Học tập đạo đức HCM

Về nơi xôn xao vì 'sưu cao thuế nặng'

Thứ bảy - 01/08/2015 22:13
Đường về xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh mùa này lúa đang thì con gái cứ xanh mướt mát, nhưng nơi đây lại xôn xao trên mạng vì “sưu cao thuế nặng”. Xã Thường Nga bỗng dưng được biết đến như một địa phương lạm thu nhiều loại phí khiến người dân “sức tàn lực kiệt”.
 
Một nhà văn hóa xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Thường Nga bị tạm dừng vì ảnh hưởng của dư luận “sưu cao thuế nặng”
Một nhà văn hóa xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Thường Nga bị tạm dừng vì ảnh hưởng của dư luận “sưu cao thuế nặng”

Nhưng thật bất ngờ, về tận các thôn xóm, hỏi chuyện nhiều người dân lại thấy họ không khóc vì “sưu cao thuế nặng” mà cười tươi trước những con đường bê tông của nông thôn mới...

Dân tình nguyện hiến đất đóng phí làm đường

Xóm Đông Nam của xã Thường Nga đang hối hả hoàn tất con đường bằng bê tông rộng rãi chạy từ đầu đến cuối xóm. Con đường này như một nét vẽ làm cho quang cảnh của cả xóm trở nên thoáng đãng. Từng ngôi nhà như thoát khỏi cái chật hẹp của không gian sống vốn tù bức.

Cụ bà Trần Thị Tam ngồi trong sân nhìn ra con đường bê tông mới,  thủng thẳng nói: “Cố hiến đất, hiến cả bờ rào, khoảng 30 mét đất để làm đường. Cố tự bỏ tiền ra mua cống hết 3,6 triệu đồng, mua 1.400 gạch, rồi trù nác (trầu nước) cho thợ khi mô cũng có, hai mẹ con  tự nguyện làm ba bữa cơm mời thợ. Nỏ (không) tiếc chi, chỉ muốn cùng bà con làm con đường bê tông”.

“Cố có phải đóng góp nhiều tiền để làm đường không”. Cụ Tam cười móm mém, bảo: “Cố phải đóng chứ, nhưng không nhiều, mà có thu mới làm được đường, nhà nước chỉ cho xi măng. Đóng hai trăm nghìn mà có con đường đẹp thì tiếc chi”.

“Chúng tôi chỉ nhắc nhở vận động dân. Lúa thu hoạch xong cuối tháng 4, đến 10/6, sau hoàn thành sản xuất lúa hè thu, xã mới thu. Không có chuyện thu thóc tươi hay an ninh đến nhà dân ép như trên mạng nói”.

 

Ông Dương Trọng Hữu

Không chỉ riêng cụ Tam, nhiều người dân xóm Đông Nam đều tình nguyện hiến đất để làm đường. Vợ chồng chị Đậu Thị Lan đang làm lại chiếc cổng để “đón” con đường bê tông mới. Vừa hiến hơn 30 mét đất để làm con đường này, nhưng giọng chị Lan không giấu được niềm vui: “Trước đây, con đường này nhỏ lắm, gọi là đường chuột chạy. Đường như ngõ hẻm,  nhìn không thấy nhà. Trước kêu mãi không được, đổ đất lên làm  đường thì đường trôi vì không có bê tông. Nay nhờ làm nông thôn mới mới có đường mới”.

“Chị nghĩ gì khi  nghe dư luận nói về việc dân ở xã Thường Nga phải đóng quá nhiều loại phí?”

Chị Lan trả lời: “Với ai chứ với gia đình tôi thì không thấy phải đóng nhiều và đều tự nguyện. Xã họ thu làm cho dân chứ, phải đóng mới có kinh phí để làm, không thì lấy mô ra? Làm ruộng thì phải nộp sản lượng. Nhiều nhất chỉ có tiền đóng để làm đường bê tông, mỗi khẩu 200 nghìn đồng, ăn thua chi. Giờ làm con đường bê tông này, xóm tươi mới hẳn, ô tô vào tận nhà, nên hiến đất đóng tiền cũng không tiếc”.

Nhà ông Phạm Viết Lộc hai mặt tiền, hai con đường của xóm nên số đất phải hiến nhiều gấp đôi các hộ dân khác. Hai lần nhà ông Lộc phải đập tường gạch để hiến đất cho hai con đường chạy ngang qua. Đất mặt tiền ấy dù ở trong xóm vẫn đáng giá trong thời buổi này, nhưng vợ chồng ông Phạm Viết Lộc vẫn quyết hiến cho xã mà không chút băn khoăn.

Về nơi xôn xao vì 'sưu cao thuế nặng' - ảnh 1

Chị Đậu Thị Lan, xóm Đông Nam xã Thường Nga: “Có con đường bê tông này, hiến đất đóng tiền không tiếc”

Ngồi ngoài sân nhai trầu, nhìn ra hai con đường trước nhà đã phẳng lì và thông thoáng, ông Lộc bảo: “Tôi góp đất cho xã không tiếc, vì góp để làm đẹp cho nhà mình, đẹp cho xã hội chứ có phải làm xấu mô. Tôi sợ nhất là làm gì không đúng đường lối chủ trương của Nhà nước, không có tập thể, tiện đâu thu đấy.  Tôi không bênh vực ai cả,  ở đây các khoản thu được người dân biểu quyết đồng tình. Nhưng tại sao nông dân trong xã đóng góp cao mà vẫn đồng tình, Hội đồng nhân dân xã thông qua?  Vì bà con thấy có lợi cho mình. Nhiều người nghèo hơn tôi vẫn giơ tay đồng ý, làm đường bê tông đẹp thì phải góp tiền. Theo tôi, các loại phí không nhiều nhưng trong lúc này người dân vẫn còn nghèo, thu nhập không đồng đều, nên có thể có người phản ứng. Đó chỉ là số rất ít.  Nếu thu chính đáng đầu tư đúng mục đích, có chứng từ đầy đủ thì không sợ”.

 Nhiều đường làng ngõ xóm của xã Thường Nga trở nên sạch đẹp rộng rãi nhờ người dân tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Kênh mương nội đồng đang được xây dựng. Những con đường lớn vươn ra để rồi tới đây xe cơ giới, máy cày có thể ra đến tận chân ruộng. Nhưng có  nhà văn hóa trong xã đang xây dở phải tạm dừng vì dư luận về “sưu cao thuế nặng” ở xã Thường Nga làm cho khí thế hoàn thành xây dựng nông thôn mới chùng xuống.

Không có chuyện dân “khóc”

Ông Dương Trọng Hữu – Chủ tịch UNBD xã Thường Nga mặt đầy ưu tư: “Dư luận về xã thu nhiều loại phí khiến người dân bị chấn động về tâm lý. Không chỉ dân mà cán bộ xã cũng rất tâm tư, nên một số công trình xây dựng nông thôn mới đang bị đình trệ”.

Ông Hữu cho hay, Thường Nga là xã miền núi nghèo, độc canh cây lúa, thu ngân sách một năm chỉ 60 triệu đồng. Trong đó, thuế chợ 24 triệu đồng, lệ phí hành chính 10 triệu và các khoản thầu vườn đồi hoa lợi khác, cộng thêm các nguồn thu khác. Chỉ thế! Nguồn thu quá ít, nhưng xã cũng nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới, cố gắng về đích cuối năm nay. Với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, xã Thường Nga vận động các nguồn thu để xây dựng các công trình hạ tầng.

Ông Hữu chia sẻ: “Trong năm qua xã thực hiện thu ngân sách và các loại quỹ đúng theo quy định của Pháp lệnh  34/2007/ PL-UBTVQH11 về quy chế dân chủ cơ sở và Hướng dẫn số 408/STC ngày 21/3/2011 của Sở Tài chính Hà Tĩnh trong việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.  Việc vận động thu của xã gồm thu quỹ giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất . Ngay từ đầu năm, UBND xã đã xây dựng kế hoạch nguồn thu trình Thường vụ Đảng ủy, thường trực HĐND và UBMTTQ quyết định, đồng thời tiến hành tiếp xúc cử tri, triển khai kế hoạch vận động nhân dân đóng nộp và được cử tri nhất trí cao. Có những xóm thu xong ngay từ ngày đầu, xã không nhận được ý kiến phản đối, phản biện của người dân nào”.

Về nơi xôn xao vì 'sưu cao thuế nặng' - ảnh 2

Ông Dương Trọng Hữu - Chủ tịch UBND xã Thường Nga khẳng định các khoản thu của xã đều được người dân thông qua

“Có dư luận cho rằng xã vẫn tổ  chức thu thuế nông nghiệp trong khi loại thuế này đã được bãi bỏ?”, ông Hữu lý giải:  “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất, ngoài hỗ trợ xi măng của cấp trên, toàn dân thống nhất thu theo khẩu có ruộng hưởng lợi từ các công trình phục vụ sản xuất nên có người hiểu đây là thu thuế nông nghiệp. Kể từ 2003, xã đã bỏ thu thuế nông nghiệp”.

 Năm 2015, xã  Thường Nga huy động 756 triệu đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; trung bình vận động mỗi hộ 652 nghìn đồng, trong đó có cả hộ nghèo.

Trả lời câu hỏi vì sao lại thu của hộ nghèo,  ông Chủ tịch xã Thường Nga thừa nhận: “Chúng tôi bị vấp về việc thu của hộ nghèo. Nhiều người dân có tâm lí,  hộ nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước,  nên  họ cũng cần có nghĩa vụ đóng góp cho việc xây đường, cứng hóa kênh mương... Vừa rồi, nghe đâu có  hộ nghèo lên báo khóc về việc phải đóng nhiều loại phí, thực ra họ là những người được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước nhất”.

Khi gặp bà Lê Thị Hương - xóm Văn Minh xã Thường Nga - người có tấm ảnh khóc trên mạng  với dòng chú thích: “Bà Lê Thị Hương liên tục khóc khi kể về các khoản thu”  thì bà lại nhất quyết cho rằng: “Bác khóc vì tủi thân chuyện con cái ốm đau, gia đình khó khăn chứ bác có nhắc chi chuyện thuế má, có biết thuế má chi mô, chuyện nộp các khoản thì bác đã nộp lâu rồi”.

“Có hay không việc cưỡng ép người dân nộp các loại quỹ cho xã?”. Ông  Dương Trọng Hữu lắc đầu: “Chúng tôi chỉ nhắc nhở vận động dân. Lúa thu hoạch xong cuối tháng 4, đến 10/6, sau hoàn thành sản xuất lúa hè thu, xã mới thu. Không có chuyện thu thóc tươi hay an ninh đến nhà dân ép như trên mạng nói”. 

Ngày 29/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh có văn bản khẳng định: Tất cả các khoản thu ở xã Thường Nga  đều được thông qua và xin ý kiến của nhân dân (có biên bản họp dân kèm theo).  Xã đã áp dụng thu, chi theo đúng quy định pháp luật Nhà nước.

Sở này cũng cho rằng, cần xử lý một số thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng, bi kịch hóa đời sống ở nông thôn, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa phương.

Nguồn: tienphong.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập351
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại853,542
  • Tổng lượt truy cập92,027,271
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây