Nông dân miền trà sơn (Can Lộc) chằng néo cho bưởi trước bão số 5.
Ông Trần Thư Phúc (thôn Thanh Mỹ, Thượng Lộc, Can Lộc) cho biết: “Nghe tin bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh, tôi rất lo. Từ hôm qua đến nay, hai vợ chồng tôi cố gắng dùng cọc để néo buộc cho những cây bưởi đang sai quả nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu xẩy ra gió mạnh, mưa lớn”.
Ông Trần Thư Phúc gắng néo cây, bảo vệ 100 gốc bưởi thương lái đã đặt mua.
Ông Phúc có 2 ha diện tích trồng cam, bưởi. Hiện, 100 gốc bưởi đã đến kỳ thu hoạch, ước đạt 5.000 quả, đã được thương lái đặt mua. Theo ông, việc dùng cọc chằng néo cây, giữ quả chỉ hiệu quả nếu gió bão chỉ cấp 5, 6. Còn nếu, gió mạnh hơn thì thiệt hại lớn có thể xẩy ra.
Còn với anh Nguyễn Viết Hạnh ở thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc), để tránh gió bão gây thiệt hại cho 2 ha bưởi (gồm 600 gốc), những ngày qua, anh đã khẩn trương thu hoạch.
Anh Hạnh cho biết: “Cách đây gần 1 tuần, ngay khi nghe tin bão hướng về miền Trung, tôi đã tích cực tìm đầu mối để tiêu thụ. Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ năm nay khó khăn hơn, giá rẻ nhưng bán được là may, nếu gặp bão thì nguy cơ mất trắng”.
Nông dân Can Lộc dùng cọc gỗ, tre để chống, néo những cây cam sai quả khu vực trống gió. (Trong ảnh: Vườn cam của anh Nguyễn Viết Hạnh).
Riêng với gần 6 ha cam các loại, hiện, quả cũng đã lớn, anh Hạnh dùng các loại cọc tre, gỗ để chằng néo những cây sai quả ở khu vực đồi cao nhằm giảm nguy cơ gãy đổ. Đồng thời, tích cực khơi thông dòng chảy ở những vùng nguy cơ ngập úng.
Xã Thượng Lộc có diện tích trồng cam, bưởi lớn nhất huyện Can Lộc với trên 320 ha. Trong đó, diện tích bưởi chiếm 70 ha. Vụ bưởi năm nay, ước sản lượng đạt 700 tấn, hiện toàn xã đã thu hoạch được khoảng 70% sản lượng.
Tương tự Thượng Lộc, nông dân trồng cam, bưởi ở các xã vùng trà sơn như: Sơn Lộc, Thường Nga... cũng đang tìm cách để ứng phó với bão số 5 nhằm bảo vệ nông sản của mình.
Nhiều người dân chủ động khơi thông rãnh thoát nước để tránh ngập úng cục bộ.
Theo ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Thường Nga, Can Lộc), bên cạnh giải pháp tình thế chằng, néo cây thì giải pháp bền vững là trồng hàng rào cản gió xung quanh vườn cam, bưởi để cản bớt các luồng gió mạnh vào mùa mưa bão.
Để tránh ngập úng cục bộ khi mưa lớn xẩy ra, bà con nên vun luống cao, tạo các rãnh thoát nước thông thoáng trước khi trồng cam, bưởi. Đối với hàng rào cản gió nên trồng các loại cây thân gỗ có rễ ăn sâu và tán cao gấp đôi cam, bưởi trong vườn.
Giải pháp bền vững của HTX Nông nghiệp Gia Phúc là tạo luống cao trước khi trồng để tránh cam bưởi ngập bị ngập úng khi mưa lớn và trồng hàng rào chắn gió để bảo vệ cây.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Cao Kỳ cho hay: "Toàn huyện Can Lộc có hơn 800 ha trồng cam và bưởi, trong đó có hơn 100 ha bưởi, 700 ha cam. Hiện, đã thu hoạch đạt khoảng hơn 85% sản lượng bưởi, còn cam 2 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch.
Huyện đã khảo sát, đánh giá tình hình và có văn bản chỉ đạo chính quyền cơ sở có những giải pháp hướng dẫn bà con phòng, chống đỡ cho cây trồng trong mùa mưa bão. Trước mắt, đối với ảnh hưởng của bão số 5, chúng tôi khuyến cáo bà con tìm đầu mối tiêu thụ để thu hoạch số bưởi còn lại; hướng dẫn thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra đối với 700 ha diện tích cam".
Tại huyện Vũ Quang, nông dân các xã cũng đang tất bật “chống bão” cho gần 2.000 ha cam thời kỳ rộ quả.
Người dân Vũ Quang chủ động bọc “áo giáp” cho cam.
Đang hối hả chống bão cho vườn cam rộng hơn 2 ha, chị Phan Thị Quý (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) cho biết: “2 ngày nay gia đình tôi luôn phải liền tay, liền chân để bảo vệ “gia tài” trước khi bão CONSON đổ bộ vào đất liền. Đến thời điểm này, chúng tôi đã mua gần 50 nghìn bao bọc để làm “áo giáp” bảo vệ quả và gần 60 kg dây để giằng néo cho cây”.
Cũng theo chị Quý, khoảng hơn 1 tháng nữa thì các vườn cam mới thu hoạch được, nên thời điểm này không chỉ gia đình chị mà nhiều hộ trồng cam trên địa bàn cũng đang tất tả “chạy" bão.
Anh Đoàn Quốc Bảo (thôn 1, xã Quang Thọ) cho hay: "Gia đình tôi hiện có 3 ha cam đang cho thu hoạch quả, năm nay thời tiết thuận lợi nên cam đậu quả cao, ước thu khoảng gần 25 tấn vào cuối vụ. Khi nghe tin có bão, gia đình tôi đã huy động các thành viên chủ động chống đỡ cho cam, cố định những cành quả nhiều để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Đặc biệt, gia đình cũng đã mua hơn 80 nghìn túi bọc để bảo vệ quả”.
Anh Bảo cũng cho biết thêm, trận mưa lũ tháng 10 năm ngoái nhờ chủ động làm tốt công tác “chống bão” cho cam nên vườn cam của gia đình anh thiệt hại không đáng kể, năng suất và chất lượng cam cuối vụ vẫn được đảm bảo.
Đến thời điểm này, các hộ trồng cam trên địa bàn xã Quang Thọ đã cơ bản hoàn tất việc bảo vệ các diện tích cam của gia đình trước ảnh hưởng của bão số 5.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có trên 450 ha cam, trong đó có trên 350 ha đang thời kỳ cho quả. Để đảm bảo năng suất cuối vụ cho bà con, ngay khi huyện có văn bản chỉ đạo ứng phó bão CONSON đối với cây ăn quả, xã đã cho họp các thôn, kịp thời hướng dẫn người dân chống đỡ cho cam khi bão đổ bộ, chủ động tạo rãnh tiêu úng đối với những diện tích trồng ở vùng đất vườn”.
Cũng theo ông Cường, đến thời điểm này, các hộ trồng cam trên địa bàn đã hoàn tất việc bảo vệ các diện tích cam của gia đình. Tất cả đều tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Vũ Quang, toàn huyện có gần 2.600 ha cam, trong đó gần 2.000 ha cho thu hoạch.
Năm nay thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân chủ động chăm sóc, chống hạn và tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật trồng của ngành chuyên môn nên cam đậu quả cao, ước tính vụ cam năm nay toàn huyện thu về khoảng gần 30.000 tấn (tăng hơn 10.000 tấn so với năm ngoái).
Năm nay, huyện Vũ Quang có gần 2.000 ha cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Để hạn chế mức thấp nhất tình trạng cam rụng, đổ gãy do bão và mưa lớn sau bão gây ra, phòng đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như: đào rãnh tiêu nước, dùng cọc tre, dây để chống đỡ, dùng túi bọc và lưới để bảo vệ cho cam nhằm hạn chế rụng quả do mưa lũ.
Bên cạnh đó, phòng cũng đã khuyến cáo người dân ngay sau khi bão qua, mưa dứt, cần chủ động thăm nom để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh thường xuất hiện sau mưa bão, nhất là bệnh nấm thối; chủ động thu gom, xử lý những quả bị rụng theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho cây".
Cũng theo ông Thọ, trận mưa lũ tháng 10/2020 do nhiều hộ không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống mà ngành chức năng hướng dẫn nên trên địa bàn huyện có hơn 3.000 tấn cam bị rụng. Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay ngay khi phòng có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của phòng, hầu hết các hộ dân đã chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Theo Thiên Vỹ - Bảo Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã