Ảnh: CTV |
Thời kỳ đầu thành lập, nhiều nhà khoa học người Pháp, người Hà Lan, người Việt đã cùng nhau nghiên cứu, bước đầu tập trung vào việc điều tra, khảo sát phục vụ quy hoạch và phát triển chè ở Đông Dương. Ngoài ra, nghiên cứu và thực nghiệm nhiều cây trồng khác như cà phê, cây lấy tinh dầu (long não, hồi, quế…), cây lấy dầu (trẩu, sở, đen, lai, dọc, nụ, trám…), cây lấy nhựa (sơn, cao su…), cây lâm nghiệp (lim, sến...).
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Bộ Nông Lâm nghiệp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Trạm nghiên cứu Phú Thọ. Đến năm 1961, Trạm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ được đổi tên thành Trại thí nghiệm chè Phú Hộ thuộc Bộ Nông nghiệp. Nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu là chè, ngoài ra còn nghiên cứu thêm cây sơn. Nhiệm vụ nghiên cứu cà phê và cây ăn quả được chuyển cho Trạm nghiên cứu cây Nhiệt đới Phủ Quỳ (Nghệ An).
Đến năm 1969, Bộ Nông nghiệp thành lập Viện nghiên cứu cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc. Viện có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc phục vụ sản xuất (trụ sở đặt tại xã Phú Hộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Từ đây, Trại thí nghiệm chè Phú Hộ bắt đầu trực thuộc trong hệ thống nghiên cứu của Viện cây công nghiệp, cây ăn quả và cây làm thuốc. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, nhu cầu nghiên cứu của ngành nông nghiệp rộng và đa dạng hơn, nhiều đơn vị nghiên cứu mới được hình thành, một số đơn vị trực thuộc Viện cũng dần dần được tách ra.
Ngày 9/9/2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg và ngày 5/12/2005 Bộ NN&PTNT có Quyết định số 3407/QĐ-BNN-TCCB thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nomafsi) trên cơ sở sáp nhập Viện Nghiên cứu chè (trực thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phú Hộ (trực thuộc Viện Nghiên cứu rau quả), Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp miền núi phía Bắc (trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu cà phê Ba Vì (trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam).
Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển vùng trung du, miền núi phía Bắc. Riêng nghiên cứu về cây chè và cà phê chè phục vụ trong phạm vi cả nước.
Sau gần 15 năm, các tiến bộ kỹ thuật của Viện đóng góp tích cực cho việc chuyển đổi cơ cấu giống, tăng vụ, cải thiện hệ thống canh tác đất dốc theo hướng bền vững, đặc biệt về chè, cà phê chè, cây ăn quả và cây trồng bản địa, v.v. Viện đã chủ trì thực hiện gần 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ với 23 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 43 nhiệm vụ cấp bộ, 30 nhiệm vụ cấp cơ sở, 65 nhiệm vụ cấp tỉnh, 17 nhiệm vụ phối hợp, và 11 dự án HTQT. Các tiến bộ kỹ thuật nổi bật của Viện, bao gồm:
Chè
Với mục tiêu cần đặt ra cho phát triển chè xanh Việt Nam từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là chuyển dịch mạnh về cơ cấu diện tích, thay giống cũ bằng các giống mới cho năng suất và chất lượng cao, quan tâm đến các giống sản xuất các sản phẩm phù hợp với từng loại thị trường khác nhau (Đài Loan, Nhật Bản...). Phấn đấu tăng thêm từ 20-25% diện tích sản xuất chè xanh (đưa diện tích giống chè cho sản xuất chè xanh đạt 45-50%), tương đương với khoảng 60-70 ngàn ha (mục tiêu này đã được xác định trong quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Hái chè bằng máy |
Hiện nay, nhu cầu về các giống mới cho sản xuất chè xanh của các địa phương như Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La rất lớn. Bình quân mỗi tỉnh nêu trên có kế hoạch trồng mới và trồng thay thế từ 500-1.000ha chè mỗi năm (kế hoạch đến năm 2020), tương đương nhu cầu sản xuất giống cho trồng mới/trồng thay thế khoảng 4-5 ngàn ha chè/năm (khoảng 80-100 triệu bầu chè giống các loại). Theo định hướng chuyển đổi ngành chè hiện nay, chủ yếu sản phẩm sẽ tập trung cho chế biến chè xanh, chè xanh cao cấp phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Hoàn thành được các kế hoạch như trên, hoàn toàn có thể tin tưởng đến năm 2020, diện tích giống chè cho sản xuất chè xanh có thể đạt từ 60-70 ngàn ha (so với khoảng 30-40 ngàn ha như hiện nay). Đây là cơ hội lớn đối với dự án sản xuất giống chè giai đoạn 2016-2020 vì thị trường sản phẩm cây giống đã thực sự rộng mở, có tính khả thi cao.
Trong những năm gần đây, một số giống chè phù hợp với chế biến chè xanh chất lượng cao đã được Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc chọn tạo như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, PH8, PH9, PH10, Shan Chất Tiền, Shan Tham Vè, Hương Bắc Sơn, TRI 5.0, LCT1, Lũng phìn 18... Thêm vào đó còn có hàng chục dòng chè triển vọng đang được khảo nghiệm, đánh giá ngoài sản xuất. Năng suất bình quân của các giống chè mới đạt từ 8-10 tấn/ha, chất lượng rất tốt có thể chế biến những loại chè xanh chất lượng cao, các loại chè xanh đặc sản.
Ngoài ra, nhiều quy trình trồng trọt, chế biến mới được áp dụng, đặc biệt quy trình công nghệ chế biến chè xanh đặc sản, chè olong, chè ép bánh từ các giống chè mới được trồng nhiều ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang và Cao Bằng. Hoàn thiện và triển khai đồng bộ quy trình sản xuất chè an toàn, với hàng ngàn ha chè đạt chứng nhận cho các vùng chè cả nước. Những tiến bộ KHCN mới về chè trong khoảng 20 năm trở lại đây đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân ở các tỉnh trồng chè trọng điểm.
Cây ăn quả
Tuyển chọn và chuyển giao cho nông dân nhiều giống cây ăn quả mới, như giống vải chín sớm Hùng Long, giống vải chất lượng cao VPH40, giống xoài chín sớm PH11, giống xoài Kim Hoàng, giống chuối tiêu lùn VN1-064, giống chanh leo LPH4 và nhiều giống cây ăn quả quý được khai thác phát triển như hồng, bơ, cây ăn quả ôn đới (đào, lê, táo). Hoàn thiện và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, kỹ thuật xử lý ra hoa đậu quả, kỹ thuật phòng trừ tổng hợp dịch hại, kỹ thuật bảo quản... cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cây cao su
Khảo nghiệm và xác định được bộ giống cao su chịu lạnh cho vùng, trong đó có 2 giống được công nhận giống đặc cách (VNg77-2, VNg77-4). Xây dựng và chuyển giao quy trình công nghệ trồng xen trong nương đồi cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản nâng cao hiệu quả sử dụng đất (trồng xen cỏ chăn nuôi, ngô, lạc, lúa nương...). Đã có hàng trăm ha mô hình được áp dụng tại các công ty cao su Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
Cà phê chè
Khảo nghiệm và xác định được bộ giống cà phê chè thích hợp cho vùng, trong đó 2 giống cà phê mới TN1, TN2 đã được phát triển trồng trên hàng trăm ha thay thế giống cà phê catimor cũ tại Sơn La và Lai Châu. Xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp cây cà phê chè, quy trình sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, quy trình kỹ thuật phòng chống và khắc phục sương muối.
Cây lương thực, thực phẩm
Chọn tạo được trên 40 dòng lúa có triển vọng về năng suất, thời gian sinh trưởng và chất lượng gạo tốt, trong đó 2 giống BT13 và PB53 được công nhận giống sản xuất thử và đang mở rộng diện tích cho các chân ruộng vàn cao, không chủ động về nước tưới. Phục tráng và xây dựng nhiều quy trình canh tác cho các giống lúa địa phương, đặc sản, giống ngô nếp tím, giống sắn và khoai môn, khoai sọ cho sản xuất trong vùng...
Ảnh: CTV |
Qua 100 năm xây dựng và phát triển, những thành quả rất đáng tự hào, thành tựu của ngành Nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc và ngành chè cả nước in đậm dấu ấn của nhiều nhà khoa học thuộc Viện KHKT Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Các nhiệm vụ chính sẽ được tập trung gồm: - Nghiên cứu – phát triển sản phẩm cây chè theo chuỗi giá trị từ khâu chọn tạo giống – kỹ thuật canh tác - chế biến và phát triển thị trường nhằm đẩy mạnh phát triển chè bền vững theo hướng ngày càng nâng cao hàm lượng KHCN trong giá trị sản phẩm. - Nghiên cứu phát triển cây ăn quả bản địa có giá trị vùng miền núi phía Bắc, tập trung vào phát triển các sản phẩm có giá trị thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần sinh kế cho đồng bào miền núi và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng. - Nghiên cứu, tuyển chọn giống và các biện pháp kỹ thuật đối với các cây trồng lợi thế trong vùng (cây đặc sản, cây bản địa, cây dược liệu...); xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát huy lợi thế tiểu vùng sinh thái, các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sinh thái vùng miền núi phía Bắc. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;