Dẫu còn nhiều khó khăn song ghi nhận tại một số địa phương sắp “cán đích” của huyện miền núi này mới thấy hết những nỗ lực của chính quyền cũng như niềm vui của người dân.
Hoàn thiện hạ tầng
Theo UBND huyện Nam Đông, trong năm 2014, huyện này tập trung mọi nỗ lực, xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM là Hương Sơn, Hương Lộc, Hương Phú.
Ghi nhận tại xã Hương Phú, những con đường thôn xóm chật hẹp, lầy lội ngày nào không còn nữa. Thay vào đó là các tuyến đường dân sinh khang trang; đường vào vùng lâm trường cũng mở rộng để phục vụ SX.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành đường dân cư thôn Ka Tư. Hệ thống tường rào, sân nhà văn hóa các thôn được nâng cấp, xây mới đạt chuẩn.
Có được hệ thống nước sạch là một tiêu chí không dễ dàng gì với các xã vùng cao. Tại Hương Phú, hệ thống nước sạch từ thị trấn Khe Tre vào các thôn Phú Hòa, Xuân Phú, Đa Phú, Hà An, được mở rộng và nâng cấp nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch.
Tại xã Hương Sơn và Hương Lộc, cũng từ năm 2013 đến nay, địa phương đã đầu tư xây dựng hoàn thành gần 1km đường vào khu sản xuất A2. Trên các tuyến đường dân sinh, dự kiến sẽ đầu tư các thùng rác, thành lập tổ thu gom, thu phí để đảm công tác vệ sinh môi trường.
Điểm nhấn tại Hương Lộc trong thời gian qua là do đây là địa bàn miền núi, đi lại còn nhiều khó khăn nên địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng được 2 cây cầu vào thôn 1; xây dựng hơn 4km đường vào khu SX Lồ Ô và đường vào khu SX các thôn 2, 3.
Ngoài hạ tầng đường sá, chính quyền địa phương Nam Đông đã chú trọng đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa cộng đồng của các xã Hương Giang, Hương Hòa, mỗi công trình được xây dựng có giá trị trên 3 tỷ đồng.
Hình ảnh nhà văn hóa cũ với cảnh chật hẹp, cơ sở vật chất nghèo nàn nay đã không còn. Thay vào đó là quy mô công trình nhà văn hóa mới tại hai địa phương Hương Giang và Hương Hòa được xây dựng rộng rãi có sức chứa hàng trăm người trở lên.
Khuôn viên, địa điểm quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thông thoáng, thuận tiện cho việc giao lưu, sinh hoạt, thể thao, giải trí của người dân.
Chỉ tính trong hơn 3 năm kể từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đông có khoảng 1.510 công trình nhà vệ sinh được xây dựng kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Gần cả ngàn ngôi nhà, 500 sân nhà được bà con xây mới, nâng cấp khang trang. Gần 450 hộ tự bỏ kinh phí xây dựng đường bê tông từ đường chính vào ngõ, từ ngõ vào nhà. Hàng trăm hộ đóng góp đất, hoa màu, ngày công để xây dựng các công trình với trị giá hàng tỷ đồng.
Tổng giá trị nhân dân tự đóng góp, đầu tư trong 3 năm qua ước tính 60 tỷ đồng, trong đó phát triển SX khoảng 40 tỷ đồng, còn lại xây dựng các công trình.
Hạ tầng Nam Đông được chú trọng xây dựng
Theo UBND huyện Nam Đông, năm 2014, ngoài phấn đấu xây dựng 3 xã Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn đạt chuẩn NTM, huyện này còn phấn đấu đưa 3 xã Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Quảng đạt 15-16 tiêu chí và 2 xã đạt từ 13-14 tiêu chí là Thượng Lộ và Hương Hữu. |
Nhờ được đầu tư xây dựng, quy hoạch tốt, đến nay toàn huyện Nam Đông đã có hai xã Hương Giang và Hương Hòa đạt chuẩn NTM, ba xã đạt 14 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 8 đến 13 tiêu chí.
Chú trọng SX
Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông, khẳng định: “Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề được huyện Nam Đông triển khai với biện pháp đa dạng hóa trong SX, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó, kinh tế tập thể là mô hình được huyện nhà quan tâm đầu tư tại các địa phương".
Ghi nhân tại xã Hương Lộc, 3 năm trở lại đây, địa phương đã xây dựng các tổ hợp tác SX mây tre, kinh doanh rừng; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào SX, thâm canh vườn. Người dân không phải vào rừng khai thác lâm sản trái phép.
Ông Hồ Xuân Rươi (thôn 2 xã Hương Lộc) cho biết: “Khi hình thành tổ hợp tác, mình có công việc ổn định hơn, không còn sống chủ yếu dựa vào rừng, thu nhập bấp bênh như trước. Đường sá đi lại thuận tiện, bà con rất yên tâm phát triển SX".
Tại xã Hương Phú và Hương Sơn nhiều năm qua, địa phương đã biết dựa vào thế mạnh trồng rừng và cao su. Gần đây nhất, bà con đã xây dựng các tổ hợp tác nuôi ong, may mặc, kinh doanh rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, các địa phương đã biết phối hợp với các ngành tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Hiện, các địa phương ở Nam Đông đang phấn đấu bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người từ 20 triệu đồng trở lên.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;