Nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng bởi châu chấu sa mạc |
Bộ NN&PTNT vừa có Kế hoạch ứng phó châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam. Kế hoạch đã đưa ra cảnh báo xa là khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào phía Nam Ấn Độ, Bangladesh. Trong trường hợp này, Bộ sẽ tăng cường hợp tác quốc tế với FAO cũng như với các quốc gia có chung đường biên giới để trao đổi thông tin thường xuyên, chính xác; thiết lập kênh thông tin với FAO, Trung Quốc, Ấn Độ để nhanh chóng nắm bắt thông tin khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào các quốc gia này và có các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đàn châu chấu sa mạc tại Đông Phi với số lượng ước tính hàng trăm triệu con (gồm nhiều đàn với số lượng khoảng 150 triệu con/đàn) bao phủ khoảng 2.400 km2, di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ khoảng 13 km/h, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không. Nếu không được kiểm soát, sẽ có tới 60 quốc gia bị ảnh hưởng, 1/5 diện tích đồng cỏ, hoa màu trên thế giới bị tàn phá, đe dọa an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người.
Theo FAO, tại khu vực Đông Phi và bán đảo Ả Rập châu chấu sa mạc vẫn đang tiếp tục sinh sản và nhân đàn; tại khu vực Tây Nam Á châu chấu đang hình thành các đàn nhỏ tại khu vực đẻ trứng hàng năm, cá biệt tại Ấn Độ do chịu ảnh hưởng của những đợt gió mạnh bởi siêu bão Andama trong tháng 5/2020 nên một số đàn châu chấu đã di chuyển từ khu vực sinh sản tại khu vực giáp biên giới Pakistan tới phía Bắc và miền Trung Ấn Độ.
Châu chấu sa mạc có khả năng tiếp tục di cư sang các nước khu vực Nam Á (Pakistan, Ấn Độ,…) trong tháng 6-7/2020 theo hướng gió mùa Tây Nam và gió Tây, từ đó có thể xâm nhập vào nước ta.
Việc theo dõi việc hình thành đàn, thời gian và hướng di cư của đàn châu chấu sa mạc ở Pakistan và tình hình xâm nhập của chúng trên lãnh thổ Ấn Độ, Banglades, đặc biệt là Myanmar, Trung Quốc và Lào là rất quan trọng. Nếu dịch bùng phát tại các khu vực này, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đặt ra 3 mốc cảnh báo: Cảnh báo xa, cảnh báo gần và khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ cũng sẽ xác định các loại thuốc bảo vệ thực vật, phương tiện, phương pháp phun trừ châu chấu sa mạc; xác định khả năng sử dụng các thiết bị vô tuyến để giám sát đàn châu chấu khi đang bay; xây dựng phương án thiết lập kênh thu thập thông tin từ nhân dân, kênh báo cáo từ địa phương lên Trung ương. Đồng thời, Bộ tổ chức dự trữ quốc gia thuốc bảo vệ thực vật trừ châu chấu.
Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Ấn Độ hoặc gần hơn là Banglades lập tức chuyển sang chế độ cảnh báo gần.
Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Myanmar, Trung Quốc (Vân Nam) hoặc Lào là nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất nhanh chóng. Khi đó, phương án thành lập Ban chỉ đạo phòng chống châu chấu sa mạc ở Trung ương và địa phương (các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc và Lào) sẽ được triển khai; đồng thời, cảnh báo, thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng, chống.
Ngành nông nghiệp sẽ ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu để cảnh báo các địa phương; chuẩn bị nguồn lực để phòng chống châu chấu sa mạc, phương án bảo vệ con người và môi trường khi phun thuốc diện rộng.
Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng sử dụng radar quân sự phát hiện sớm đàn châu chấu khi chúng mới di chuyển đến Việt Nam.
Trong trường hợp châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam mà không qua các nước kể trên thì lập tức chuyển sang phương án phòng, chống trực tiếp. Bộ NN&PTNT sẽ ra văn bản chỉ đạo phòng trừ châu chấu sa mạc đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; cảnh báo về châu chấu sa mạc trên toàn quốc; thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng chống.
Khi đó sẽ lập tức thành lập Ban chỉ đạo phòng chống châu chấu sa mạc ở Trung ương do lãnh đạo Bộ là Trưởng ban và ở địa phương (các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào hoặc tỉnh bị nhiễm châu chấu sa mạc) do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trong trường hợp dịch trên diện rộng, khả năng phải huy động quân đội thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo.
Ngành sẽ huy động tối đa nguồn lực để phòng chống châu chấu sa mạc; xây dựng phương án bảo vệ hoa màu, tài sản tại chỗ cũng như sinh kế của người dân tại vùng bị châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại.
Về nguyên tắc dập dịch châu chấu sa mạc, Bộ NN&PTNT cho rằng, khi đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng phải xử lý thuốc sinh học hoặc hóa học trong trường hợp châu chấu non mới nở còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh.
Trong trường hợp đàn châu chấu sa mạc xâm nhập quy mô lớn, khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh lương thực, Bộ NN&PTNT sẽ phải phối hợp với Bộ Quốc phòng để sử dụng phương tiện (máy bay phun thuốc trừ sâu), trang thiết bị và nhân lực để dập dịch.
Đỗ Hương
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;