Khó “chuyển” lao động khỏi nông nghiệp
Thanh An là một trong 5 xã điểm thuộc huyện Dầu Tiếng được lựa chọn để xây dựng nông thôn mới (NTM). Trồng và cạo mủ cao su được coi là nghề chính ở Thanh An khi có tới 80% số lao động làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, theo ông Võ Văn Á- Bí thư Đảng ủy xã Thanh An, nếu cứ áp dụng theo bộ tiêu chí NTM là phải chuyển đổi cơ cấu lao động chỉ còn 40-50% làm việc trong nông nghiệp, thì Thanh An rất khó đạt được.
80% số nông dân Thanh An (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) khó chuyển đổi nghề. |
“Trước khi chưa có chủ trương xây dựng NTM, xã Thanh An có quy hoạch một cụm công nghiệp với quy mô trên 100ha, nhưng do vướng giải tỏa đền bù, chậm trễ xây dựng nên đến nay dự án trên vẫn chưa đưa vào sử dụng. Đó cũng là trở ngại để chuyển bớt lao động nông thôn sang làm các nghề phi nông nghiệp” - ông Á nói.
Không riêng Thanh An, một xã điểm khác là xã Bạch Đằng (huyện Tân Uyên) dù đã có 15 năm thí điểm xây dựng, phát triển nông thôn, nhưng đến nay cũng chỉ đạt 8 tiêu chí. Trong khi đó, 11 tiêu chí khác vẫn còn ngổn ngang chưa đạt, nhất là các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, thu nhập, cơ cấu lao động...
Cần 22.000 tỷ đồng
Theo ông Lê Văn Rum- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương, hiện có một số tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng NTM chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đạt thấp như về thu nhập, cơ cấu lao động, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, xây chợ.... Cụ thể, mặc dù Bình Dương đã chọn 30 xã xây dựng NTM là các xã có thế mạnh về kinh tế - xã hội, nhưng tỷ lệ số xã đạt thêm được các tiêu chí rất thấp. “Chẳng hạn, tiêu chí quy hoạch chỉ có 1 xã đạt, giao thông chưa có xã nào đạt, chợ nông thôn chỉ có 1 xã đạt, thu nhập có 4 xã đạt... Đó là những xã đạt các tiêu chí sẵn có, trong khi đó hàng loạt tiêu chí khác cần phải thiết lập triển khai quy hoạch, đầu tư mạnh về tài chính thì vẫn chưa đạt” - ông Rum nói.
Trở ngại lớn nhất của Bình Dương hiện nay là phần lớn 30 xã chọn xây dựng NTM đang vướng vào thủ tục đề án quy hoạch của từng xã. Ông Huỳnh Văn Minh- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho rằng: “Nguyên nhân vướng và chậm nằm ở khâu thực hiện của cấp xã, khiến chất lượng đồ án quy hoạch đạt thấp, ảnh hưởng đến nội dung quy hoạch phát triển sản xuất của các xã NTM đang giậm chân tại chỗ”.
Mục tiêu của Bình Dương là trong giai đoạn 2011-2020 sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở 60 xã của 5 huyện, thị gồm: Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên và thị xã Thuận An. Theo kế hoạch này, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM tại Bình Dương từ nay đến năm 2020 là hơn 22.000 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn NTM với thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm, và đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn là xã NTM.
Lộc Hưng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã