Bà Dương Thị Đoàn (54 tuổi, thôn Hải Hà) chia sẻ, gia đình năm nay trồng 3 sào sắn, nhờ giống mới, năng suất ước đạt gần 1,5 tấn/1 sào. Không chỉ vậy, thương lái đến thu mua tận vườn với giá cao. Những năm trước đây, giá sắn chỉ khoảng 800 đồng/1 kg, thậm chí năm 2017, dù với mức giá này nhưng không có nhiều người hỏi mua, ế ẩm. Năm nay, sắn đầu mùa giá lên đến 2,2 nghìn đồng/1 kg, còn giá bán tại vườn (người dân không phải thu hoạch) cũng đạt mức 1,8 nghìn đồng/1 kg.
Bà Đoàn cũng tâm sự: "Cây sắn còn tạo thêm thu nhập khi thương lái thuê lại người dân thu hoạch, vận chuyển sắn lên xe. Thu hoạch sắn, chúng tôi được trả từ 180 - 200 nghìn đồng/ngày; bốc sắn lên xe tải, thương lái trả 70 nghìn đồng tiền công/1 tấn hàng. Họ thu mua cả ngày lẫn đêm, có khi chúng tôi bốc sắn đến 3 giờ sáng mới về, dù mệt nhưng thu nhập khá nên rất vui."
Xã Kỳ Tây được coi là một trong những vựa sắn lớn của huyện Kỳ Anh. Ông Nguyễn Hữu Mỹ (thôn Hồng Xuân) cho hay, gia đình trồng 6 sào sắn, đã thu hoạch 5 sào, lợi nhuận đạt khoảng 10 triệu đồng. Nếu mức giá hiện tại được duy trì thì cây sắn là cây có lãi và người nông dân tiếp tục sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây Nguyễn Hồng Thắng, năm 2018, toàn xã có 160 ha sắn. Nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, có nhiều hộ đạt năng suất khoảng 40 tấn/1 ha, với mức giá trong khoảng 2 nghìn đồng/1kg, 1 sào sắn nông dân lãi khoảng 3 triệu đồng. Thời tiết thuận lợi, hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 80%.
Nhiều bà con cho biết, sắn là cây dễ trồng, không phải chăm sóc, mức đầu tư phân bón và giống ban đầu khoảng 500 nghìn đồng/1 sào. Tuy nhiên, do các năm trước giá sắn xuống khá thấp nên nhiều người bỏ cây sắn, chuyển sang trồng cây keo, tràm.
Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến giá sắn lên cao hơn các năm trước là do Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (thuộc Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Thành Mỹ Phát) thu mua. Bên cạnh đó, một số thương lái thu mua, vận chuyển đến các địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Quang Thành – Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh cho hay: "Thực tế, chúng tôi ký hợp đồng với với rất nhiều nông dân huyện Kỳ Anh và cung cấp các giống mới như KM 149, KM 94 đọt đỏ để họ sản xuất. Song, người dân không thực hiện theo nội dung hợp đồng nên chịu nhiều thiệt thòi. Hiện tại, chúng tôi thu mua sắn nguyên liệu tại công ty với mức giá 2,6 nghìn đồng/1 kg (đối với người không có hợp đồng là 2,5 nghìn đồng/1 kg). Chúng tôi mong muốn người dân ký hợp đồng và tuân thủ hợp đồng để có hiệu quả kinh tế hơn, phía công ty cũng ổn định nguyên liệu sản xuất hơn."
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng, huyện có 8 xã chuyên trồng cây sắn với tổng diện tích hơn 1.400 ha. Năm nay người trồng sắn Kỳ Anh rất phấn khởi vì được mùa, được giá. Để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, huyện đã hướng dẫn, tuyên truyền người dân liên kết với doanh nghiệp.
Theo Chiến Tấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã