Cơ bản khống chế các loại bệnh gia súc, gia cầm
Theo Cục Thú y, ngay từ đầu năm, dịch cúm gia cầm (CGC) đã xảy ra ở nhiều nước. Tại Trung Quốc, phát hiện được một số chủng vi-rút cúm như: A(H7N9), A(H5N1), A(H5N2), A(H5N6), A(H5N8). Ở Cam-pu-chia, Lào, Ma-lai-xi-a, Mi-an-ma, Ấn Độ, Pháp xuất hiện cúm A(H5N1); tại Mỹ có cúm A(H7N8), ở Mê-hi-cô là cúm A(H7N3)... Tại Việt Nam, có 40 ổ dịch CGC, gồm 34 ổ dịch gây ra do vi-rút cúm A(H5N1) và sáu ổ dịch do vi-rút cúm A(H5N6) tại 83 hộ chăn nuôi gia cầm ở 31 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố, với tổng số gia cầm mắc bệnh là 50.316 con. So với năm 2016, diện dịch và mức độ dịch cúm gia cầm đều tăng, cụ thể: số ổ dịch tăng gấp 2,86 lần, số huyện có dịch tăng gấp 2,58 lần, số tỉnh có dịch tăng gấp ba lần; số gia cầm mắc bệnh tăng gấp gần 5,05 lần. Có 13 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM), tại tám huyện của bốn tỉnh, tổng số gia súc mắc bệnh là 1.429 con. Ngoài ra, còn có một số dịch bệnh khác như: Bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò; dịch tả lợn, dịch tả vịt trên lợn và trên gia cầm…Trước tình hình nêu trên, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phối hợp các địa phương khống chế tốt các ổ dịch, không để lây lan rộng và không lây bệnh cho người, cho nên đến thời điểm này, dịch CGC, LMLM cơ bản đã được khống chế. Bằng những nỗ lực của ngành thú y và các địa phương, dịch bệnh tai xanh trên lợn cũng được khống chế hoàn toàn từ tháng 5-2016 đến nay. Công tác phòng, chống bệnh dại động vật; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y, kháng sinh, chất cấm; giám sát dịch bệnh phục vụ xuất khẩu; phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật…, có nhiều chuyển biến tích cực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, đây là điểm nhấn ấn tượng của ngành thú y trong năm nay. Cùng với đó, Chi cục Thú y vùng VI sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, bảo đảm các tiêu chí khoa học - kỹ thuật theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đã chọn ra vi-rút LMLM type O có tên RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc-xin LMLM, đồng thời chuyển giao cho ba doanh nghiệp trong nước để sản xuất vắc-xin này. Hiện tại, các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai, dự kiến đến quý II - 2018 sẽ có vắc-xin sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành, góp phần chủ động được nguồn vắc-xin LMLM cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Cục còn thúc đẩy mạnh mẽ việc hỗ trợ tạo hành lang pháp lý, điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà, thịt lợn, thủy sản. Năm 2017, Cục Thú y đã xúc tiến các thủ tục về pháp luật thú y, trợ giúp nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật ra thị trường nước ngoài. Việc Công ty TNHH Koyu & Unitek lần đầu xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật Bản là một thí dụ điển hình.
Tăng cường giám sát thú y, phục vụ xuất khẩu
Hiện nay, cả nước không có ổ dịch nào trên đàn gia súc, gia cầm, song Cục Thú y vẫn khuyến cáo các địa phương không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là những nơi có ổ dịch cũ, nguy cơ cao; bởi thời tiết đang trong giai đoạn có nhiều diễn biến phức tạp. Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chủ động cùng với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, có kế hoạch tiêm phòng vắc-xin sớm để chủ động phòng bệnh trước thời điểm có thể xảy ra hạn hán, mưa lũ… Mặt khác, hướng dẫn các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản, trong đó tập trung vào chuỗi sản xuất thịt lợn xuất khẩu, nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với bệnh LMLM, dịch tả lợn đáp ứng yêu cầu các nước, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi lợn. Kiểm soát tốt dịch bệnh thủy sản, nhất là dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, cá tra, tôm hùm. Nghiên cứu yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu thủy sản để đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai nhằm đáp ứng các đòi hỏi của các nước.
Theo dự báo, năm 2018, thiên tai và rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Vì vậy, ngành thú y sẽ chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục chủ động giám sát dịch bệnh như: cúm gia cầm, LMLM; kiểm soát chất cấm, thuốc an thần, kháng sinh ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ…, thúc đẩy ngành chăn nuôi, thú y nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;