Học tập đạo đức HCM

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Thứ bảy - 13/08/2016 23:18
Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện Kỳ Anh xin giới thiệu toàn bộ nội dung Nghị Quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Anh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

NGHỊ QUYẾT (*)

CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN

về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

 gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

 

          I. TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

          Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, của huyện về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và có nhiều giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đã đạt được những kết quả quan trọng.

          Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng một giống. Trong chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại, gia trại. Hiện nay, toàn huyện có 10 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung liên kết, trong đó có 08 cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm có quy mô từ 600 - 1.800 con, 02 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại quy mô trên 300 con; có 22 tổ hợp tác chăn nuôi lợn thương phẩm, mỗi tổ có từ 10 - 18 hộ, quy mô từ 20 - 200 con/hộ/lứa. Sản xuất lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá, chú trọng đầu tư nuôi tôm theo hướng thâm canh. Xây dựng nông thôn mới bước đầu đã trở thành phong trào sâu rộng và đạt được kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

          Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế, yếu kém. Là huyện sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thật sự tập trung chỉ đạo phát triển các cây, con chủ lực, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm bị phân tán, khả năng cạnh tranh thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền trên địa bàn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất như giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến còn hạn chế, dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi, hiệu quả sản xuất đạt còn thấp. Phần lớn sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; chưa xây dựng được thương hiệu và sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn kém hiệu quả, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế. Công tác quản lý chất lượng nông sản còn nhiều bất cập, chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

          Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: Tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thiếu ý chí quyết tâm làm giàu của một bộ phận nhân dân trong sản xuất nông nghiệp; trình độ đầu tư, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao còn hạn chế; các  doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân chưa nhiều; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu; quản lý nhà nước về nông nghiệp trong một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường...; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức và có giải pháp hữu hiệu để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp nhanh, mạnh, bền vững...

          Xuất phát từ tình hình trên, đòi hỏi phải có nhận thức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

          II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

          1. Quan điểm

          Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tổ chức lại sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa lại giá trị sản xuất cao hơn,  phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới và nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân;

            Tái cơ cấu gắn với nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực bằng các biện pháp thay đổi tập quán sản xuất và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp một cách đồng bộ, vừa tập trung, vừa phân tán;

          Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nhân dân.

          2. Mục tiêu

          Tập trung đổi mới, tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ. Tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất để từng bước hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao; xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm có lợi thế của huyện. Nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an ninh nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng huyện Kỳ Anh đạt chuẩn nông thôn mới.

          3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

          - Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 5 - 10%; cơ cấu kinh tế: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 31,9%. Về cơ cấu: nông nghiệp chiếm 85,67% (trồng trọt 29%, chăn nuôi 71%), lâm nghiệp chiếm 6,83%; thủy sản chiếm 7,5%.

          - Xác định cây con chủ lực, về trồng trọt: lúa chất lượng cao, chè công nghiệp, lạc, rau củ quả và cây ăn quả có múi; về chăn nuôi: bò, lợn; về thủy sản: tôm, cua; về lâm nghiệp: trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và một số cây dược liệu.

          - Mỗi xã đều có sản phẩm hàng hóa chủ lực với giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu mỗi xã có từ 1 đến 2 thôn có mô hình “Mỗi thôn một sản phẩm chủ lực”.

          III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nội dung của Nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch hành động, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; lấy kết quả lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chăm lo đời sống cho nhân dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

          Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp, làm cho cán bộ, đảng viên, các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức, cơ quan và mọi người dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Tăng cường quản lý Nhà nước đối với quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế

          Xác định việc lập quy hoạch là khâu quan trọng làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch phải định hướng được thị trường, tiềm năng, lợi thế, khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cây trồng, vật nuôi. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã rà soát và xây dựng mới quy hoạch sản phẩm mà huyện có tiềm năng và lợi thế. Tổ chức công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch đến từng thôn, các doanh nghiệp và nhân dân để triển khai thực hiện có hiệu quả, trên cơ sở quy hoạch cần phát huy lợi thế của các vùng kinh tế.

Đối với các xã miền núi: Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như: cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây ăn quả có múi, chăn nuôi bò, lợn, chè công nghiệp ở các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Sơn. Phối hợp với Công ty chè sớm xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà máy chè Kỳ Thượng; trồng thử nghiệm mô h́nh chuối ở xă Kỳ Lâm, cam Cao Phong ở xã Kỳ Thượng.

          Đối với các xã vùng đồng bằng: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa, chuyển dần sang các cây trồng có giá trị, hiệu quả cao hơn như: sản xuất rau an toàn, cây lạc, cây ăn quả, cây thức ăn chăn nuôi. Đến năm 2020 giảm 300 - 400 ha lúa, khoảng 1.200 ha sắn; mở rộng cánh đồng một giống lúa đầu tư thâm canh năng suất, chất lượng cao.

          Đối với các xã vùng ven biển: Chú trọng khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; tập trung đầu tư nuôi tôm thâm canh công nghệ cao ở các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Thư; chế biến các loại thủy sản khô, mắm chợp, nước mắm; chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt; triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân.

3. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình tập trung với quy mô lớn

          Hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện. Trong trồng trọt, sản xuất và ứng dụng rộng rãi các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất thuận, xây dựng dự án bảo tồn và phát triển cây quýt Kỳ Thượng. Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao tạo giống chất lượng, nâng đàn lợn nái ngoại để đáp ứng nhu cầu con giống trên địa bàn. Trong thủy sản, tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với nuôi tôm, cua, cá nước ngọt; từng bước chủ động về cây, con giống trên địa bàn. Nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu làm đất; tăng cường áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới thấm...); phát triển hạ tầng thủy lợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt.

          Khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất theo hình thức “tích tụ mềm” bảo đảm đúng quy định của pháp luật để đầu tư phát triển các trang trại theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận diện tích đất ở các nông trường để trồng các loại cây như: gừng, bưởi, chuối, cây dược liệu của Công ty Bato, Mitraco…; khuyến khích các hộ gia đình liên kết góp đất để phát triển trang trại, hợp tác xã, công ty cổ phần để phát triển sản xuất tập trung.

          Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất trồng trọt tập trung quy mô lớn đối với các cây trồng có lợi thế theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, vùng trồng cây ăn quả, vùng sản xuất rau, củ, quả. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tăng cường quản lý quy hoạch 3 loại rừng theo hướng tăng diện tích rừng kinh tế, giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế.

4. Xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách và thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

          Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách huyện, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo phương án sản xuất để đầu tư vào một số lĩnh vực với mục đích: hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, trang trại, gia trại, cải tạo vườn hộ; hỗ trợ giống và vật tư để phát triển một số cây con chủ lực theo hướng liên kết gồm: lợn, bò, gia cầm, tôm, lúa chất lượng cao, rau sạch, cây thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, cây mía, cây ăn quả có múi; hỗ trợ thu mua, chế biến, đánh bắt thủy sản, hỗ trợ chuyển giao công nghệ: tưới, che, chuồng trại, xử lý môi trường.

          Tiếp tục khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật: Chuyển dịch giữa nông dân với nông dân (dồn điền, đổi thửa hoặc nông dân trao đổi, thuê, mượn lại đất của nhau); thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để các hộ nông dân cùng góp đất sản xuất, hoặc hộ nông dân không góp đất nhưng thống nhất về định hướng thị trường, đầu vào, đầu ra, phương thức canh tác; thông qua các công ty, doanh nghiệp nông nghiệp để các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân và liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực: hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản. Thu hút các nguồn lực khác trong nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Kết hợp giữa huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với sức đóng góp của nhân dân để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn...

        5. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường thuận lợi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

          Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

          Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông thôn, xây dựng mô hình kinh tế, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đối với những xã đã hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng xã kiểu mẫu; đến năm 2020 có 16/21 xã đạt 19/19 tiêu chí, không còn xã dưới 14 tiêu chí.

          Lồng ghép và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; thực hiện quy chế dân chủ trong huy động nguồn đóng góp của nhân dân, hạn chế tối đa nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

           IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Ủy ban nhân dân huyện hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện xem xét, quyết định. Chỉ đạo các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường, Văn phòng Nông thôn mới và các phòng, ngành chức năng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn chỉ đạo giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

          2. Ban Tuyên giáo Huyện ủy chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung của Nghị quyết. Các ban đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo với Ban Thường vụ Huyện ủy.

          3. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cụm, Đoàn Công tác của Ban Thường vụ chỉ đạo xã phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết trên địa bàn phụ trách; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quán triệt tuyên truyên trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận cao trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; phát động các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

          4. Đảng ủy, chính quyền các xã xây dựng chương trình hành động bằng các nội dung cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết có hiệu quả; thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp xã; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được, thường xuyên báo cáo cho Ban Thường vụ Huyện ủy; đồng thời gắn với biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện Nghị quyết; kiểm điểm nghiêm túc những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

          5. Nghị quyết này được quán triệt, triển khai đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn huyện./.

         

 

Theo http://kyanh.gov.vn/


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay18,315
  • Tháng hiện tại249,019
  • Tổng lượt truy cập92,626,683
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây