Không thể xài chung chạ!
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà trắng công nghiệp ở huyện Tân Phú, Đồng Nai là một trong ba người chăn nuôi duy nhất ở Việt Nam nuôi được con gà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, trang trại quy mô 400.000 con gà thịt của ông Kha, tiếp tục được các doanh nghiệp nước ngoài chọn làm chương trình nuôi gà theo chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang thị trường EU.
Ít ai biết, để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Nhật và EU, ông Kha, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, đã phải mất nhiều năm trời học hỏi kỹ thuật chăn nuôi mới, thiết kế lại chuồng trại, đồng thời, thay đổi hẳn tư duy chăn nuôi gà truyền thống sang hiện đại và bỏ ra rất nhiều tiền.
Trại chăn nuôi gà đáp ứng được tiêu chuẩn của GlobalGAP.
Chăn nuôi gà hiện đại, theo ông Kha, đó là phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh thú y. Chẳng hạn như ở thị trường Nhật, để xuất được sản phẩm vào đây, các trang trại phải đáp ứng hơn 200 bộ tiêu chuẩn. Theo đó, tất cả các khâu, từ quy hoạch trại ở đâu, thiết kế trại như thế nào, tạo vùng đệm ra làm sao… đến quá trình vận hành trại đều phải lập đồ án chi tiết.
Trong đó, Nhật đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra. Các xe chở gà con, xe chở thức ăn, thuốc phải riêng biệt. Khi xuất gà, hệ thống lồng bắt gà, xe chở gà cũng phải sử dụng riêng, sau mỗi lần sử dụng phải trụng bằng nước sôi, khử trừng để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, chứ không thể xài chung chạ như trước được.
“Chúng tôi phải xây thêm ba khu khử trùng cho trang trại, các vật dụng chuyên chở đều phải qua xử lý nên chi phí đội lên khá nhiều!”, ông Nguyễn Minh Kha nói.
Tất nhiên, khi làm kỹ hai đầu sẽ giải quyết mối nguy lây nhiễm dịch bệnh từ trại này sang trại khác, tạo môi trường chăn nuôi sạch trong khu trại sẽ cho hiệu quả chăn nuôi cao hơn. Không cứ gì Nhật hay EU, các thị trường như Hong Kong, Singapore hay Trung Quốc cũng đặt nặng vấn đề an toàn lên hàng đầu. Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu trứng muối sang Singapore, Hong Kong, nhưng thi thoảng, doanh nghiệp vẫn bị trả hàng về hoặc bạn ngưng hẳn nhập khẩu, do chúng ta chưa kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh.
Theo ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty TNHH SX-TM Trại Việt (Vietfarm), để xin được giấy phép xuất khẩu trứng muối vào Singapore, công ty mất hai năm làm hồ sơ. Yêu cầu hàng đầu của Singapore là doanh nghiệp phải xây dựng, kiểm soát các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dịch tễ ở hệ thống trang trại. Chẳng hạn như nguồn nước nuôi lấy bằng tự nhiên hay nhân tạo, nếu là tự nhiên thì phương án kiểm soát hàm lượng sắt, chì, kẽm, nhất là dư lượng chất sudan như thế nào…? Thức ăn kiểm soát nguyên liệu ra sao, áp dụng quy trình chăn nuôi gì… Những điều này, theo ông Hoạt, bắt buộc Vietfarm phải tự thiết lập trang trại, tự tổ chức nuôi vịt chứ không thể mua trôi nổi bên ngoài được.
“Lợi nhuận mỗi quả trứng xuất khẩu thấp, nếu lỡ rủi một container hàng không đạt, bị trả về chỉ có nước thua lỗ nặng. Ngay cả thị trường trong nước cũng ngày càng đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ và chất lượng trứng tốt hơn, nên chúng tôi phải tổ chức lại khâu sản xuất mới đáp ứng được”, ông Hoạt khẳng định.
Trong khi đó, ông Bạch Đức Lữu, giám đốc cơ quan Thú y vùng 6, cũng nói sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được về giá so với các nước, nhưng điểm yếu của chúng ta là chưa tạo ra được môi trường chăn nuôi sạch bệnh, an toàn. Muốn đáp ứng được điều kiện này, chúng ta phải quy hoạch lại chăn nuôi, tạo ra các vùng đệm để tiến tới xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn. Hiện nay, dù Việt Nam tổ chức và chứng nhận cho hơn 400 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại khu vực phía Nam đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng chừng đó là chưa đủ, vì phải cần được nước ngoài đánh giá, công nhận nữa.
Phải là ngành sản xuất lớn
Hàng triệu hộ gia đình ở Việt Nam vẫn đang sống dựa vào chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Mô hình này, đã không còn phù hợp khi Việt Nam mở cửa thị trường chăn nuôi. Nuôi nhỏ lẻ nguy cơ dịch bệnh cao, chất lượng thấp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh. Muốn tồn tại, ngành chăn nuôi không thể đảm đương cùng lúc hai nhiệm vụ: vừa giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, mà vẫn muốn xuất khẩu.
Đến lúc phải quy hoạch lại chăn nuôi, loại dần nhỏ lẻ, chuyển dịch lao động để nâng quy mô trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến của nước ngoài. Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trại gà ở huyện Tân Phú, Đồng Nai, cho biết nhờ thay đổi cách làm, trang trại gà 400.000 con của ông được các chuyên gia công ty Tài chính quốc tế (IFC – thành viên của nhóm ngân hàng Thế giới), đơn vị hướng dẫn kỹ thuật GlobalGAP, đánh giá là một trong số 20% trang trại chăn nuôi tốt nhất thế giới.
Dây chuyền giết mổ gà hiện đại ở Tp.HCM
Theo các chuyên gia quốc tế, trại gà của ông Kha nằm gọn lỏn, trong khu vực được bao bọc xung quanh là các dãy núi ở huyện Tân Phú, khu biệt với bên ngoài hơn 1km nên tuyệt đối an toàn sinh học. Trên thế giới, quy định các trang trại đạt chuẩn cũng phải đạt ít nhất 3km cách ly. Điều này, gần như khác biệt với cách chăn nuôi hiện nay ở Việt Nam. Không chỉ tồn tại quy mô nhỏ lẽ, dày đặc, nhiều dự án chăn nuôi của các đại gia Việt công bố gần đây còn khẳng định sẽ xây dựng “một thung lũng thực phẩm” với hệ thống trang trại, nhà máy giết mổ quy mô lên đến vài trăm hecta.
“Chẳng đâu trên thế giới có cách chăn nuôi tập trung trong một thung lũng như vậy. Nếu xảy ra dịch bệnh, thung lũng đó sẽ mau chóng thành nghĩa địa…”, một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại chăn nuôi gà lớn nhất nhì tại Đồng Nai, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi gà công nghiệp, lo ngại lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi khi muốn làm xuất khẩu là vấn đề quy hoạch. Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, liên kết tạo thành chuỗi, truy xuất nguồn gốc…, nhiều nước còn yêu cầu khoảng cách tối thiểu giữa các trại nuôi là 3km mới đảm bảo an toàn.
Song, ở nước ta đang hình thành nên các cụm, điểm chăn nuôi tập trung dưới chuẩn này nên tiềm ẩn những rủi ro khi các nhà nhập khẩu đánh giá và cấp phép vùng an toàn dịch bệnh. Để đáp ứng khoảng cách an toàn theo yêu cầu của các nhà nhập khẩu, ông cho rằng các chủ trại phải bỏ thêm tiền để tạo vùng đệm, xây dựng trang trại cách ly; chứ luật chăn nuôi và chính sách nhà nước chưa hỗ trợ được gì.
Tác giả bài viết: Bảo Ngọc
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã