Trang trại nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Viện. |
Kể về quá trình lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Viện cho biết: Năm 1978, theo chương trình xây dựng kinh tế mới, ông rời vùng quê Tiên Lãng (TP Hải Phòng) đến xã Hải Lạng để lập nghiệp. Ngày đầu chuyển đến đây, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào lúa là chính, nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Vì vậy, câu hỏi làm gì để thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu luôn trăn trở trong ông Viện. Thế rồi trong quá trình lập nghiệp, ông Viện nhận thấy đất đầm hoang trong xã còn nhiều, có thể phát triển nuôi thuỷ sản. Năm 1999, ông mạnh dạn nhận 4,5ha đất đầm hoang trong xã để thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Từ vay mượn bạn bè, anh em, được Hội Nông dân giúp đỡ gần 50 triệu đồng, ông Viện thuê nhân công đắp bờ, xây cống, cải tạo đầm... Ông còn đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm... Khi đã nắm vững kỹ thuật nuôi, ông mua giống tôm sú về thả nuôi. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, tôm phát triển tốt, hứa hẹn bội thu, nhưng không ngờ cơn lũ năm 2002 đã cuốn trôi hết tâm huyết và tiền của công sức của ông ra biển.
Không nản chí trước thất bại, ông Viện động viên vợ con dọn dẹp, cải tạo đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Chạy vạy khắp nơi mua chịu được 20 vạn con tôm sú giống thả nuôi (trị giá 14 triệu đồng), ông kiên trì thực hiện đúng kỹ thuật nuôi tôm, ngày đêm trên đầm, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Đất đã không phụ công người, vụ thu hoạch năm 2004, gia đình ông thu được 1,3 tấn tôm, trị giá 130 triệu đồng. Ông đã trang trải được nợ nần và có lãi. Cả nhà phấn khởi vui vẻ, làng xóm động viên, khiến ông càng vững tin hơn. Hiện trang trại của gia đình ông thường xuyên có 15-20 lao động là nông dân trong xã, với mức thu nhập ổn định. Từ nuôi tôm sú, gia đình ông thu lãi bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Năm 2016 vừa qua, sản lượng tôm nuôi của gia đình ông tăng gấp rưỡi. Ông cho biết: “Được HND các cấp và các đơn vị chức năng hướng dẫn, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống nước cấp, nước thải đúng quy trình, nên năng suất con tôm nuôi tăng, từ 17 tấn năm 2015 lên 22 tấn năm 2016...”.
Năm 2006, ông Viện nhận thêm 6ha đất đồi, đầu tư 80 triệu đồng phát băng, cuốc hố, mua 12.000 cây keo về trồng. Theo ông, trồng keo có 2 điều lợi: Vừa có thêm nguồn thu nhập, lại góp phần phủ xanh đất trống bảo vệ môi trường. Rừng keo của ông được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt, mỗi lần thu hoạch mang lại cho gia đình khoản thu nhập không nhỏ. Ông còn đầu tư máy trộn bê tông để làm dịch vụ cho nông dân trong xã, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Từ các hoạt động sản xuất trên, hiện mỗi năm gia đình ông Viện thu nhập gần tỷ đồng; trở thành tấm gương sáng cho nhiều hộ nông dân tại địa phương noi theo. Với 15 năm liên tục đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, cấp huyện; được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh, HND tỉnh, ông Nguyễn Văn Viện vinh dự là một trong 5 đại biểu của tỉnh đi dự Hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V được tổ chức tháng 9-2017 tới đây.
Tác giả bài viết: Lương Giang
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã