Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII, sáng nay (26/11), Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh và sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, hoàn thiện các nội dung về thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2021; tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025... |
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì buổi làm việc. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở KH&ĐT trình bày các nội dung: Tình hình KT-XH năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Linh báo cáo tình hình KT- XH năm 2020.
Năm 2020, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mưa lũ lịch sử nhưng một số ngành, lĩnh vực vẫn tăng trưởng khá như: sản xuất nông, lâm, thủy sản; thu ngân sách nội địa; xu hướng tăng trưởng tín dụng khả quan... Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực cải cách hành chính, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật, thu thuế xuất nhập khẩu…
Dự kiến cả năm thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết số 12/2019/NQ/TU ngày 5/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 168/2019/NQ/HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh.
8 chỉ tiêu đạt và vượt gồm: Tổng sản lượng lương thực; giá trị sản xuất/đơn vị diện tích; tỷ lệ người dân tham gia BHYT; tỷ lệ lao động qua đào tạo; số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom.
7 chỉ tiêu không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%, tổng thu ngân sách trên 12.000 tỷ đồng, hộ nghèo giảm 1,5 - 2%... Kế hoạch cũng nêu ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.
Về thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn kế hoạch vốn của địa phương được các cấp thẩm quyền giao là 26.706 tỷ đồng. UBND tỉnh đã triển khai phân bổ và giao chi tiết để thực hiện trong kế hoạch hàng năm trong giai đoạn với tổng vốn 24.764 tỷ đồng, bằng 92,73% kế hoạch.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu đầu tư của các đơn vị, địa phương là trên 90.700 tỷ đồng. Dự kiến, tổng khả năng huy động nguồn vốn đầu tư giai đoạn này đạt khoảng 32.308 tỷ đồng, đáp ứng được 35,62% tổng nhu cầu đầu tư.
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Nguyễn Tiến Dũng báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 20/11, tổng số vốn đầu tư công giải ngân trên địa bàn là 6.369,9/8.637,8 tỷ đồng kế hoạch vốn do các cấp thẩm quyền thông báo, đạt 73,8%.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Nguyệt: Phân bổ nguồn “tăng thu, tiết kiệm chi” chỉ đưa vào điều khoản riêng, không đưa vào kế hoạch chung.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân trên địa bàn cao hơn mức bình quân toàn quốc nhưng vẫn còn nhiều dự án tỷ lệ giải ngân thấp. Đến 31/10, nguồn ngân sách địa phương có 122 dự án giải ngân dưới 50%, trong đó 88 dự án chưa được giải ngân.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Bức tranh ngành công nghiệp năm 2021 sẽ sáng hơn khi nhiều dự án đi vào hoạt động và một số nhà đầu tư đã tìm hiểu, khảo sát đầu tư hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung dự kiến trình kỳ họp như: Xem xét cân đối một số chỉ tiêu KT-XH năm 2021; tình hình và dự kiến kết quả giải ngân đầu tư công đến cuối năm; các điều khoản trong dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và dự thảo nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025...
Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đặt vấn đề về nội dung phân vốn ngân sách tỉnh từ các nguồn dự phòng, tăng thu, tiết kiệm chi... trong dự thảo nghị quyết về phân bổ nguồn vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đánh giá các đơn vị đã có báo cáo đầy đủ về những nội dung trình kỳ họp tới đây; đồng thời, thống nhất lại một số nội dung các đại biểu có ý kiến sửa đổi, bổ sung như: Chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 - 2025...
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu yêu cầu các ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện nội dung trình kỳ họp.
Với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2012 - 2025, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần có đánh giá, tính toán lại kỹ hơn về nhu cầu đầu tư và soát lại khả năng huy động nguồn vốn.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thẩm định các dự án có chủ trương đầu tư; các đơn vị sớm rà soát, xem xét những nội dung đại biểu góp ý, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để Ban Kinh tế - ngân sách tiến hành thẩm tra, trình kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII trong thời gian tới.
Theo Ngọc Loan/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã