Gia đình ông Nguyễn Xuân Ngụ ở thôn Hương Phố, xã Kỳ Tiến là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia chương trình nâng cao chất lượng đàn bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) được huyện Kỳ Anh triển khai. Đến nay, ông đã có 3 bê lai dòng BBB hay còn gọi là bò 3B (Blanc-Blue-Belgium - Blanc Bleu Belge) ra đời, 1 con đã được ông bán sau 8 tháng, còn 2 con bê mới được hơn 2 tháng tuổi. Theo ông Ngụ, ưu điểm nổi bật của giống bò 3B là năng suất thịt cao hơn hẳn các giống bò khác, có thể lực tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương và mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
“Bò lai được TTNT ai cũng thích, cho ra đời những bê con đẹp, to. so với bê phối giống trực tiếp thì trọng lượng tăng từ 10 đến 15 kg. Bê sinh ra đối với phương án TTNT thì trọng lượng bình quân là từ 25 đến 35 kg. lần phối trước được 1 con, nuôi 8 tháng tôi đã bán được 16 triệu đồng, trong khi đó, bò nội nuôi cả năm cũng chỉ bán xấp xỉ 10 triệu đồng. sau lần đó, tôi tiếp tục cho phối nhân tạo 2 bò cái và hiện đã cho ra đời 2 bê con rất đẹp. Bò 3B này dễ nuôi, vì có thể nuôi nhốt cả ngày, người nuôi chỉ tranh thủ thời gian cắt cỏ cho ăn, không phải chăn thả.”. ông Ngụ phấn khởi cho biết.
Cùng chung niềm vui như ông Ngụ, chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh hiện có 3 con bò cái đang mang thai cũng nhờ biện pháp TTNT. chị Thủy cho hay: “Qua chứng kiến một số hộ dân trên địa bàn xã áp dụng phương pháp TTNT, cho ra những con bê đẹp, nuôi nhanh lớn, được cán bộ thú y xã tư vấn thêm nên tôi đã mạnh dạn áp dụng phương pháp mới này. Khi bò cái có biểu hiện động dục thì chúng tôi gọi thú y xã đến theo dõi và tiến hành TTNT đúng thời điểm cho bò nên rất chủ động và rất hiệu quả. hiện gia đình đang chăm sóc 3 bò cái đang mang thai, khoảng sang tháng 5/2024 này sẽ sinh bê con.”. Không chỉ riêng gia đình chị Thủy, mà hiện nay, trên địa bàn xã Kỳ Phong, từ khi được tuyên truyền áp dụng phương án thụ tinh nhân tạo trên đàn bò và thực tế chứng kiến kết quả đạt được ở một số hộ dân trong và ngoài xã, nhiều hộ dân đã áp dụng biện pháp và cho kết quả tích cực.
Chị Võ Thị Xuân – Chủ tịch Hội nông dân xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh cho hay: Từ chủ trương chính sách của tỉnh và huyện, vài năm trở lại đây, thông qua áp dụng phương pháp TTNT, nhiều hộ chăn nuôi đã cải tạo chất lượng đàn bò của gia đình. Đến nay, trên địa bàn xã đã phối thành công 50 con bò cái và một số đã cho ra đời những bê con có tầm vóc to lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hiện xã đang tiếp tục rà soát lại tổng đàn, lựa chọn bò cái nền đủ tiêu chuẩn làm nái và tuyên truyền bà con áp dụng biện pháp TTNT để nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển kinh tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thuýn, một trong những dẫn tinh viên của huyện Kỳ Anh được đào tạo bài bản và đã có tay nghề vững vàng trong thực hiện công việc TTNT trên đàn bò.
Là một trong những địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi và tổng đàn bò khá lớn, trên 10000 con. Tuy nhiên, bà con vẫn chủ yếu chăn nuôi theo cách truyền thống. Xác định để thay thay đổi tập quán của người dân không phải ngày một ngày hai. Vì vậy, thời gian qua, huyện Kỳ Anh đã tích cực phối hợp với các cấp ngành chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai, tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn toàn huyện về phương pháp TTNT trên đàn bò để người dân tiếp cận và nhân rộng.
Bà Nguyễn Anh Thùy- Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Kỳ Anh cho biết: Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đàn bò bằng TTNT, những năm qua huyện Kỳ Anh đã triển khai theo chính sách hỗ trợ Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cái khó khi triển khai Nghị quyết này là nguồn tinh được cung cấp không chủ động, thường bị lệch thời vụ phối giống. Để chủ động trong công tác cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, huyện đã chủ động phối hợp với Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT và một số đơn vị khác cung cấp nguồn tinh bò để chủ động thực hiện hiệu quả. Theo đó, năm 2023, Cục Chăn nuôi đã hỗ trợ 500 liều tinh. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải tạo đàn bò trên địa bàn.
“Hiện trên địa bàn huyện có 5 dẫn tinh viên được đào tạo bài bản về tay nghề, và được phân về các cụm xã để hỗ trợ phối giống cho đàn bò khi người dân có nhu cầu, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn về phương pháp TTNT cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh để bê con phát triển tốt. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về mục tiêu, phương pháp tổ chức triển khai thực hiện cũng như những giá trị mang lại khi áp dụng TTNT trên bò cái sinh sản.”. Bà Thùy chia sẻ thêm.
Được biết, tổng đàn bò toàn huyện hiện có trên 10.000 con. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương, phân công cán bộ rà soát tổng đàn bò đạt tiêu chuẩn làm nái phối giống nhân tạo để có số liệu chính xác, sát đúng với thực tế để phân bổ cung cấp nguồn tinh kịp thời. Trong tổng số 720 con bò nái được rà soát xác định đủ tiêu chuẩn làm nái nền của 316 hộ, đã phối giống được 266 con, trong đó bò có chửa 177 con, đã cho ra đời 52 con bê thuộc các dòng chất lượng cao như: 3B, Brahman, Senepol, số còn lại đang trong quá trình theo dõi tập trung chủ yếu ở các xã: Kỳ Trung, Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Xuân, Kỳ Giang…Đàn bê sinh ra đẹp, tầm vóc to lớn, dễ nuôi và thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu nên người chăn nuôi rất phấn khởi.
Kết quả bước đầu đạt được từ áp dụng phương pháp TTNT cho đàn bò trong thời gian qua ở huyện Kỳ Anh là cơ sở để huyện tiếp tục nhân rộng mô hình giúp cải tạo đàn bò trên địa bàn; từng bước nâng cao chất lượng đàn bò, từng bước làm thay đổi tập quán và phương thức chăn nuôi của người dân, góp phần nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;