã đã xây dựng được nhà văn hóa đa chức năng vừa làm nơi hội họp. Về cơ sở vật chất văn hoá, thiết chế văn  hóa được đầu tư, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện. Nhà văn hoá các thôn mới được sáp nhập đã được xây mới và nâng cấp, nhà văn hoá các thôn còn lại đang tiến hành mở rộng và nâng cấp khuôn viên. Nhà văn hóa thôn Thuận Sơn cũng vậy, được nâng cấp, tu sửa khang trang và đẹp đẽ hơn, đặc biệt khuôn viên rộng hơn để có chổ cho nhân dân chơi thể thao như sân bóng chuyền, cầu lông. Đến với Thuận Sơn hôm nay, dễ dàng thấy sự thay da đổi thịt hiện hữu trên từng đường làng, ngõ xóm. Những ngôi nhà khang trang, sạch sẽ cùng những hàng rào xanh tràn ngập sắc tím. Nhà bạn tôi cũng khác xưa, vườn tạp được cải tạo thành vườn mẫu. Nhà ông Hội và bà Thanh kế bên cũng là một trong những hộ điển hình của thôn về xây dựng vườn mẫu. Nhìn những khu trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi và khu trồng rau màu đủ loại và hoa cúc mơn mởn chuẩn bị cho thu hoạch, tôi có cảm giác sức sống tràn trề trên vùng quê này mãnh mẽ hơn bao giờ hết.
 
" Mười tám tiêu chí vững bền
Làm giàu kinh tế, xây nền văn hoa
     Ấm no hạnh phúc mọi nhà
Nông thôn đổi mới cờ hoa rộn ràng".


Cũng là buổi chiều Thuận Sơn, nắng đã tắt hẳn, gió vẫn vờn bay quanh tôi, quấn quýt bên chân tôi, bao bọc tôi nhưng cái cảm giác nhỏ bé, mịt mờ của mùa đông lạnh giá không còn hiện hữu mà bên tôi lúc này là thứ cảm giác thân thương kỳ lạ. Bất giác nhớ tới bạn tôi, nhớ câu nói dịu dàng, duyên dáng của người Thuận Sơn: “Quê choa đẹp quá đúng không? A rứa nên có người cứ lang thang quên cả tháng ngày!”. Có lẽ bạn tôi nói đúng, nét duyên dáng của vùng quê bình dị bên ngọn núi Hồng đã cuốn tôi vào yêu thương, để rồi mỗi lần muốn quên đi những mệt mỏi, ưu phiền tôi lại tìm về, như tìm về quê hương để được bình yên và để được chở che./.
 
BÌNH NGUYÊN (VP HĐND-UBND TX Hồng Lĩnh)
 Tags: thuận sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập856
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại769,199
  • Tổng lượt truy cập93,146,863
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây