Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng vượt lập ruộng lúa để trồng cam. Dẫn chúng tôi thăm 2 ha cam, cây nào cây ấy sai trĩu, trái nào cũng to đều như nắm tay, ông Cường bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình chỉ bám bíu vào mấy sào ruộng nên khó khăn vô cùng. Năm 2003, xem ti vi thấy nông dân ở Văn Giang (Hưng Yên) có thu nhập cao từ cam, tôi bèn đến tận nơi tìm hiểu”.
Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng trồng cam VietGAP thành công.
Nhìn thấy những vườn cam chín đỏ rất đẹp mắt, rồi những chủ vườn cam lớn ở Văn Giang ai cũng nhà cửa khang trang, ăn vận đẹp đẽ ông Cường thích mê. Thế là ông về bàn với vợ cải tạo 2 sào vườn trồng cam với hy vọng đổi đời. Nhưng làm giàu đâu có dễ.
Ông Cường cho biết, cây cam ưa sáng, sinh trưởng trung bình, không chịu được ngập úng. Vốn trồng trên đất ruộng trũng nên ông Cường đào mương trong vườn để thoát nước vào mùa mưa.
Theo ông Cường, dẫu cây cam hợp đất Thất Hùng lớn nhanh, xanh mơn mởn nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ đầu tiên thu hoạch quả cam nhạt thếch, có bán cũng chả ai mua. Suốt 1 năm ròng sau đó, ông Cường miệt mài đi đến các vùng trồng cam nổi tiếng ở Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh Quỳ Hợp (Nghệ An)… để học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Kết hợp với kinh nghiệm tích lũy của bản thân dần dà việc trồng cam của ông Cường thuận lợi hơn.
Hầu hết những vườn cam từ 3 đến hơn chục năm tuổi của ông Cường đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 20 tấn quả/ha.
Ông Cường cho biết, độ ngọt của cam ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, trong đó việc bón phân cho cam rất quan trọng. Ông Cường thường dùng lân để bón giai đoạn ra hoa và kali bón giai đoạn nuôi quả. Đặc biệt để tăng độ ngọt cho cam, ông Cường tưới cam bằng nước đậu tương được xay nhỏ và ngâm ủ trong 5 tháng. “Một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán cam sẽ sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Bình quân 1 ha cam tôi dùng 10 tấn đậu tương mỗi năm”, ông Cường bộc bạch.
Mỗi năm ông Cường dùng 20 tấn đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ trong 5 tháng để bón tăng độ ngọt cho 2 ha cam.
Điều đáng chú ý, ông Cường là người đầu tiên ở Thất Hùng thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, ông Cường đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường.
Ông Cường cho biết công thức ngâm ủ đậu tương để bón cho cam như sau: 2 tạ đậu tương xay nhỏ + 1.000 lít nước + 1 kg nấm đối kháng ngâm trong 5 tháng. Lưu ý đổ nước ngâm từ từ, lúc đầu chỉ đổ 200 lít nước, 1 tuần sau cho thêm nước dần.
Đặc biệt để diệt trừ rầy, côn trùng trích hư, gây hại cho cam, ông Cường đã nghĩ ra “độc chiêu” bá đạo vô cùng hiệu quả và an toàn. Đó là dùng chanh ngâm với đường và mật ong sau đó pha cùng với chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại trên cam. “Hơi mất công một tí nhưng trừ sâu bệnh cho cam cực hiệu quả. Sở dĩ các loài côn trùng rất ưa thích mùi thơm và vị ngọt. Người xưa có câu “mật ngọt chết ruồi” là vì thế”, ông Cường vui vẻ giải thích.
Ngoài dùng độc chiêu “mật ngọt chết ruồi” là dùng chanh ngâm mật ong và pha với chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam, ông cường còn tự làm các bẫy diệt côn trùng.
Về liều lượng ông Cường cho biết, ông thường dùng 3 kg chanh đào + 1kg đường + ¼ lít mật ong xịn cho vào bình sạch ngâm từ 5 – 7 tháng. Sau đó lấy 50 ml cốt nước chanh ngâm mật ong hòa với 16 lít nước và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn cao hơn các hộ khác. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả. Vụ cam năm 2016, với giá bình quân 30.000 đồng/kg cam Vinh và 40.000 đồng/cam đường canh, ông Cường có doanh thu hơn 1 tỉ từ việc xuất bán hơn 40 tấn quả cam.
Tác giả bài viết: Đức Thịnh
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã