Đầu tư nuôi thâm canh
Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Hà Tĩnh cho biết: Vụ tôm năm 2013, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung mở rộng và phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh, đặc biệt thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Hiện tại, cả tỉnh có khoảng 210 ha nuôi tôm thâm canh, còn lại chủ yếu nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Thực tế cho thấy, sản lượng nuôi thâm canh luôn cao gấp 2-3 lần so với nuôi quảng canh cải tiến. Riêng nuôi tôm thâm canh trên cát diện tích chỉ hơn 47 ha, nằm rải rác tại các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh nhưng lại chiếm gần 20% sản lượng tôm của cả tỉnh. Năm nay, ngành sẽ phấn đấu tăng thêm 100 ha nuôi tôm thâm canh, trong đó 70 ha nuôi tôm trên cát và 30 ha nuôi tôm trên ao đất vỗ xi măng, lót bạt...
Nuôi tôm thâm canh trên ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) |
Bước vào vụ nuôi, các địa phương: Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã tập trung chỉ đạo việc giao, cho thuê đất để phát triển nuôi tôm trên cát. Đến nay, nhu cầu đăng ký thuê đất tại các địa phương rất cao, hiện đã có 226 ha, trong đó 90 ha được thuê (đưa vào nuôi 50 ha). Ông Lê Duy Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Vụ tôm năm nay, huyện tập trung nuôi thâm canh, trong đó phát triển mạnh nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Hiện đã có hơn 45 ha đã được các chủ đầu tư đưa vào thả nuôi tại các xã: Xuân Liên và Xuân Phổ. Huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường... nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đầu tư vào nuôi tôm trên cát với diện tích 85 ha; phấn đấu tăng từ 8 ha lên 28 ha nuôi tôm thâm canh với hình thức ao đất lót bạt, vỗ bờ xi măng...
Cẩm Xuyên cũng đang tập trung mở rộng, tăng nhanh diện tích nuôi tôm thâm canh bằng vỗ bờ xi măng, lót bạt đáy ao, nhất là nuôi tôm trên cát, tạo ra những vùng nuôi tôm ít xảy ra dịch bệnh. Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, năm nay, người dân mạnh dạn đầu tư chuyển 20 ha từ nuôi ao đất sang nuôi lót bạt và vỗ bờ bằng xi măng tại các xã: Cẩm Lĩnh, Cẩm Phúc và thị trấn Thiên Cầm...
Phòng ngừa dịch bệnh
Dịch bệnh ở tôm luôn tiềm ẩn nguy cơ ở mỗi vụ nuôi, gây thiệt hại lớn cho người dân nuôi trồng. Năm 2012, toàn tỉnh có hơn 240 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, làm thiệt hại 6.821 vạn con giống. Dịch bệnh chủ yếu là vi-rút đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, xảy ra tại các huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh.
Nuôi tôm trên cát cho hiệu quả về kinh tế, hạn chế được dịch bệnh |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh thủy sản trên cả nước diễn biến phức tạp, trong đó hội chứng gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đang gia tăng nhưng chưa tìm được tác nhân gây bệnh. Mặt khác, các loại mầm bệnh nguy hiểm đã xuất hiện hầu hết các địa phương trong tỉnh nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn... Ngành chức năng đang chủ động chuẩn bị những biện pháp phòng trừ với mục tiêu giảm 20% diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh đốm trắng so với năm 2012.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoàn - Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh ở tôm là rất lớn. Chuẩn bị xuống giống tôm, các địa phương cần phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường công tác quản lý và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ lượng giống thả nuôi trên địa bàn; đồng thời giám sát thường xuyên vùng nuôi và hướng dẫn người dân chủ động biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm dịch bệnh trên tôm... để kịp thời xử lý, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng. |
Chi cục Trưởng Chi cục NTTS Nguyễn Công Hoàng cho rằng: Để hạn chế dịch bệnh trên tôm thì chất lượng giống là hết sức quan trọng. Ngay từ đầu năm, ngành đã tổ chức khảo sát các cơ sở cung ứng tôm giống ở các tỉnh cho cán bộ chỉ đạo các cấp, nhằm khuyến cáo người dân lựa chọn nơi cung cấp tôm giống có chất lượng, uy tín như: Công ty CP, UP, Việt Úc... Mặt khác, trung chuyển nguồn giống có chất lượng từ các tỉnh khác đưa về ương dưỡng trên địa bàn, nhằm cung ứng giống thuận lợi cho người nuôi.
HỮU TRUNG
theo baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã