Những năm 80 của thế kỷ XX, hễ nói đến huyện Hiên (nay là Đông Giang và Tây Giang), không một CBCS Công an và BĐBP nào ở Quảng Nam-Đà Nẵng thời đó lại không biết đây là vùng cao heo hút, gian khổ nhất trên tuyến biên giới Việt-Lào. Núi trập trùng núi, dốc cao nối tiếp dốc cao. Có những con dốc mới nghe đã ớn lạnh sống lưng nếu bắt buộc phải vượt qua để đến với dân làng, đến với nhiệm vụ bảo vệ ANTT vùng cao biên giới như dốc Công-tơ-rơn, dốc Giáo viên. Việc đi lại chủ yếu là lội bộ, thời gian được tính bằng ngày, bằng buổi, tuyệt nhiên không có khái niệm “mấy giờ” trong việc tính chuyện di chuyển từ đồn này sang đồn khác, từ bản này sang bản kia… Tỷ lệ đói nghèo trong cộng đồng bà con dân tộc Cơ Tu thuộc diện cao nhất nhì toàn quốc. Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề…
Vũ điệu Cơ Tu. |
Nhờ nghề làm báo, tôi đã nhiều lần lên Tây Giang, có nhiều năm gắn bó với các đồn trạm Biên phòng trên tuyến biên giới Việt-Lào của Quảng Nam. Nói không phải để khoe, mà chính nhờ điều đó đã giúp tôi thấy rõ hơn, nhận biết kỹ hơn về những đổi thay kỳ diệu của huyện vùng cao biên giới Tây Giang hôm nay. Còn nhớ năm 2003, huyện Hiên được tách làm hai. Các xã vùng thấp thuộc H. Đông Giang, các xã vùng cao biên giới, giáp nước bạn Lào là H. Tây Giang. Các xã nghèo nhất, khó khăn nhiều nhất đều thuộc Tây Giang. Thu nhập của người dân, tính tất tần tật được khoảng 1,4 triệu đồng/người/năm. Cả huyện chỉ có 15,3 km đường nhựa thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh và 18 km đường đất nhỏ, còn lại chủ yếu là lối mòn, không có đường ô-tô đi các xã…
10 năm sau ngày chia tách huyện, bây giờ Tây Giang đã khác, khác xưa rất nhiều. Xin nêu vài con số, tuy khô khan nhưng sẽ giúp bạn đọc dễ hình dung: Hiện nay, 6/10 xã đã có đường nhựa, 100% số xã có đường ô-tô, 67/70 thôn có đường ô-tô vào tận nơi trong mùa nắng, 8/10 xã có điện lưới quốc gia, 9/10 xã đã phủ sóng điện thoại di động, 100% số xã có bệnh xá (trong đó 70% bệnh xá có Bác sĩ). Tây Giang đã có trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trường nội trú dân tộc và trường mầm non trải khắp các thôn, bản. Tổng mức đầu tư trong 10 năm 2003-2013 đạt trên 2.200 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương là 1.580 tỷ đồng). Thu nhập đầu người tăng 7,2 lần so với khi chia tách (10,2 triệu/người/năm)…
Những chủ nhân tương tai của núi rừng Tây Giang. |
Trong bộn bề khó khăn, lãnh đạo Tây Giang đã biết chọn mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất và thiết thực nhất đối với nhân dân là tập trung xây dựng nông thôn mới. Trong câu chuyện với chúng tôi, già làng Bríu Pố ở thôn Arớ, xã Lăng cho biết: “Cái khó nhất trong xây dựng nông thôn mới là nói làm sao cho bà con hiểu, bà con thông với chủ trương. Còn khi thông rồi, hiểu rồi thì khỏi lo, bà con tự giác tham gia liền”... Trên thực tế, Tây Giang đã làm được điều đó. Bà con các thôn, bản đã có sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch nông thôn mới. Bà con các xã đã đóng góp gần 14.000 ngày công, hiến trên 484.500 m2 đất và không tính tiền đền bù về hoa màu, cây cối, nhà cửa… trị giá hơn 50 tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn mới ở các xã A Nông, Lăng, A-tiêng, A-xan…đã thay đổi rõ nét. Bà con có chỗ ở ổn định lâu dài, hợp văn hóa làng Cơ Tu, có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, hợp vệ sinh, thân thiện với môi trường. Người dân Cơ Tu Tây Giang hôm nay không chỉ biết làm ruộng lúa nước, lúa rẫy, mà đã quen với việc trồng cây cao su trên đồi dốc đứng, biết làm giàu từ việc di thực giống sâm quý Ngọc Linh, biết mở rộng diện tích trồng dược liệu như đẳng sâm, ba kích, táo Mèo, thảo quả… theo hướng sản xuất hàng hóa; biết chăn nuôi tập trung trâu, bò, heo và cả cá nước ngọt…
Đi liền với đổi thay về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, Tây Giang đã thành công trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống Cơ tu. Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt của cộng đồng Cơ Tu đã trở thành điểm hẹn của khách thập phương, là bảo tàng sống giữa đại ngàn Trường Sơn, là nơi thổi bùng lên ngọn lửa về lòng tự hào dân tộc và thắp sáng ước mơ của lớp lớp thanh thiếu nhi Cơ Tu hôm nay. Bên cột đâm trâu, bên Gươl chính của làng, những thiếu nữ Cơ Tu ánh mắt long lanh vẫn nhịp nhàng nối rộng vòng xoan theo vũ điệu dâng cúng đất trời “tâng tung da dá” truyền thống hòa trong tiếng trống, tiếng khèn, tiếng đàn a-bel réo rắt như mời gọi, như gửi trao bao tâm sự của người vùng cao Tây Giang...
Để kết thúc ghi chép này, xin dẫn lời Bríu Liếc, một người con Cơ Tu của núi rừng Tây Giang, hiện là Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang: “Cái được lớn nhất của Tây Giang sau 10 năm tái lập huyện là ĐƯỢC LÒNG DÂN. Chính lòng dân đó, chính sự đồng thuận đó là nguồn lực mạnh mẽ đã ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng Tây Giang. Bài học tin vào dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân là bài học đầu tiên và cũng là bài học muôn thuở, là bài học mọi lúc, mọi nơi cho mỗi cán bộ, đảng viên trong chặng đường đã qua và sắp tới của Tây Giang”.
Tây Giang, Xuân Giáp Ngọ.
Ghi chép của Dương Xuân Bình
Nguồn cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;