Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: VGP. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi về vấn đề này.
Xin Bộ trưởng cho biết, tình hình tái đàn lợn thực tế hiện nay như thế nào và giải pháp thúc đẩy tái đàn thời gian tới ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đến nay, ngành chăn nuôi Việt Nam đã tập trung tái đàn được 81% so với tổng đàn trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Còn 19% nữa là nhiệm vụ rất khó, cần phải tập trung để đảm bảo nhanh, cố gắng trong quý III và quý IV tới có đàn lợn phát triển bằng mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Muốn làm được điều đó phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Khu vực chăn nuôi lớn bao gồm 35 doanh nghiệp lớn, tốc độ tái đàn hiện nay rất nhanh, lên tới 17%. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tập trung thúc đẩy phát triển nhanh ở khu vực hộ nông dân chăn nuôi quy mô vừa và các hợp tác xã. Bởi vậy, chúng ta cần ưu tiên giải pháp, chính sách cho chăn nuôi hộ tập trung và trang trại cũng như hợp tác xã.
Về nhóm chính sách nhà nước, thứ nhất, hiện nay nhiều tỉnh xây dựng chính sách cụ thể hỗ trợ con giống và cả phát triển chăn nuôi lợn tổng thể.
Thứ hai, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vẫn còn hiện hữu, do đó, ngành phải tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân phát triển nhưng trên cơ sở đảm bảo được an toàn sinh học.
Thứ ba, các cơ chế chính sách vừa qua Nhà nước ban hành, ví dụ như chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi để các gia đình hộ nông dân, hợp tác xã có điều kiện tái đàn hiện còn nhiều tỉnh thực hiện chưa hết. Tới đây, vấn đề này phải nhanh chóng thực hiện.
Thứ tư là các bộ, ban, ngành phải cùng vào cuộc, ví dụ như phía ngân hàng. Hiện nay, tái đàn cần lượng vốn rất lớn nên ngân hàng phải đồng hành cùng bà con, chính quyền. Ngoài ra, không chỉ phát triển tái đàn nhanh mà khâu kiểm soát thương mại cũng phải đi đôi, có vậy mới có giá cả hợp lý, từ đó có phát triển bền vững, không bị trục lợi, ảnh hưởng tổn thương về lâu dài.
Tới đây rất nhiều nhóm chính sách phải đồng hành ở khu vực nhà nước từ cấp Chính phủ tới các tỉnh, thành.
Theo Bộ trưởng, ở góc độ doanh nghiệp, người dân cần nỗ lực, chung tay ra sao để công tác tái đàn lợn đạt hiệu quả như mong muốn?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Các doanh nghiệp cũng phải tập trung chia sẻ các sản phẩm dịch vụ, ví dụ như con giống phải bán tập trung cho các nhóm hộ, nhóm hợp tác xã. Thức ăn chăn nuôi cũng phải giữ mức hợp lý, không thể tăng giá để ảnh hưởng đến giá thành và quá trình người dân tái đàn.
Khu vực người dân phải liên kết chặt chẽ với nhau, tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học bởi nếu để xảy ra dịch bệnh, "thiệt đơn thiệt kép" là không thể được. Người dân khi tập trung tái đàn đầu tiên phải tuân thủ an toàn sinh học; tùy điều kiện để liên kết chặt chẽ, nơi thì vào hợp tác xã kiểu mới, nơi thì liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo khép kín từ khâu phát triển nguyên liệu cho đến cung ứng dịch vụ, bán sản phẩm...
Một số ý kiến cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp đồng hành, tập trung chia sẻ các sản phẩm dịch vụ cho các nhóm hộ, nhóm hợp tác xã… giống như dùng mệnh lệnh hành chính để tác động, điều hành thị trường. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ở đây không phải mệnh lệnh hành chính mà là mệnh lệnh thị trường. Doanh nghiệp sinh ra làm công tác dịch vụ mà không làm dịch vụ thì làm gì? Sinh ra làm dịch vụ con giống, dịch vụ gia súc, lúc dân cần mà doanh nghiệp không bán thì đừng làm dịch vụ. Đó là nguyên lý cơ chế thị trường.
Chúng tôi yêu cầu các tỉnh mời tất cả các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn đến, tổ chức triển khai, yêu cầu rõ nhiệm vụ lúc này là phải phục vụ tất cả những sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp đăng ký với giá cả hợp lý. Đây là trách nhiệm thương mại doanh nghiệp phải làm. Điều này hoàn toàn theo đúng quy luật thị trường. Dân cần mà không bán, bán không đúng giá hoặc bán ít là việc không đúng chức năng.
Nhà nước vẫn hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ thị trường, hướng dẫn tổ chức sản xuất, quản trị thay đổi để đảm bảo giá thành hợp lý nhất, có lợi cho doanh nghiệp và lợi cho người dân. Đây mới là nghệ thuật nuôi dưỡng, bảo vệ thị trường lâu dài của chính doanh nghiệp.
Vừa qua, có chuyện các tập đoàn lớn, cơ sở chăn nuôi lớn ưu tiên số một là đưa đàn vào để phát triển chăn nuôi phục hồi ở cơ sở liên kết trực tiếp của doanh nghiệp trước. Hiện nay, chúng tôi yêu cầu đi đôi với việc đó, doanh nghiệp phải phục vụ khu vực người dân, những nơi có đủ điều kiện an toàn sinh học thì phải phục vụ chứ không chỉ lo riêng phần của mình. Chúng ta cũng đề phòng doanh nghiệp chỉ chăm chăm lo cho mình thì sẽ sinh ra độc quyền.
Bên cạnh tái đàn, đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn được xem là giải pháp quan trọng giúp từng bước cân đối nguồn cung. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 4, Việt Nam mới nhập được hơn 45.000 tấn thịt. Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về khó khăn trong vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đều khuyến khích nhập khẩu thịt lợn để trong thời gian ngắn nhất đảm bảo có đủ tổng lượng thực phẩm thịt lợn trong rổ thực phẩm chung. Tuy nhiên, với một loại sản phẩm nhập khẩu không phải trong "một sớm một chiều" có thể nhanh được. Nhu cầu, thói quen tiêu dùng cũng cần thay đổi từng bước. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh lại là Nhà nước khuyến khích chuyện đó để đảm bảo tổng thể nhu cầu thị trường một cách hài hòa lợi ích.
Hiện nay, các bộ, ban, ngành đang tập trung kiến nghị Chính phủ đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Đỗ Hương (Thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;