“Nông dân mới” gồm 5 cái mới, đó là: Tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới. Thời gian qua, nông dân Ðiện Biên đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, phát huy nội lực, tích cực học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi các mô hình kinh tế nhỏ lẻ, manh mún sang các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung; mạnh dạn phát triển các loại hình kinh doanh tổng hợp, dịch vụ, chế biến, ngành nghề truyền thống. Song hành cùng nông dân, các cấp, ngành chức năng đã tăng cường hỗ trợ các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức liên kết sản xuất…
Mô hình cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” và mô hình “Áp dụng máy cấy lúa kéo tay vào sản xuất” là một kỹ thuật sản xuất mới. Trong khi những nông dân khác còn e ngại, lo lắng chưa muốn tham gia thì chị Hoàng Thị Dung, đội C9A, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là người tiên phong tham gia mô hình. Chị Dung cho biết: Những năm trước đây, gia đình tôi thường gieo hoặc cấy lúa bằng tay theo phương pháp truyền thống trên diện tích ruộng gần 3.000m2. Do canh tác đã nhiều năm nên đất bị bạc màu và có nhiều lúa lẫn dưới chân ruộng nên năng suất, chất lượng lúa ngày càng giảm. Vì vậy tôi quyết định tham gia vào mô hình với diện tích ruộng đã bỏ không một thời gian. Sau vụ đầu tiên (vụ mùa 2016) thử nghiệm mô hình cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” mang lại hiệu quả. Vụ mùa năm 2018, tôi tiếp tục tham gia mô hình “Áp dụng máy cấy lúa kéo tay vào sản xuất”. Sau khi tham gia, tôi thấy mô hình sản xuất mới có rất nhiều ưu điểm như: Áp lực về sinh vật hại, sử dụng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là lúa lẫn trên đồng ruộng giảm; năng suất lúa ổn định, đảm bảo chất lượng. Sau đó, gia đình tôi chủ động đầu tư máy cấy. Ðến nay thì hầu hết người dân trên địa bàn xã Thanh Xương đều sử dụng máy cấy kéo tay.
Ðối với gia đình bà Ðỗ Thị Lành, thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) lại là trường hợp đầu tiên lựa chọn làm giàu từ chăn nuôi lợn chất lượng cao bằng quy trình và công nghệ Thái Lan. Ðây là phương thức chăn nuôi hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ tại Ðiện Biên. Với quy mô 4 dãy chuồng nuôi hơn 3 nghìn con lợn thịt, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, thành quả đã đến với gia đình bà Lành ngay từ lứa lợn đầu tiên. Hiện nay mỗi lứa lợn xuất chuồng, gia đình bà Lành thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Sinh sống tại một xã vùng cao, địa hình chủ yếu đồi núi nên để giải bài toán giảm nghèo, ông Thào A Tinh, bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) xác định hướng phát triển kinh tế chính là khai thác tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế rừng, cây ăn quả và một số loại rau phù hợp. Ông Tinh là người tiên phong thực hiện chuyển đổi thành công những diện tích nương trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng su su. Với 0,3ha trồng su su, vụ thu hoạch đầu đã cho sản lượng 7,5 tấn quả, ông Tinh tiếp tục mở rộng thêm 0,2ha để trồng su su và 0,5ha trồng chanh leo… Trừ chi phí, lợi nhuận của gia đình ông đạt từ 30-40 triệu đồng/năm. Với hướng đi táo bạo nhưng hợp lý, gia đình ông Tinh đã bỏ hẳn canh tác lúa, ngô trên nương. So với nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi thì mức thu nhập này còn khiêm tốn, nhưng đối với địa bàn vùng cao, đặc biệt khó khăn như xã Trung Thu thì đây là kỳ tích. Hơn thế nữa, điểm mới so với nhiều nông dân khác trên địa bàn là ông Tinh tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết: Giống, kỹ thuật chăm sóc, phân bón, đầu ra sản phẩm đều liên kết chặt chẽ với Hợp tác xã H’Mông.
Ông Ðỗ Tuấn Cảnh, Bí thư Ðảng ủy xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) cho biết: Thời gian qua, một chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế là nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Ðã có những hộ dân mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết theo hình thức “3 nhà”. Hiện nay, Hợp tác xã H’Mông đã được thành lập, cơ bản thu mua toàn bộ nông sản bà con sản xuất ra. Từ đó hình thành tư duy sản xuất mới cho người dân vùng cao để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Tùy từng điều kiện thực tế ở mỗi bản mà bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ đối với những bản trên núi cao thì người dân tập trung trồng các loại cây ưa lạnh như bắp cải, su su, chanh leo, măng tây, dâu tây… Ðối với những bản vùng thấp, khí hậu ấm hơn thì trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, xoài… Mặc dù đang hình thành nhưng đó là tín hiệu tích cực để phát triển kinh tế ở xã khó khăn như Trung Thu.
Những “nông dân mới” là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết chí làm giàu chính đáng cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên trên chính mảnh đất quê hương. Tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người “nông dân mới” đã và đang góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Nguồn tin: Lan Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã