Tháng 6/2018, gia đình ông Trần Văn Tới (thôn Đồng Tiến, xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) được vay 12 triệu đồng để xây mới công trình vệ sinh.
Đến thời điểm này, dư nợ của chương trình nước sạch, vệ sinh và môi trường trên địa bàn Hà Tĩnh đạt gần 541 tỷ đồng.
Ông Tới phấn khởi: “Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh đã trực tiếp đến tận xã tuyên truyền về chính sách này, thủ tục vay vốn nhanh gọn đã giúp gia đình tôi sớm xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường. Trước đó, con trai tôi cũng được tiếp cận vay vốn từ chương trình này”.
Không chỉ gia đình ông Tới mà 47.000 khách hàng tại 229 xã thuộc khu vực nông thôn của Hà Tĩnh đã được tiếp cận chương trình nước sạch, vệ sinh và môi trường từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Gia đình ông Trần Văn Tới (thôn Đồng Tiến, xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) xây mới công trình vệ sinh đạt chuẩn nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh.
Từ nguồn vốn này, người dân đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch. Ngoài ra, họ còn đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, gồm: Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn; hố xí hoặc hố xí kèm bể biogaz.
Anh Lưu Tùng Dương - Phó trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Hà Tĩnh thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh nên người dân khá chật vật trong việc tìm nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt. Hầu hết các hộ dân đều sử dụng bể chứa nước mưa và giếng đào nhưng chất lượng nước không đảm bảo. Ngoài ra, các công trình vệ sinh được xây dựng tạm bợ do không có kinh phí nên đời sống người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Sau gần 14 năm thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến thời điểm này, dư nợ của chương trình trên địa bàn Hà Tĩnh đạt gần 541 tỷ đồng. Riêng tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 108 tỷ đồng với 9.000 hộ dân vay vốn”.
Thông qua 3.640 tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn chương trình nước sạch, vệ sinh và môi trường được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng.
Để chương trình nước sạch, vệ sinh và môi trường phát huy hiệu quả, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh đã thành lập điểm giao dịch tại tất cả xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, phối hợp các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên các cấp thành lập 3.640 tổ tiết kiệm và vay vốn làm ủy nhiệm với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, mỗi thôn, xóm có ít nhất 1 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động. Đây được ví như “cánh tay nối dài” của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn vay kịp thời, đúng đối tượng và hạn chế nợ quá hạn phát sinh. Tính đến 30/9/2018, nợ quá hạn chương trình này chỉ chiếm 0,015% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Nhiều hộ dân vùng nông thôn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp cận vốn vay để đầu tư các công trình vệ sinh, nước sạch.
Được biết, một số địa phương có dư nợ chương trình nước sạch, vệ sinh và môi trường lớn như: huyện Cẩm Xuyên (76 tỷ đồng), huyện Kỳ Anh (73 tỷ đồng), Thạch Hà (60 tỷ đồng)...
Ông Nguyễn Tiến Điền - Chủ tịch UBND xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) cho hay: “Chương trình vay vốn nước sạch, vệ sinh và môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có ý nghĩa thiết thực. Nhiều hộ dân trên địa bàn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp cận vốn vay để đầu tư các công trình vệ sinh, nước sạch. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân nông thôn cũng như giúp địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
Theo Thu Phương/Bao ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã