Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, huyện Ðiện Biên Ðông đăng ký tham gia xây dựng 6 sản phẩm với 3 chủ thể. Huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, xây dựng và hoàn thiện chu trình OCOP thường niên và triển khai bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống quản lý điều hành; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định; đào tạo, tập huấn cho các xã, thị trấn và các chủ thể tham gia...
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: OCOP là mô hình mới đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội cho cho người dân và chính quyền, vì vậy huyện xác định phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội mà phải bền bỉ và thực hiện theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các xã, chủ thể thực hiện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cùng với đó huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Trong 2 năm qua, huyện đã huy động được gần 936 triệu đồng thực hiện các nhiệm vụ: Tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện; hỗ trợ 1 chủ thể về thiết kế bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ, lạc đỏ Na Son, thịt lợn khô; hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc, thùng cát tông cho các chủ thể có sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Cùng với đó, huyện đã thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ dân với Hợp tác xã CCO nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông và một số đơn vị khác. Từ 6 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, đến nay đã có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn khô; 2 sản phẩm: Tinh dầu hương nhu và gạo nếp thơm hạt to Pú Hồng đang chờ xét duyệt của hội đồng thẩm định.
Là nông sản truyền thống của xã Phì Nhừ, khoai sọ được chọn là sản phẩm mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trước đây người dân chỉ trồng phục vụ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Thực hiện chương trình OCOP, năm 2018 xã Phì Nhừ đã chọn sản phẩm khoai sọ để xây dựng thương hiệu. Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay toàn xã có hơn 20ha khoai sọ, tập trung chủ yếu tại các bản Tào Xa A, Tào Xa B, Chống Giông.
Ông Chá Giống Trư, Phó Chủ tịch UBND xã Phì Nhừ cho biết: “Khoai sọ cho năng suất, sản lượng cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích; trung bình 1ha khoai sọ đạt năng suất từ 5 - 8 tấn. Với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm), mỗi héc ta khoai sọ cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa”.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, chương trình OCOP còn mang lại lợi ích nhiều mặt, trong đó có vai trò là “đòn bẩy”, tiếp sức cho nhiều người dân Ðiện Biên Ðông tự tin khởi nghiệp. Tiêu biểu như chị Quàng Thị Hào, Phó Giám đốc Hợp tác xã Quang Vinh P&T, xã Na Son với dự án “trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số” trên địa bàn xã Na Son.
Chị Hào cho biết: Khi lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này tôi cũng lo lắng nhiều. Nhưng được sự hỗ trợ của huyện và các đơn vị chức năng, đặc biệt sự ủng hộ từ người dân, hợp tác xã đã dần vượt qua khó khăn. Ðể thu hút người dân tham gia, hợp tác xã cung cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, đồng thời ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Sau một năm triển khai thực hiện (năm 2019), dự án đã mang lại hiệu quả, thu hút được 21 hộ tham gia. Với giá thu mua dao động từ 1 - 2 nghìn đồng/kg lá, hoa, cành hương nhu tươi, bình quân 1ha cho thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên. Hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 đơn vị kinh doanh tại Hà Nội và mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.
Hiện nay, ngoài các sản phẩm nêu trên, toàn huyện còn 32 sản phẩm, chuỗi sản phẩm chủ lực có thể phát triển thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP (đánh giá theo tiêu chí sản phẩm có ít nhất 50% nguyên liệu địa phương, có tính độc đáo, không ảnh hưởng đến môi trường...). Trong đó có 22 sản phẩm thực phẩm, 5 loại thảo dược, 1 sản phẩm may mặc thổ cẩm, 1 sản phẩm trong nhóm hàng lưu niệm nội thất; 3 sản phẩm du lịch dịch vụ nông thôn.
Với hiệu quả bước đầu, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông được người dân, các tổ chức sản xuất tin tưởng, hưởng ứng. Ðể chương trình thực sự bền vững, mang lại hiệu quả hơn nữa, chính quyền các cấp huyện Ðiện Biên Ðông cần quan tâm hơn công tác tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình OCOP cho cán bộ và nhân dân; đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, đăng ký thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Nguồn tin: Văn Tâm
Nguồn tin: nongthonmoi.dienbien.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã