Lấy doanh nghiệp, HTX làm trung tâm
Nói về quan điểm trong việc phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn, ông Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Điện Biên Đông là huyện thuần nông, giao thông khó khăn; xuất phát điểm thấp và là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước. Sau nhiều cuộc họp bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung làm rõ những tiềm năng, lợi thế cũng như xác định rõ những khó khăn, thuận lợi của địa phương để từ đó thống nhất quan điểm bằng mọi cách phải “đánh thức” tiềm năng đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn. Huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, tham gia của người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vấn đề huyện băn khoăn nhất, bàn thảo nhiều nhất là tìm giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là phải lựa chọn đúng nông sản chủ lực của địa phương để ưu tiên tập trung đầu tư phát triển thành hàng hóa chứ không đầu tư, hỗ trợ dàn trải tránh bị phân tán nguồn lực. Trong phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, huyện cũng xác định lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; là “mắt xích” quan trọng để gắn kết phát triển bền vững sản phẩm OCOP theo phương thức liên kết ngay từ sản xuất tới chế biến và bao tiêu nông sản. Từ đó giúp sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống của người dân giúp bà con yên tâm mở rộng sản xuất theo hướng bền vững. Mục tiêu đặt ra là tăng cường phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu; mỗi năm huyện lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu ấy, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, trước nhất phải tập trung tháo gỡ tồn tại trong “gẫy chuỗi”, đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, đầu tư tại địa bàn bằng chính sách, cơ chế cụ thể, đặc thù mới khuyến khích nhà đầu tư.
Thu hút và khuyến khích liên kết “6 nhà”
Thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, từng bước đưa sản phẩm OCOP của địa phương tới gần hơn với người tiêu dùng và mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, đầu tháng 4 vừa qua UBND huyện Điện Biên Đông đã tổ chức gặp mặt Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, HTX. Cùng với giới thiệu các tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, HTX xem xét chọn lựa đầu tư phát triển nông nghiệp ở Điện Biên Đông. Về cơ chế, chính sách, ông Bùi Ngọc La cũng cam kết, thực hiện đúng, đủ và vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ theo quy định của địa phương, Trung ương. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo, phân công cán bộ các phòng, ban hỗ trợ tối đa về thủ tục, hồ sơ cho nhà đầu tư; đảm bảo không có tình trạng ngâm hồ sơ hoặc gây khó dễ để nhà đầu tư phải đi lại nhiều...
Với thực trạng “gẫy” liên kết trong phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ở Điện Biên Đông, ông Bùi Ngọc La đã chỉ đạo: Cấp ủy, chính quyền xã Tìa Dình phải vào cuộc tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu lợi ích lâu dài, nhiều mặt khi liên kết. Ngoài mở rộng diện tích, người dân cần giữ uy tín với nhà đầu tư để nhà đầu tư yên tâm khớp nối tiêu thụ nông sản. Với các vướng mắc về quy hoạch vùng nguyên liệu, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp, tháo gỡ bất cập diện tích phát triển vùng nguyên liệu đưa vào quy hoạch 3 loại rừng. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đặc biệt là chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hỗ trợ theo chuỗi liên kết; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; đồng thời tạo cơ chế thuận lợi để tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân. Huyện cũng bàn giải pháp đưa nông sản vào các trường học nội trú, bán trú trên địa bàn góp phần tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bên cạnh nguyên nhân đứt gãy liên kết từ phía người dân thì các sản phẩm OCOP không chỉ ở Điện Biên Đông mà ở các địa phương khác trong tỉnh chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, có tính chất mùa vụ, thiếu tính liên tục, thời gian khai thác và bảo quản ngắn. Sản phẩm OCOP chủ yếu là nguyên liệu thô, mới chỉ qua sơ chế, chưa được chế biến bảo quản sâu, thiếu sự đa dạng... Vì vậy làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận chủ yếu là các sản phẩm đặc sản chỉ có ở một số địa phương nhất định; số lượng có hạn, khó mở rộng vùng nguyên liệu nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia liên kết để mở rộng phát triển. Cùng với đó, vấn đề liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất với các hộ dân vẫn còn lỏng lẻo, dễ đứt gãy cũng bởi vì lợi ích giữa các bên chưa được đảm bảo, hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ, thiếu sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương... Vì thế để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tạo liên kết bền vững thì một trong số nhóm giải pháp cần được quan tâm thực hiện là phải thúc đẩy liên kết giữa 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà phân phối) trong việc tham gia xây dựng thương hiệu cho nông sản, sản phẩm OCOP của Điện Biên Đông nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. Song song với đó là hoàn thiện, phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Đồng thuận với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn; ông Tráng A Dia, Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình phấn khởi lắm! Ông Dia cho biết, trước đây cấp ủy, chính quyền xã cũng đã vận động người dân trồng bí xanh - giống bí địa phương với số lượng lớn nhưng bà con lo làm ra nhiều không bán được lại ảnh hưởng đến diện tích làm lúa nương nên trồng cầm chừng và chủ yếu là trồng xen vào nương lúa. Giờ vấn đề phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quan tâm và đưa vào một trong số nội dung thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên chúng tôi rất mừng. Đó là cơ sở, là “cái gậy” để chúng tôi bám vào tuyên truyền, vận động bà con mở rộng, phát triển diện tích trồng bí xanh; liên kết với các doanh nghiệp, HTX để tìm “đầu ra” ổn định cho nông sản. Tiên phong đăng ký trồng bí xanh thử nghiệm theo mô hình leo giàn, áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc, gia đình Bí thư Đảng ủy xã Tráng A Dia, gia đình Phó Bí thư Đoàn xã Giàng A Sử mỗi hộ trồng trồng 1.000m2 tại bản Chua Ta 1. Giờ cây đã cao quá mặt đất bắt đầu bám cột lên giàn đầy sức sống...
Nguồn tin: Bài, ảnh: Minh Thùy - Mai Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã