Chuối được mùa, được giá
Vùng trồng chuối lớn nhất của Đồng Nai nằm ở các xã Thanh Bình, Cây Gáo, huyện Trảng Bom. Trái với không khí ảm đạm của vụ chuối năm trước với những vườn chuối chín rụng đầy gốc mà không ai mua, thì năm nay nông dân trồng chuối rất vui vẻ, phấn khởi bởi giá chuối luôn giữ ở mức cao.
Giá chuối có lúc đạt 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg với loại 1. Hiện dù giá đã xuống nhưng vẫn ở mức khoảng 13.000 đồng đến 14.000 đồng/kg, nông dân thu về hàng trăm triệu cho mỗi mẫu đất trồng chuối.
Ông Đặng Phước Cường ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom năm nay trồng hơn một mẫu với khoảng 3.000 cây chuối già cấy mô, dự kiến cho sản lượng khoảng 15 tấn. Vườn của ông Cường đã cho thu hoạch từ sau Tết, thương lái đến tận vườn thu mua từ 9.000 - 15.000 đồng/kg tùy thời điểm, giá tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Khác hẳn với vụ trước trắng tay, năm nay vườn chuối mang về cho ông hàng trăm triệu đồng.
“Gía năm nay cao hơn gấp 3 lần năm ngoái, lợi nhuận cao hơn. Một quầy chuối hai chục ký giá khoảng 26.000 - 27.000, đầu tư một cây nếu đất nhà mình thì khoảng 60000-70.000” - ông Cường phấn khởi cho biết.
Vụ chuối được giá như năm nay, là do thị trường Trung Quốc mua nhiều, nông dân đã có sự chủ động trong việc căn thời điểm xuống giống cho đến lúc thu hoạch. Năm ngoái ngay sau tết, chuối thu hoạch ồ ạt cùng lúc nên dẫn đến dư thừa nguồn cung khiến giá chuối giảm mạnh, thậm chí không bán được. Vụ chuối năm nay nông dân không trồng cùng một thời điểm mà rải rác trước, sau nên dù diện tích chuối tăng nhưng không thu hoạch đồng loạt, giá chuối duy trì ở mức cao và ổn định.
Dự báo của những người có kinh nghiệm, giá chuối khó giữ được ở mức cao trong thời gian dài. Vì hiện một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Thái Lan cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nên nguồn cung sẽ tăng, trong khi chuối ở Đồng Nai lại không có lợi thế về mặt địa lý nên giá sẽ giảm.
Ông Nguyễn Đức Quang, Tổ phó Tổ hợp tác trồng chuối xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom phân tích: Chuối ở vùng tam giác Myanmar, Lào, Thái Lan mấy chục ngàn ha người ta thu hoạch rộ chuyển qua Trung Quốc đường đi gần hơn, giá thành vận chuyển sẽ thấp xuống. Khi nguồn hàng dồi dào như vậy thì giá chuối chắc chắn xuống.
Người dân chặt tiêu, trồng chuối
Trong khi bà con nông dân trồng chuối đang rất phấn khởi với vụ chuối năm nay, thì xuất hiện những cảnh báo về tinh trạng chặt cây tiêu, trồng cây chuối.
Ông Lầm Mã Phúc, ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) vừa quyết định đốn hạ 2 mẫu tiêu đang cho thu hoạch. Số tiêu này ông Phúc trồng được 6 năm, đã cho thu được 2 năm. Thời gian gần đây tiêu liên tục mất mùa, giá xuống thấp, chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg, bằng chưa tới 1/3 so với thời điểm giá cao, trên dưới 200.000 đồng/kg.
Cây tiêu phải mất vài năm mới được thu, đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc cũng lớn hơn nhiều so với cây chuối nên cuối cùng, ông Phúc quyết định chặt một nửa số tiêu đang có để “thử sức” với cây chuối.
“Năm nay thấy giá cả thấp, tiêu cũng không được mấy. Giờ mình phá cho trồng chuối, tại thấy nhiều người trồng chuối có giá nên mình phá tí trồng chuối thử cái coi. Có làm có ăn có chịu thôi” – ông Phúc nói.
Tình trạng phá tiêu trồng chuối đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều nông dân đã không đủ kiên nhẫn với cây tiêu, lại thấy cây chuối được giá, ít chi phí. Hộ ít thì chặt vài sào, người nhiều chặt hàng chục mẫu tiêu.
Hội Nông dân xã Thanh Bình nhận định vụ sản xuất tới có thể toàn xã sẽ giảm trên 100 ha tiêu, thay vào đó là diện tích chuối già cấy mô tăng tương ứng. Trước đó, diện tích chuối của xã Thanh Bình đã không ngừng tăng lên, hiện toàn xã có hơn 400 ha trồng chuối, trong đó khoảng một nửa là chuối già cấy mô.
Ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom cho biết, giá tiêu năm nay xuống quá thấp. Giá cả chuối như năm nay là một điểm mừng nhưng lại là nỗi lo cho địa phương, sợ lặp lại như năm ngoái, diện tích chuối quá nhiều mà giá cả lại không ổn định.
Chuối được giá là niềm vui lớn nhất của nông dân vùng trồng chuối Trảng Bom. Nhưng việc kiểm soát diện tích làm sao để phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế thì cần nhiều hơn sự tỉnh táo của chính bà con nông dân. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng cần có những cảnh báo cho nông dân để tránh những rủi ro từ việc sản xuất một cách tự phát./.