Khi smarphone tưới nước, trông vườn
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều nông dân Đồng Tháp đã mạnh dạn áp dụng công nghệ IoT - mạng lưới thiết bị kết nối Internet vào chăm sóc cây trồng, quản lý tưới tiêu nước để tiết giảm chi phí sản xuất.
Chỉ cần một cài đặt đơn giản trên điện thoại thông minh, dù ở bất cứ địa điểm nào, anh Trần Phú Vinh ở ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) cũng có thể theo dõi và chăm sóc vườn sầu riêng, vú sữa Hoàng Kim rộng hơn 5.000 m2 của gia đình.
Theo anh Vinh, kể từ khi anh lắp đặt hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0, trung bình mỗi ngày, hệ thống sẽ tự động thực hiện tưới vườn 2 lần khi đất khô. Với những ngày mưa, hệ thống tự động nhận biết độ ẩm tăng cao, sẽ cắt giảm số lần tưới.
Anh Vinh đánh giá, hệ thống này giúp nông dân đỡ cực hơn rất nhiều, đặc biệt là giảm trên 50% chi phí nhân công tưới vườn. Quy trình vận hành của hệ thống có 3 chế độ: Điều khiển bằng ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động; chế độ tự động nhận biết độ ẩm, nhiệt độ để tạo lệnh cho máy thực hiện tưới vườn và chế độ dùng tay bật nguồn điện.
Tại làng hoa kiểng Sa Đéc (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), nhiều chủ vườn cũng lựa chọn lắp đặt hệ thống tưới phun thẩm mỹ với bộ điều khiển “3in1” nằm trong bộ sáng chế thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0. Chỉ cần một lần nhấn nút, hệ thống béc phun sẽ tự động di chuyển lên phía trên thực hiện nhiệm vụ.
Một chủ vườn tại đây cho biết, thời gian trước, để hoàn thành công đoạn tưới cho 1.000 m2 hoa kiểng với hàng chục ngàn chậu hoa phải mất hơn 3 giờ để hoàn thành. Tuy nhiên từ khi lắp đặt hệ thống tưới thẩm mỹ, thời gian đã được rút ngắn còn chưa đầy 20 phút. Hơn nữa, hệ thống ống phun sẽ tự động ẩn vào đất sau khi hoàn thành chức năng phun tưới, nên tiết kiệm được nhiều không gian và tạo tính thẩm mỹ, thuận lợi cho canh tác trong vườn hoa.
Nhờ các cảm biến mà hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 có thể tự phân tích, đưa ra quyết định theo những lập trình được cài đặt sẵn. Qua đó, người sử dụng có thể dễ dàng quản lý, điều khiển và vận hành “robot siêu năng” này theo nhu cầu tưới tiêu thực tế của vườn nhà, thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng internet hoặc bộ điều khiển từ xa trong phạm vi 500m.
Tùy vào đặc tính riêng biệt và nhu cầu cấp nước tưới của từng loại cây trồng, hệ thống đã được cài đặt sẵn các chế độ tưới phun sương, chọn líp tưới, vô hiệu hóa các líp không cần tưới... Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể phân tích được các yếu tố môi trường giúp đưa ra quyết định tưới một cách chính xác. Chủ vườn sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc vườn cây của mình ngay cả khi không có mặt tại vườn.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống còn có nhiều tính năng nổi trội như: Đo độ ẩm trong đất, cảnh báo thiết bị hư hỏng; cảnh báo mực nước dưới ao, sông khi xuống thấp; chống ngập úng cây trồng; cảnh báo động cơ sắp hư hỏng, rò rỉ điện; thậm chí có cả chế độ chống trộm thông qua bật còi, đèn thông báo sự việc đến chủ vườn.
Được tích hợp và nâng cấp từ những mô hình tưới tiết kiệm hiện có trên thị trường, với hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0, bà con nông dân không cần can thiệp quá nhiều vào khâu tưới tiêu. Đồng thời, hệ thống có thể khắc phục sự cố thường gặp khi máy bơm bị hụt nướ, thiết bị sẽ bơm cấp nước dự phòng để giúp hệ thống tưới duy trì hoạt động.
"Kỹ sư IT miệt vườn" và 5 máy tưới tiết kiệm thông minh
Chủ nhân của hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 là anh Ngô Hùng Thắng, một kỹ sư miệt vườn không chuyên ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), "tay ngang" đến với nghề sáng tạo khoa học.
Theo anh Thắng, tưới nước đóng vai trò quan trọng trong trồng trọt và tốn khá nhiều thời gian, công sức của bà con nông dân. Hiện nay, trên thị trường có nhiều thiết bị tưới tự động nhưng chưa có mô hình tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả toàn diện. Xuất phát từ niềm trăn trở này, anh đã dành hơn 5 năm mày mò, học hỏi từ mạng xã hội, đi thực tế tìm hiểu các mô hình mà nông dân đã áp dụng và bắt đầu thử nghiệm viết lập trình.
Theo chủ nhân của sáng chế này, hệ thống thiết bị tưới vườn thông minh Thasmart công nghệ IoT 4.0 là hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại nhất, có nhiều ưu thế nổi trội so với nhiều sản phẩm tưới tự động hiện có trên thị trường. “Khi mưa, hệ thống sẽ dừng chế độ tưới tự động và tự động bơm nước ra nếu mưa ngập tràn vườn. Điều này sẽ góp phần giảm được lượng điện và nước hao phí”, anh Thắng phân tích.
Lý giải về nguyên lý hoạt động của béc phun thẩm mỹ, anh Thắng cho biết không có bất kỳ sự trợ lực nào cho béc phun hoạt động. "Chỉ đơn giản là vật liệu ống phun bằng nhựa tính chất nhẹ, nhờ vào áp lực của máy bơm sẽ đẩy nước lên cao, kéo theo béc phun di chuyển. Sau khi xong nhiệm vụ, máy bơm tắt, áp lực nước giảm, béc phun sẽ quay lại vị trí cũ”, anh Thắng cho hay.
Hệ thống điều khiển thiết bị tưới thông minh là sản phẩm đầu tay anh Thắng ra mắt, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền vào năm 2020. Sáng tạo không bao giờ có giới hạn, từ thành công bước đầu này, hiện anh Thắng đang nắm giữ trong tay 5 sản phẩm giúp tối ưu hóa việc tưới tiêu nước cho vườn cây ăn trái, bao gồm: Máy tưới vườn, máy tưới hoa lan, máy tưới rau cải xoan, trạm bơm tự động và máy điều khiển “3in1”. Điểm chung của các loại máy này đều kiêm nhiệm nhiều tính năng, cách lắp đặt và vận hành đơn giản, có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế sản xuất nông nghiệp của người dân.
“Tất cả thông số đều báo qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động và lưu lại nhật ký hoạt động. Máy hoạt động theo chế độ cảm biến và tự dừng theo thời gian chủ vườn cài đặt. Nếu chưa hết thời gian cài đặt mà máy nhận biết được lượng nước trong đất đã đủ, máy cũng sẽ tự động dừng. Tránh trường hợp máy bơm chạy lãng phí nước, điện”, anh Thắng cho biết thêm.
Đối với máy tưới hoa lan, có một quy trình nhất định và máy sẽ tự động tưới theo đúng lịch trình của cây lan. Với cây cải xoan, cần lượng nước tưới rất nhiều, thông thường nhà vườn phải thực hiện tưới từ 7 - 8 lần/ngày. Máy tưới tự động dành riêng cho cây cải xoan sẽ thay thế hoàn toàn nhà vườn thực hiện công đoạn này, vừa đảm bảo cải được cung cấp đủ nước cho sự phát triển, vừa tiết giảm công sức, thời gian lao động cho nhà vườn. Hệ thống này đang được một số nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp áp dụng hiệu quả, với độ chính xác cao.
Hiện nay, anh Thắng đang thử nghiệm tích hợp tất cả các tính năng của 3 loại máy tưới vườn, tưới hoa lan và máy tưới rau cải xoan để cho ra đời một loại máy tối ưu hơn phục vụ cho mô hình trồng nho.
Một trang trại trồng nho 20 ngày tuổi, quy mô 500m2 với 5 loại nho khác nhau trồng xen với nhau đã được anh Thắng lập nên, với mục tiêu vừa lựa chọn ra được giống nho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết ở vùng đất sen hồng, vừa phục vụ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm mô hình tưới tự động mới của anh Thắng.
Anh Ngô Hùng Thắng là một trong những nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. Đồng thời được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, năm 2008 – 2021.
Làm vườn nhàn tênh từ những hệ thống tưới siêu tiết kiệm
Theo Kim Anh - Trọng Linh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã