Học tập đạo đức HCM

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình Bài 1: Phong trào của dân

Chủ nhật - 12/08/2012 19:53
LTS: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” Ban Bí thư chỉ đạo Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trong cả nước, tuy không chỉ định Thái Bình làm điểm, nhưng tỉnh đã chủ động phát động phong trào ngay từ đầu năm 2009 và chọn 8 xã làm điểm với 30 tiêu chí, sau điều chỉnh thành 19 tiêu chí cho phù hợp với Bộ tiêu chí của Quốc gia. Đến nay, 100% các xã trong toàn tỉnh đã phê duyệt xong quy hoạch xây dựng NTM. 8 xã làm điểm đã rút ra được nhiều bài học thành công. Trong đó có những xã như Thanh Tân (huyện Kiến Xương), 3 năm qua có hơn 460 đoàn về nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về thăm xã Thanh Tân đều biểu dương mô hình xây dựng NTM của xã đã đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Báo Quân đội nhân dân vừa về tìm hiểu phong trào xây dựng NTM ở Thái Bình, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc kể từ số báo hôm nay.

Bài 1: Phong trào của dân
Qua phân tích kinh nghiệm của một số xã làm điểm trong xây dựng NTM, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng, quan trọng nhất, quyết định nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm cho mỗi người dân có nhận thức đúng về vai trò của chính mình và của cả cộng đồng trong phong trào xây dựng NTM.
Dân quân xã Thanh Tân góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đức Dục
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Việc này rất khó, nên vừa qua Thái Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm cho chủ trương xây dựng NTM thấm xuống đến từng hộ dân. Khi thực hiện xây dựng NTM có nhiều việc “đụng chạm” đến quyền lợi của người dân nên rất cần sự thống nhất nhận thức của toàn dân. Trước hết là dân phải thông. Nhận thức đã thông thì mọi việc có khó khăn cũng tìm ra cách tháo gỡ"- đồng chí Trần Cẩm Tú trả lời. 
Theo gợi ý của Tỉnh ủy, chúng tôi về hai xã làm điểm của huyện Kiến Xương và Quỳnh Phụ để tìm hiểu kinh nghiệm bước đầu trong xây dựng NTM ở Thái Bình.
Tuyên truyền rõ nội dung đến từng cán bộ và người dân
Trên đường về xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) chúng tôi đã gặp ngay những thành quả của phong trào xây dựng NTM. Con đường dẫn về xã trải xi măng rộng 9m, phẳng lì, thẳng tăm tắp, cây xanh rợp bóng… Bên trái trước cổng UBND xã là tấm bản đồ lớn giới thiệu quy hoạch tổng thể xây dựng NTM toàn xã giai đoạn 2011-2015 định hướng đến năm 2020. Bên phải là khẩu hiệu được kẻ to, đậm, ngay ngắn với nội dung rất thiết thực: “Mỗi người dân Thanh Tân góp một ý tưởng xây dựng NTM”. Các thôn, xóm đều dựng rất nhiều những tấm pa-nô, áp phích, bảng tường… giới thiệu về 19 tiêu chí xây dựng NTM.
Trường Trung cấp nghề số 19 Bộ Quốc phòng tích cực dạy nghề cho nông dân. Ảnh Đức Dục
Đồng chí Phạm Văn Nhuận, Bí thư Đảng ủy xã tiếp chúng tôi, cho biết một bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, trước hết phải tập trung làm rõ quan điểm trong Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng NTM là phát huy nội lực của cộng đồng dân cư ở nông thôn kết hợp với hỗ trợ của nhà nước để xây dựng NTM, dựa vào “nội lực là chính”. Sở dĩ phải tuyên truyền kỹ vấn đề này vì lâu nay nhân dân và không ít cán bộ địa phương vẫn cho rằng, Nhà nước sẽ “đổ của, đổ công” để xây dựng NTM và người dân chỉ là đối tượng thụ hưởng, từ đó dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện
Nghị quyết chuyên đề xây dựng NTM của Đảng ủy xã đề ra nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức nghiên cứu, học tập các Nghị quyết của Đảng về xây dựng NTM, với yêu cầu cấp trên nghiên cứu trước, cấp dưới nghiên cứu sau, “cuốn chiếu” theo bốn bước với bốn đối tượng khác nhau. Bước một là Thường vụ Đảng ủy; bước hai Đảng ủy xã; bước ba cán bộ các cấp và bước bốn là toàn dân. Ba năm qua, xã Thanh Tân đã tổ chức tới 76 Hội nghị Đảng ủy; 7 Hội nghị Đảng ủy mở rộng (1.756 đại biểu); 28 Hội nghị Đảng bộ (5.544 lượt đảng viên); 52 Hội nghị cán bộ các cấp (752 đại biểu); 147 Hội nghị nhân dân ở 7 thôn (12.830 lượt đại biểu). 
Chúng tôi được biết không chỉ Thanh Tân mà xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ cũng có những cuộc họp nghiên cứu Nghị quyết “nảy lửa”, như ở thôn An Ký Trung tổ chức họp đi, họp lại tới 25 lần để trả lời câu hỏi vì sao phải dồn điền, đổi thửa, chỉ đến khi dân thông suốt mới thôi. Còn Bộ CHQS tỉnh sau khi học tập, phát động thi đua, thì tổ chức thi trắc nghiệm tới 100% cán bộ, chiến sĩ.
Tuyên truyền bằng nhiều hình thức
Đối tượng tuyên truyền xây dựng NTM là nông dân, nên nếu không có những hình thức tuyên truyền phù hợp thì cũng rất khó đạt hiệu quả.  Ở xã Thanh Tân có nhiều cách tuyên truyền, như tuyên truyền qua các hội nghị, qua hệ thống truyền thanh nội bộ, làm phim phóng sự, sáng tác bài hát (xã có 8 bài hát về xây dựng NTM), thơ, ca, hò, vè tuyên truyền qua câu lạc bộ thơ ca, câu lạc bộ chèo truyền thống, kẻ bảng tường công khai quy hoạch và các tiêu chí xây dựng NTM, xây dựng chuyên mục đối thoại về 19 tiêu chí xây dựng NTM phát trên loa truyền thanh nội bộ hai buổi trong ngày... Tuy nhiên, theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thì cán bộ xã trực tiếp đến giải thích cho nhân dân là hình thức tuyên truyền (tuyên truyền miệng) hiệu quả nhất.
Trường mầm non xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ - Thái Bình) khang trang hơn nhờ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ảnh Đức Dục
Mang ý kiến của Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tân về trao đổi ở Huyện ủy Quỳnh Phụ chúng tôi nhận được ngay sự thống nhất rất cao của huyện. Bí thư Huyện ủy Phạm Tiến Thao nói: “Trăm nghe không bằng một thấy” mời các anh về xã Quỳnh Minh gặp trực tiếp “người trong cuộc”.
Anh Lương Khánh Nhịnh, Chủ tịch xã Quỳnh Minh dẫn chúng tôi về thôn Địa Ninh xem con đường trục của thôn vừa được mở rộng 6m, đã đổ bê tông, hai bên có cống ngầm thoát nước. Đến giữa đường anh chỉ vào ngôi nhà bà Nguyễn Thị Luyến, 50 tuổi, kể với chúng tôi rằng, gian thờ nhà bà Luyến trước nằm chính giữa con đường này. Thôn quy hoạch mở đường khi bà đi làm tận Quảng Ninh, chồng mới mất, gia đình lại rất khó khăn. Nghe điện thoại họ hàng thông báo bà kiên quyết không đồng ý chuyển gian thờ. Chủ tịch xã và tổ trưởng dân phố cùng đại diện các đoàn thể đến vận động gia tộc trước, rồi gặp trực tiếp bà, phân tích nói rõ xây dựng NTM là cơ hội cho làng, cho xã có một cuộc sống tốt hơn, sinh hoạt thuận tiện hơn. Nếu vì một gia đình nhà mình mà không mở rộng được đường làng thì thật đáng tiếc… Họ hàng, anh em, dân làng nói thêm,  bà Luyến nghe ra, không những bà đồng ý chuyển gian thờ hiến đất cho thôn, còn không lấy cả tiền công, tiền vật liệu xây dựng. UBND xã Quỳnh Minh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tặng giấy khen biểu dương bà.
Đồng chí Chủ tịch xã nói: "Nhiều trường hợp khác lúc đầu cũng gặp khó khăn như gia đình bà Luyến, nhưng sau khi chúng tôi đến gặp trực tiếp động viên, phân tích thiệt, hơn là nhân dân thông suốt, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng cho tập thể". 
Khi nhân dân nhận thức được phong trào xây dựng NTM là của dân, người dân là chủ thể, thì chắc chắn thành công. Đó cũng là đích đạt đến của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân
Theo qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập141
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại971,951
  • Tổng lượt truy cập92,145,680
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây