Học tập đạo đức HCM

Mở đường lớn, khơi sức dân

Thứ năm - 01/01/2015 01:12
Từ bộn bề khó khăn, Hà Tĩnh đã trở thành một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bài học trong quá trình lãnh đạo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang được tích lũy, không chỉ để tiếp tục chỉ lối trên chặng đường mới của tỉnh nhà mà còn đúc kết những bài học quý cho nhiều địa phương trong cả nước.

Mở đường lớn

Theo Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh, từ định hướng phát triển của địa phương và yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng NTM, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch (tiêu chí số 1) đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại. Để giúp các địa phương không “bỡ ngỡ” khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ, tỉnh đã chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM; đồng thời, lập đề án xây dựng NTM và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong năm 2011.

Mở đường lớn khơi sức dân
Làng quê nông thôn mới Hương Khê. Ảnh: Minh chiến

Thông qua việc hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng các đề án phát triển, các địa phương đã kế thừa, bổ sung và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mình. Nếu Lộc Hà khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi, phát triển kinh tế biển; Đức Thọ khai thác tiềm năng của 3 vùng sinh thái gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế thì huyện miền núi Vũ Quang lại đi đầu trong việc kích thích, phát triển các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa vùng miền…

Con đường phát triển tất yếu đã được hoạch định, nhưng nếu không huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thì hiệu quả không được như mong muốn. Nhận thức rõ vấn đề trên, Thường trực Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo, giám sát tại các địa phương do một Ủy viên BTV Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Trong 4 năm, các đoàn công tác đã tổ chức 175 cuộc làm việc với 165 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố. Thông qua đó, các địa phương đã tiếp thu phương thức chỉ đạo, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, trong mỗi chuyến “vi hành”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự luôn tìm cách xốc lại tinh thần và thổi luồng sinh lực mới để mỗi hộ dân, địa phương vững tin về những giá trị bền lâu của NTM.

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn cho rằng, bằng sự đồng hành và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Trước năm 2010, mỗi năm chỉ dành 5-7 tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp thì năm 2011 là 30 tỷ đồng, năm 2012 lên 65 tỷ đồng, năm 2013 là 80 tỷ đồng và năm 2014 là 170 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng thì năm 2013, tỉnh ta đã dành trên 800 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM).

Khơi sức dân

Trong các buổi tiếp xúc với người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn - Phó ban Thường trực BCĐ chương trình NTM tỉnh luôn khẳng định, xây dựng NTM là cuộc vận động lớn; là quá trình lâu dài và liên tục, trong đó, người dân là chủ thể, xã quyết định, huyện đóng vai trò quan trọng, tỉnh định hướng, hướng dẫn. Thời gian qua, chúng ta chủ trương vừa chỉ đạo, vừa rút kinh nghiệm, vừa tổ chức đồng bộ ở tất cả các xã trên địa bàn, xác định rõ lộ trình và bước đi phù hợp. Giai đoạn đầu với quan điểm chỉ đạo “vừa điểm, vừa diện”, hiện nay là “nâng đầu, đỡ cuối”, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển giữa các địa phương, vùng miền.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (bài 1): Chuyển biến và trăn trở...

Nhân dân xã Cương Gián (Nghi Xuân) ra quân làm đường giao thông nông thôn

Để phát huy vai trò chủ thể, sức mạnh nội lực của người dân, công tác tuyên truyền, vận động luôn được dành thời lượng xứng đáng. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vai trò, trách nhiệm của người dân ngày càng thể hiện rõ nét; tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được đẩy lùi; tư duy phát triển sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của nông dân đã được nâng lên; ý thức về văn hóa, văn minh, môi trường, chỉnh trang khu dân cư, thôn xóm được gìn giữ, phát huy. “Suy cho cùng, xây dựng NTM là chăm lo cho đời sống của nhân dân. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, không có con đường nào khác ngoài chăm lo phát triển sản xuất, giữ gìn văn hóa, bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Văn Nam (Xuân Viên, Nghi Xuân) bộc bạch.

Trong 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta đã huy động được hơn 25.000 tỷ đồng. Các địa phương đã hỗ trợ thành lập hơn 4.000 mô hình sản xuất có doanh thu trên 100 triệu đồng/ năm; thành lập mới 368 tổ hợp tác, 672 HTX, 1.575 doanh nghiệp; bê tông hóa 3.393 km đường GTNT; đầu tư xây dựng, nâng cấp 55 trạm y tế, 225 trường học đạt chuẩn, 54 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 385 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xóa bỏ 10.988 nhà tạm; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia…

Nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ngay tại mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, từ thực tiễn chỉ đạo chương trình, Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình khu dân cư kiểu mẫu. “Sau khi tận mắt chứng kiến khu dân cư kiểu mẫu tại Xuân Mỹ, Xuân Viên (Nghi Xuân), cán bộ, nhân dân đoàn tham quan xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) đã hạ quyết tâm xây dựng bằng được khu dân cư kiểu mẫu, không ngừng nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn” - Phó Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Tĩnh - Nguyễn Thế Công cho biết.

Về các địa phương xây dựng NTM mới hiểu hết được lòng dân. Bằng việc trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng, xã nghèo Thanh Lộc (Can Lộc) trên dưới một lòng cùng nhau hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Xốc lại tinh thần, đồng tâm, chung sức, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2014, người dân xã Xuân Viên đã hoàn thành thêm 9 tiêu chí để về đích NTM một cách đầy thuyết phục.

“Bài học xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện chương trình NTM đó là lấy sức dân lo cho cuộc sống của nhân dân; ở đâu khơi dậy được sức dân, phát huy sức mạnh của dân, ở đó xây dựng NTM sẽ trở thành cuộc vận động lớn, phong trào thi đua sâu rộng ăn sâu vào máu thịt của dân và đạt được kết quả như mong đợi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ xây dựng NTM tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Khi triển khai chương trình, ở tỉnh ta, bình quân mỗi xã mới đạt 4,1 tiêu chí; 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Qua 4 năm thực hiện, đến nay, bình quân đạt 8,7 tiêu chí/xã; 26 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt từ 13-18 tiêu chí; 135 xã đạt từ 7-15 tiêu chí và 65 xã đạt dưới 7 tiêu chí (trong đó, có 12 xã đạt dưới 5 tiêu chí - giảm 57 xã so với năm 2011).

Tuấn Phương
Theo baohatinh.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại791,136
  • Tổng lượt truy cập93,168,800
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây