Hồ chứa cạn khô
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 ở tỉnh này chỉ đạt 32% so với trung bình nhiều năm, do đó dung tích trữ tại các hồ chứa nước đạt rất thấp. Dòng chảy trên các sông, suối cũng thấp hơn trung bình nhiều năm nên hạn hán đã xảy ra ngay từ đầu vụ ĐX 2012 - 2013 kéo dài cho đến nay.
Ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Hiện tại, tổng dung tích trữ của 162 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ có 255/572 triệu m3, đạt 45% so với thiết kế. Trong đó, lượng nước trong các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý hiện chỉ trữ được 31,7 triệu m3, đạt 27% so với thiết kế. Số hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước chết là 63/162 hồ, trong đó có 37 hồ đã cạn trơ đáy”.
Tại huyện Phù Mỹ, đã có 23/44 hồ dưới mực nước chết, trong đó 14 hồ đã kiệt, dung tích chứa còn lại chỉ đạt 17% so thiết kế. Huyện Phù Cát có 13/22 hồ dưới mực nước chết, có 9 hồ đã hết nước, dung tích chứa còn lại chỉ 17% so với thiết kế. Một số hồ chứa có quy mô vừa do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý hiện có dung tích trữ rất thấp. Ví như hồ Hà Nhe (Vĩnh Thạnh) chỉ 0,19 triệu m3, đạt 5,1% thiết kế; hồ Hội Sơn (Phù Cát) 6,29 triệu m3, đạt 14,1 thiết kế; hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) 6,12 triệu m3, đạt 17,3% thiết kế; hồ Suối Tre 0,53 triệu m3, đạt 10,7% thiết kế.
Những hồ chứa đã cạn kiệt nước ở Bình Định
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Bình Định), tổng diện tích gieo sạ vụ ĐX 2012 - 2013 tại Bình Định là gần 45.500 ha, trong đó có 25.000 ha SX 2 vụ/năm, 20.000 ha SX 3 vụ/năm. Do thiếu nguồn nước tưới ngay từ đầu vụ nên Cty TNHH KTCTTL tỉnh đã phải tổ chức bơm tát, tạo nguồn để cấp nước cho 6.830 ha ruộng có điều kiện làm đất, sạ giống. Đến đầu tháng 12/2012, có đến 10.965 ha lúa ĐX trên địa bàn tỉnh phải được chống hạn mới có cơ tồn tại. Đến nay, số diện tích đang “khát nước” cần được bơm tát chống hạn ở Bình Định đã tăng lên đến 15.600 ha. “Những diện tích SX 3 vụ/năm đang trong giai đoạn chắc xanh, nếu thiếu nước tưới trong lúc này sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Những diện tích SX 2 vụ/năm vừa làm đòng trỗ nếu bị khát nước kéo dài sẽ bị lép toàn bộ, có nguy cơ mất trắng”, bà Trân cho biết.
Gồng mình chống hạn
Từ sau Tết Quý Tỵ 2013 đến nay, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp Bình Định như ngồi trên đống lửa. Sở NN-PTNT Bình Định liên tục cử các đoàn công tác chống hạn và chỉ đạo SX về địa phương để hướng dẫn các biện pháp tưới tiết kiệm, hạn chế thất thoát nước trong quá trình tưới; tổ chức nạo vét kênh mương làm thông thoáng dòng chảy; tận dụng tối đa các nguồn nước sẵn có phục vụ SX; chỉ đạo các địa phương chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu để bơm nước từ những hồ dưới mực nước chết và sông suối ao đầm để cứu lúa. Các địa phương cũng đang khẩn trương đắp bổ sung các đập bổi để tận dụng tối đa nguồn nước mặt.
“Trước tình hình hạn hán ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp Bình Định quyết định cắt giảm diện tích SX lúa trong vụ hè thu 2013 từ 43.000 ha xuống còn 30.000 ha. Đồng thời hướng dẫn nông dân tập trung thâm canh, chăm sóc để đạt năng suất cao nhất trong điều kiện bất lợi. Chỉ đạo các địa phương kiên quyết không để tự phát gieo sạ lúa ở những khu vực không đảm bảo nước tưới”, ông Hồ Ngọc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |
Bên cạnh đó, UBND các huyện thường xuyên đi khảo sát, tính toán, cập nhật tình hình nguồn nước để cân đối nước, trước tiên phải đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nước uống cho gia súc rồi mới đến phục vụ cho SX. Trước tình hình hạn hạn gay gắt như hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Định cũng đang đối phó với tình hình xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển, ven đầm.
Mặc dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ là vậy, thế nhưng, như đã nói, hiện nay trên địa bàn Bình Định vẫn đang có hơn 15.600 ha lúa phải “cấp cứu”.
Ông Hồ Ngọc Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm: “Với diện tích lúa đang bị hạn hán vây khốn hiện nay, theo tính toán, Sở NN-PTNT Bình Định cần phải có nguồn kinh phí hơn 45 tỷ đồng để tổ chức bơm tát, nạo vét kênh mương dẫn trước các cống lấy nước của hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước chết mới có thể đưa nước vào ruộng cứu lúa". Ông Cao Văn Dũng, Phó phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN-PTNT Bình Định), tính toán: “Mỗi ha lúa được bơm tát chống hạn bằng máy bơm dầu có chi phí khoảng 8 lít dầu/ha/đợt tưới, cộng cả công vận chuyển, số tiền chi phí khoảng 200.000 đồng. Bơm nước cứu lúa bằng bơm điện tiêu tốn từ 50 - 70 kWh/ha/đợt bơm tưới, cũng tương đương với 200.000 đồng”.
Nguồn:nongnhiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã