Tự nguyện “đổi” đất lấy đường
Khi xây dựng tuyến đường giao thông 850 từ thôn Hòa Dưỡng (xã Quế Xuân 2) đi đến trung tâm xã, có 17 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 15 hộ đồng tình hiến đất, 2 hộ không đồng tình. Thế là ông Võ Quang Trường (66 tuổi, thôn 6B) nghĩ ra kế, tình nguyện đổi 1 sào đất để 2 hộ không đồng tình kia sản xuất, bù lại 2 hộ này phải nhường đất làm đường. Việc làm của ông Trường đã nhận được sự đồng tình 2 hộ dân này.
Giao thông nông thôn tại xã Quế Xuân 2 luôn được chú trọng, nhờ đó đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân. Ảnh: Đ.N
Khi được hỏi vì sao lại chịu đổi đất của mình để làm đường chung, ông Trường từ tốn: “Làm đường là việc rất cần thiết cho cuộc sống của người dân ở đây. Cách trở, lầy lội rồi đi đường vòng cực nhiều năm rồi, chỉ có làm đường mới, cuộc sống mọi người mới sung sướng. Vì tính chất quan trọng này mà tôi nghĩ ra việc đổi đất cho người dân để họ hiến đất làm đường. Sau khi xây dựng đường xong, 1 hộ dân thấy có lợi nên tự nguyện giao lại cho tôi nửa sào đất”.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng thôn Hòa Dưỡng, cả thôn có 204 hộ dân, khi nghe tin làm đường GTNT, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 2.500m2 đất. Trong đó, có những hộ như ông Huỳnh Địch dù đã gần 90 tuổi nhưng khi nghe làm đường, tuổi cao sức yếu không tham gia được, ông tự nguyện hiến đến nửa sào đất. Bản thân trưởng thôn Nguyễn Văn Thành cũng là người tiên phong, hiến 300m2 đất để phục vụ việc làm đường. “Từ khi tuyến đường 850 được hoàn thành, người dân trong thôn trồng sắn (diện tích 30ha) giảm được chi phí và thời gian vận chuyển. Nếu trước đây chưa có đường thì 500 đồng/kg sắn tươi, giờ đây giá bán được tăng gấp đôi”- ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cho hay, nhờ vào việc phát triển giao thông thuận lợi nên thu nhập của người dân được nâng cao. Năm 2008, thôn Hòa Dưỡng có đến 46 hộ nghèo thì đầu năm 2015 chỉ còn 9 hộ nghèo, phấn đấu cuối năm nay giảm còn 6 hộ.
Con đường thoát nghèo
|
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2, cho biết, thu nhập của người dân trên địa bàn xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng về trường học, trạm y tế…, địa phương đã chú trọng việc xây dựng đường GTNT và phát triển thủy lợi để phục vụ an sinh và phát triển sản xuất.
Theo ông Sơn, hiện nay, hệ thống giao thông toàn xã có chiều dài 84,103km, đường xã được bê tông hóa 3,7km, trục đường liên thôn, xóm kiên cố hóa 30,538km. Các công trình thủy lợi đã phục vụ nước tưới 100% diện tích trồng lúa (343ha) đều được tận dụng từ nguồn nước Phú Ninh và trạm bơm điện, hồ đập trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã thực hiện kiên cố hóa 6,374km kênh mương nội đồng. Nhờ vậy, việc đi lại và nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn xã luôn được đảm bảo.
“Năm 2015, địa phương đưa vào sử dụng tiếp gần 1km đường GTNT và 340m kênh mương nội đồng, đồng thời lập phương án sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Giúp người dân có cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn là bài toán mà địa phương đang cố gắng thực hiện” - ông Sơn chia sẻ.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã