Học tập đạo đức HCM

Các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông nông thôn ở Việt Nam hiện nay

Chủ nhật - 29/11/2015 02:41
Khu vực nông thôn ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của cả nước, chiếm trên 80% diện tích và gần 70% dân số của cả nước.
Tóm tắt: Khu vực nông thôn ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của cả nước, chiếm trên 80% diện tích và gần 70% dân số của cả nước. Giao thông nông thôn (GTNT) chiếm trên 86% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ cả nước. Hạ tầng GTNT ngày càng phát triển. Tuy nhiên, tình hình TNGT khu vực nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp. TNGT xảy ra tại các tuyến đường nông thôn chiếm khoảng 11 - 13% tổng số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó tai nạn liên quan đến xe máy chiếm khoảng 80%. Nếu tính cả tuyến đường tỉnh thì TNGT chiếm trên 28% tổng số vụ và có khoảng 70% tổng số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường bộ ở khu vực nông thôn.

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn GTNT được Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thực hiện năm 2015 trong phạm vi cả nước nhằm xây dựng đề án “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn GTNT đến năm 2020”. Bài báo trình bày các kết quả nghiên cứu đánh giá những tồn tại, bất cập các vấn đề liên quan đến an toàn GTNT và đề xuất các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn GTNT một cách toàn diện về quản lý nhà nước, về nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện, công tác tuyên truyền giáo dục, công tác kiểm tra xử lý vi phạm, sơ cấp cứu sau tai nạn, các giải pháp về nguồn nhân lực và nguồn vốn. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đề xuất một số các giải pháp mang tính đột phá cần thực hiện trước mắt. Đây là các giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm thiểu TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn.

1. Hiện trạng GTNT
1.1. Kết cấu hạ tầng và tổ chức GTNT
1.1.1. Mạng lưới đường GTNT
Tổng chiều dài mạng lưới đường bộ của nước ta đến nay có chiều dài 570.448km, trong đó GTNT chiếm 86,4%.

Bảng 1.1. Mạng lưới đường bộ nước ta hiện nay

bang11
Trong số 492.892km đường GTNT, đường thôn xóm chiếm tỷ lệ cao nhất là 37%; đường huyện chiếm tỷ lệ thấp nhất với 12%.
hinh11
Hình 1.1: Mạng lưới đường GTNT
 Chiều dài mạng lưới đường GTNT vùng miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 28%, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm tỷ lệ thấp nhất với khoảng 7%.
hinh12
Hình 1.2: Mạng lưới đường GTNT theo vùng
 Tỷ lệ các loại đường của các vùng có sự khác biệt, đường huyện cao nhất là vùng Đông Nam bộ, thấp nhất là vùng đồng bằng sông Hồng.
hinh13
Hình 1.3: Tỷ lệ loại đường GTNT theo vùng
Mật độ GTNT trung bình cả nước là 1,51km/km2. Mật độ cao nhất là vùng đồng bằng sông Hồng, thấp nhất là vùng Tây Nguyên.
hinh14
Hình 1.4: Mật độ đường GTNT theo vùng
Đến nay đã cứng hóa 43.081km/58.437km đường huyện, 177.164km/434.455km đường xã trở xuống đến đường thôn xóm, trục chính nội đồng đạt.
hinh15
Hình 1.5: Tỷ lệ cứng hóa mặt đường GTNT
Tính chung cả nước, hệ thống đường GTNT đã cứng hóa được 220.246 km/492.982km, tương đương 44,68%, còn 55,32%, trong số này phần lớn là đường thôn, xóm, trục chính nội đồng. Tỷ lệ cứng hóa ở các khu vực trung du, miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và vùng sâu vùng xa còn rất thấp; khu vực đồng bằng và các khu vực còn lại đạt tỷ lệ cao hơn.
hinh16
Hình 1.6: Tỷ lệ cứng hóa mặt đường GTNT

Nhìn chung, hệ thống đường GTNT đã lan tỏa đến mọi vùng, miền và các khu vực nông thôn đồng bằng, trung du miền núi và đến cả các điểm dân cư tại vùng sâu, vùng xa trong cả nước, trực tiếp phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao lưu văn hóa xã hội, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào ở các vùng nông thôn từ đồng bằng đến trung du, miền núi, từ ven biển đến biên giới hải đảo. Đồng thời, bộ phận tiếp cận của giao thông nội vùng với mạng lưới đường trục chính và hệ thống đường quốc gia. GTNT với đặc điểm là quy mô nhỏ, cấp kỹ thuật thấp, vốn đầu tư ít, lưu lượng vận tải không lớn như hệ thống đường khác, nhưng có chiều dài (theo km và theo %) lớn nhất so với tất cả các hệ thống đường khác. Tuy đã có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước năm 2010, nhưng kết cấu hạ tầng GTNT còn nhiều tồn tại vẫn còn 65 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; nhiều xã ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm nhưng vào mùa mưa lũ thường bị ngập, chia cắt tạm thời khi lũ về; nhiều tuyến đường huyện, đường xã chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; nhiều đường thôn xóm, đường trục nội đồng còn lầy lội khi mưa, lũ; công trình biển báo hiệu ATGT thiếu; nhiều địa phương còn thiếu bến, bãi đỗ xe; các công trình vượt sông (phà, đò, cầu phao) thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và tải trọng khai thác.

1.1.2. Công trình và trang thiết bị bảo đảm ATGTNT

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, để thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, kết cấu hạ tầng GTNT đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, tạo nên diện mạo mới cho hệ thống đường GTNT. Tiêu chuẩn Quốc gia về yêu cầu thiết kế đường GTNT cũng đã được Bộ GTVT ban hành vào năm 2014 (TCVN 10380:2014) và Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 về hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường GTNT phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mặc dù nhiều địa phương đã đầu tư cải tạo hệ thống đường GTNT nhưng công việc này được thực hiện chưa được đồng bộ mà một trong những vấn đề lớn khi xây dựng mạng lưới đường GTNT đó là chưa quan tâm đến đầu tư lắp đặt hệ thống trang thiết bị ATGT như hệ thống biển báo, tầm nhìn hạn chế và các thiết bị bảo đảm ATGT khác trên các tuyến đường nông thôn.

Hiện trạng các trang, thiết bị bảo đảm ATGT trên các tuyến đường GTNT đang rất thiếu. Chỉ một số tuyến đường huyện được đầu tư xây dựng mới được lắp đặt biển báo, các tuyến đường huyện đang khai thác thì hệ thống báo hiệu đường bộ còn thiếu rất nhiều. Ví dụ: Tại tỉnh Thái Nguyên khi xây dựng mới 14km tuyến đường huyện và đưa vào khai thác thì không có biển báo hiệu nào được lắp đặt trên toàn bộ 14km.

Trong 5 năm thực hiện công tác xây dựng và quản lý nông thôn gắn với mục tiêu chương trình nông thôn mới, các địa phương đã xây dựng, bổ sung rất nhiều các công trình cầu, cống, kiên cố hóa hệ thống thoát nước góp phần cải thiện chất lượng và điều kiện khai thác đường GTNT; xây dựng, cải tạo và đưa nhiều công trình đường thủy, thiết bị vượt sông vào khai thác, góp phần cải thiện việc đi lại và giảm nguy cơ mất ATGT nhưng việc lắp đặt hệ thống biển báo hiệu giao thông, hệ thống rào chắn tại các tuyến đường GTNT khu vực miền núi hiện tại đang thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các đơn vị quản lý chuyên ngành và thiếu kinh phí triển khai.

1.2.  Phương tiện ở khu vực GTNT

Do tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT thấp nên phương tiện giao thông đường bộ hiện nay thường được sử dụng khu vực nông thôn phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân nông thôn bao gồm như xe máy, xe đạp, ô tô cá nhân, xe tải loại thường dưới 3,5T, xe chở khách loại đến 30 ghế… Một số vùng có mạng lưới đường GTNT được xây dựng tốt hơn như vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng cho phép ô tô tải trọng lớn hơn 5T và xe khách dưới 35 ghế lưu thông.

Phương tiện chở khách tại các vùng nông thôn đối với khu vực đồng bằng có thể tối đa đến 30 ghế nhưng chỉ tại những tỉnh có hệ thống đường GTNT phát triển, ví dụ: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Còn lại đa phần phương tiện chở người tại các vùng nông thôn từ 16 - 24 ghế, những tỉnh có địa hình khó khăn như các tỉnh vùng núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên loại phương tiện phổ biến đến 16 ghế.

Phương tiện chở hàng hóa, sản vật nông nghiệp tại các vùng nông thôn trong cả nước đa phần là loại xe tải nhẹ từ 0,5T - 2,5T. Tại các vùng nông thôn phát triển có thể sử dụng loại xe đến 3,5T hoặc 5T do mạng lưới đường GTNT chất lượng tốt. Ngoài ra, tại các tỉnh vùng Tây Nguyên người dân vẫn còn sử dụng loại phương tiện công nông trong việc vận chuyển nông sản gây mất ATGT.

Phương tiện vận tải khách và hàng hóa sử dụng ở các vùng nông thôn, nhất là ở các vùng sâu vùng xa chủ yếu là xe cũ. Mặc dù chất lượng phương tiện thời gian qua đã được cải thiện nhiều nhưng nói chung vẫn kém, thường chở cả người và hàng. Điều kiện đảm bảo an toàn không đáp ứng tiêu chuẩn và phương tiện hoạt động thường xuyên trên các tuyến đường núi, đèo dốc cao hiểm trở do đó thường xuyên mất ATGT, nguy hiểm đến tính mạng người dân tham gia giao thông.

Sử dụng phương tiện cá nhân đi lại hiện nay tại các vùng nông thôn trong cả nước chủ yếu là phương tiện xe máy và ô tô con. Số lượng ô tô con cá nhân tại vùng nông thôn rất ít và hầu như chỉ có tại các tỉnh có kinh tế nông thôn phát triển như đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh vùng Đông Nam bộ. Chất lượng phương tiện xe máy cũng khác nhau giữa các vùng miền nông thôn trong cả nước do phụ thuộc và thu nhập của nười dân cũng như điều kiện địa hình. Một số khảo sát cho thấy, tại Lào Cao thì có đến 60% phương tiện xe máy của người dân là loại xe máy có chất lượng thấp, giá rẻ từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc, chất lượng xe máy tại các vùng như Tây Nguyên, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long chất lượng xe máy cũng không tốt. Phương tiện người dân nông thôn sử dụng đa phần chất lượng không tốt do thu nhập của người dân thấp, chủ yếu là xe máy chất lượng thấp có xuất xứ từ Trung Quốc và một phần không nhỏ các loại xe máy cũ từ các đô thị đưa về nông thôn để bán.

1.3. Tình hình TNGT ở nông thôn

Tại Việt Nam, trung bình hàng ngày ước tính có khoảng 26 ÷ 30 người chết do TNGT chủ yếu là TNGT đường bộ. Qua số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2000 ÷ 2002, TNGT đường bộ tăng liên tục ở cả 3 tiêu chí với tỷ lệ cao. Đến giai đoạn 2002 ÷ 2010, TNGT đường bộ đã giảm, số vụ năm 2010 giảm 49,5% so với năm 2002, tương tự số người bị thương giảm 66,5% và số người chết giảm 13,6%. Giai đoạn 2011 - 2013, TNGT đường bộ cũng giảm cả 3 tiêu chí, số vụ TNGT đường bộ năm 2013 giảm 32,5% so với năm 2011 và số người chết giảm 17%.

Năm 2014, cả nước đã xảy ra 10.601 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.788 người, bị thương 6.265 người. Mặc dù TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng vẫn còn, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao và chưa ổn định.

Phân tích số vụ TNGT theo tuyến đường cho thấy, tai nạn nhiều nhất là trên các tuyến đường nội thị (36%), quốc lộ (chiếm 31%), đường tỉnh (17%) và đến đường nông thôn (11%).
hinh17
Hình 1.7: Tỷ lệ TNGT theo tuyến đường năm 2014
 
TNGT nông thôn chỉ chiếm 11% tổng số vụ TNGT đường bộ nhưng tỷ lệ số người chết/vụ tương đối cao (0,49), cao hơn cả nước (0,42).

Qua phân tích các vụ TNGT nông thôn cho thấy:

- Phương tiện gây TNGT: Phương tiện chính gây TNGT trên các tuyến đường nông thôn là xe gắn máy, chiếm 78% tổng số vụ tai nạn, do ô tô chiếm 17%, còn lại là do các phương tiện khác như xe đạp, người đi bộ...

- Hình thức TNGT chủ yếu trên các tuyến đường GTNT là tai nạn giữa xe gắn máy với xe gắn máy, tiếp đó là xe gắn máy với ô tô, xe gắn máy với xe thô sơ, đây là các hình thức hay xảy ra nhất trên các tuyến đường GTNT.

- Loại TNGT: Tỷ lệ tai nạn giữa hai phương tiện đi ngược chiều chiếm tỷ lệ chính. Tiếp đến là TNGT liên quan đến người đi bộ và do hai phương tiện đi cùng chiều. Bên cạnh đó còn có TNGT xảy ra là do đâm vào vật cố định bên đường và tai nạn xảy ra tại các điểm giao cắt.

Qua phân tích các nguyên nhân gây TNGT nông thôn thì hầu hết các tai nạn đều được xác định là do lỗi của người tham gia giao thông, trong đó chạy quá tốc độ, sử dụng sai làn đường là nguyên nhân chủ yếu. Cụ thể như hình dưới đây:
hinh18
Hình 1.8: Nguyên nhân TNGT nông thôn năm 2014

1.4. Đánh giá chung

Từ những phân tích, đánh giá hiện trạng về ATGT nông thôn ở trên ta có thể thấy những mặt được và những tồn tại như sau:

Những kết quả đạt được:

- Cùng với điều kiện kinh tế ở khu vực nông thôn đã được cải thiện, điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông trong một số năm vừa qua đã có sự phát triển vượt bậc. Chiều dài mạng lưới đường GTNT đã gia tăng đáng kể bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa tăng nhanh làm thay đổi bộ mặt của GTNT. Các công trình cầu đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo bảo đảm ATGT.

- Tình hình phát triển phương tiện cơ giới ở khu vực nông thôn, đặc biệt là phương tiện xe máy tăng nhanh. Phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách được phủ xuống khu vực nông thôn làm cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận tiện rất nhiều.

Bên cạnh đó còn các tồn tại, hạn chế, đó là:

- Tình hình TNGT ở khu vực nông thôn đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân còn kém, hệ thống kết cấu hạ tầng và phương tiện không đủ điều kiện an toàn vẫn tồn tại.

- Hệ thống đường GTNT còn bất cập như tầm nhìn không bảo đảm, đặc biệt tại các chỗ rẽ; thiếu hệ thống báo hiệu đường bộ; thiếu các công trình bảo đảm ATGT; còn nhiều cầu dân sinh mất an toàn, nhiều tuyến đường bị gián đoạn khi lũ về.

- Chất lượng phương tiện xe gắn máy ở vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa còn kém, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực, bị tác động bởi yếu tố gia đình, làng xóm…

- Công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp còn chưa phù hợp, làm cho tình hình điều khiển phương tiện xe máy khi chưa có GPLX vẫn diễn ra phổ biến.

 Nhìn chung, đây là những vấn đề đòi hỏi phải giải quyết trong thời gian tới.

2. Các giải pháp bảo đảm ATGT ở nông thôn

2.1. Giải pháp, chính sách về quản lý nhà nước

Phát triển GTNT theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; dựa vào Chiến lược phát triển GTNT trên phạm vi cả nước, vùng kinh tế được phê duyệt, các địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển GTNT trên địa bàn mình quản lý; tăng cường năng lực quản lý GTNT từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã cả về kiến thức quản lý và kỹ thuật.

2.2. Giải pháp về kết cấu hạ tầng GTNT

Thứ nhất, tập trung xây dựng mới, nâng cấp và cải tạomạng lưới đường nông thôn đểphù hợp với Chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng, phát triển GTNT gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, các Quyết định số 491/QĐ-TTg và số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát triển GTNT bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống giao thông địa phương.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

- Các tỉnh xây dựng đề án phát triển GTNT theo từng giai đoạn, đồng thời để bảo đảm ATGT của khu vực nông thôn, ban ATGT tỉnh cần xây dựng đề án kế hoạch bảo đảm ATGTNT tại tỉnh mình;

- Ưu tiên đầu tư, xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã (trừ các nơi vượt sông lớn, hoặc nằm ở các khu vực địa hình phức tạp chi phí đầu tư lớn, không khả thi; hiện nay còn 65 xã trên đất liền thuộc 12 tỉnh, trong đó có 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Lai Châu, Nghệ An và Quảng Nam);

- Nâng cao điều kiện mặt đường cho đường đến trung tâm xã (170 xã) đã có đường nối với trung tâm huyện và các vùng khác, nhưng chưa được cứng hóa hoặc thường bị chia cắt khi có lũ trong mùa mưa, tập trung chủ yếu ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, như Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn...;

- Tiếp tục thực hiện giai đoạn II của Đề án xây dựng cầu dân sinh (bao gồm cầu treo và cầu cứng) để bảo đảm ATGT cho vùng có đồng bào các dân tộc;

- Kiểm tra, nâng cấp sửa chữa và thay thế hệ thống cầu GTNT đang khai thác, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo trên cầu;

- Các tuyến đường được xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo phải bảo đảm tầm nhìn và có đầy đủ hệ thống báo hiệu theo quy định.

Thứ hai, tập trung rà soát và nâng cấp điều kiện an toàn tại các giao cắt bằng các biện pháp: Cải tạo tầm nhìn, lắp đặt biển báo, xây dựng gờ giảm tốc, cắm biển hạn chế tải trọng; hệ thống chiếu sáng phù hợp trên các tuyến đường giao thông. Kinh nghiệm của Thái Bình thực hiện cho thấy hiệu quả đem lại rất cao trong việc giảm TNGT ở khu vực nông thôn.

- Khi xây dựng các tuyến đường mới hoặc nâng cấp cải tạo các tuyến đường thì phải bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống biển báo, gờ giảm tốc tại trên tuyến đường GTNT tại vị trí đấu nối vào đường chính.

Thứ ba, về bảo đảm hành lang ATGTđối với các tuyến đường GTNT đang khai thác, chính quyền địa phương tiến hành rà soát, phân tích đánh giá hiện trạng vi phạm HLATGT để có những kiến nghị đề xuất giải tỏa kịp thời trên hệ thống đường huyện. đường liên xã; áp dụng các biện pháp cưỡng chế kết hợp với tuyên truyền, thuyết phục để giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong hành lang ATGT (xây dựng lều quán, tập kết hàng hóa, vật liệu vào lòng, lề đường; xâm phạm rãnh thoát nước...). Việc tái lấn chiếm nhằm mục đích khác cần phải được xử lý nghiêm theo quy định, buộc phải di dời.

Đối với các tuyến đường GTNT xây dựng mới: Cơ quan quản lý đường bộ tại địa phương chủ trì phối hợp với cơ quan địa chính và UBND huyện, xã có đường GTNT dự kiến xây dựng mới qua tiến hành việc đo đạc, cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ, làm cơ sở để quản lý và sử dụng đất hành lang bảo vệ đường GTNT.

- Tuyên truyền cho người dân dọc các tuyến đường GTNT không vi phạm hành lang an toàn cũng như không trồng cây nông nghiệp trong phạm vi HLATGT.

- Chính quyền địa phương đầu tư xây dựng hệ thống đường gom tại các khu vực đông dân cư có quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt đi qua; tăng cường quản lý và ngăn ngừa đấu nối đường ngang vào quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt.

Thứ tư, quản lý, bảo trì hệ thống GTNT:Tăng cường xã hội hóa công tác bảo trì đường GTNT, kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp địa phương tham gia bảo trì đường bộ.

2.3. Giải pháp quản lý phương tiện cơ giới khu vực nông thôn

- Tăng cường công tác kiểm định phương tiện cơ giới ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Các địa phương ban hành những chính sách hỗ trợ người dân về giá, phí trước bạ, phí đăng ký, chính sách trả góp… để người dân có thể dần dần thay thế loại phương tiện kém chất lượng hiện nay.

- Phối hợp với các hãng sản xuất, lắp ráp xe máy hỗ trợ đào tạo ATGT, kỹ năng điều khiển cho khách hàng.

2.4. Giải pháp đối với người điều khiển phương tiện

- Tăng cường các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp GPLX tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tiến hành rà soát và chỉnh sửa một số quy định trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX (Thông tư 01/VBHN-BGTVT ngày 02/02/2015 đã quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ) cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp như sau:

+ Giáo trình hiện nay theo hướng trực quan và làm mẫu, một số nội dung được lược bỏ và do UBND tỉnh cấp, do vậy không thống nhất còn nhiều bất cập. Do đó, điều chỉnh theo hướng Tổng Cục ĐBVN soạn thảo và ban hành giáo trình và áp dụng đồng loạt trên toàn quốc.

+ Việc tiến hành sát hạch về lý thuyết khó khăn do đồng bào không quen sử dụng máy tính hay không biết chữ để thi. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất theo hướng tinh giảm bớt nội dung và hình thức sát hạch phù hợp.

+ Xem xét nghiên cứu tinh giảm, công tác sát hạch lưu động và có thể sử dụng sân vận động, khu vực đất trống … làm sa hình thi thực hành.

2.5. Giải pháp về công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT khu vực nông thôn

Thứ nhất, tuyên truyền trong trường họcđịnh hướng rộng về chương trình giáo dục gồm nội dung giáo dục pháp luật về giao thông, ATGT phù hợp với các cấp học vùng miền trên cả nước; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; xây dựng các bài giảng phù hợp với tình hình giao thông địa phương. Đối với vùng sâu, vùng xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên các chương trình, dự án ATGT tại khu vực này.

Thứ hai, việc tuyên truyền tại cộng đồng khu dân cư: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT nông thôn tại các lễ hội truyền thống, các phiên họp chợ bằng các hình ảnh trực quan; tuyên truyền về ATGT qua các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét điều chỉnh giờ phát hình tiếng dân tộc chương trình ATGT hiện nay (22h30); xây dựng tài liệu tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số bằng tiếng dân tộc, có hình ảnh minh họa rõ ràng, dễ hiểu; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về ATGT tại các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cơ sở, vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống; phát huy vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo, trưởng bản trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục về ATGT.

Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến về hành vi văn hóa giao thông; thông tin các trường hợp vi phạm luật giao thông và phát trên hệ thống loa đài của xã, phường.

2.6. Giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Thứ nhất, thành lập các đội tuần tra, xử phạt chéo trong huyện: Tăng cường vai trò của lực lượng công an xã trong việc tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Cảng sát giao thông huyện ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn tham gia trên các tuyến đường liên xã, đường xã cùng với lực lượng công an xã. Để tránh tình trạng quen biết, hàng xóm, cùng dòng họ, công an huyện nên tiến hành thành lập các đội với sự tham gia của công an xã và tiến hành kiểm tra chéo, công an xã này sang xã khác xử phạt.

Thứ hai, công khai tên tuổi người vi phạm TTATGT: Từ bài học thành công của Thái Bình, để hạn chế TNGT, tỉnh đã thường xuyên phát thông tin cảnh báo, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã và công bố danh sách, nêu đích danh tên tuổi những người vi phạm luật giao thông tại địa phương, đồng thời gửi danh sách về cho xã, phường, thị trấn qua hộp thư điện tử của mỗi đơn vị để giáo dục tại cộng đồng.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, kiểm soát: Các địa phương huy động lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng thanh niên, tổ tự quản ATGT tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT; thường xuyên tuần tra kiểm soát các điểm thường xảy ra tai nạn ở các tuyến đường GTNT và lập danh sách những đối tượng thanh niên thường xuyên lạng lách, đánh võng để giáo dục, ngăn ngừa tai nạn xảy ra.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng cảnh sát giao thông của công an huyện tăng cường TTKS xử lý vi phạm ở các tuyến đường GTNT thường xảy ra tai nạn; duy trì tập huấn công tác đảm bảo TTATGT cho lực lượng công an xã, đồng thời phân công mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông huyện phụ trách 1 xã, thị trấn để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ công an xã tham gia giữ gìn TTATGT.

Xem xét tăng cường chế độ chính sách bồi dưỡng cho lực lượng công an xã, cảnh sát giao thông khi tham gia tuần tra, xử lý vi phạm (kiến nghị chi phí như đối với dân quân, quân dự bị tham gia diễn tập); thành lập Đội “Tự quản về ATGT” thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền và vận động người dân chấp hành tốt pháp luật về TTATGT.

2.7. Giải pháp về công tác sơ cấp cứu sau tai nạn

Tăng cường hệ thống y tế hiện tại từ cấp huyện xuống cấp xã. Nâng cao năng lực về sơ cấp cứu cho các bệnh viện huyện và các trạm y tế xã.

Xây dựng các đội mô tô cấp cứu, xe lam cấp cứu ứng trực trên các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tai nạn. Phát tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu TNGT cho người dân; tổ chức tập huấn, diễn tập về cấp cứu TNGT, đặc biệt các tai nạn nghiêm trọng có nhiều nạn nhân; tiếp tục trang bị thêm các dụng cụ, trang thiết bị cấp cứu cho toàn hệ thống cấp cứu và cho cấp cứu trước bệnh viện; có các chương trình giáo dục cộng đồng để người dân phối hợp với lực lượng cấp cứu tại hiện trường; xây dựng thí điểm một trung tâm điều phối thông tin cấp cứu tại một địa phương, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng toàn quốc.

2.8. Các giải pháp về nguồn nhân lực

Hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, nhất là khu vực nông thôn còn mỏng, nên những vi phạm về trật tự ATGT diễn ra hàng ngày, hàng giờ, song hầu như không bị xử lý, những hành vi vi phạm Luật Giao thông ở các tuyến đường liên thôn, liên xã lại dễ được bỏ qua vì cùng làng, cùng xã. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT thông diễn ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi tuyến đường. Các hành vi thường vi phạm như san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ở, mở quán bán hàng,  mở đường nhánh, trồng cây xanh… gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT, vì vậy việc đảm bảo trật tự ATGT cần được thực hiện đồng bộ các giải pháp như chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị - xã hội về lâu dài cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT tới người dân ở vùng nông thôn, đồng thời, công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm phải được thực hiện ở mọi tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến đường liên thôn, liên xóm nhằm kiểm soát có hiệu quả TTATGT.

Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã, thị trấn; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống GTNT bảo đảm an toàn, đồng thời huy động các lực lượng bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn; đào tạo, tập huấn về công tác bảo đảm TTATGT nông thôn cho các lực lượng chức năng từ cấp huyện xuống cấp xã, thôn bản, bao gồm: Các cán bộ phụ trách phát triển KCHT, cảnh sát giao thông, công an xã, dân phòng, Đoàn TNCSHCM, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
Xây dựng mạng lưới cơ sở, đặc biệt phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGTNT.

2.9. Các giải pháp về nguồn vốn

Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; từ các dự án, chương trình đầu tư phát triển xây dựng nông thôn; đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội bằng tiền, vật tư, lao động... để đầu tư phát triển GTNT. Nguồn vốn huy động đầu tư phát triển GTNT chủ yếu tập trung vào các nguồn sau:

- Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (bao gồm cả nguồn vốn vay của các tổ chức nước ngoài);

- Nguồn vốn từ ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện và xã);

- Nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất;

- Nguồn đóng góp của nhân dân;

- Các nguồn khác (đóng góp hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn từ các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo...).

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm ATGT đang diễn ra tại các khu vực nông thôn trên cả nước, các cấp, các ngành, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế TNGT đến mức thấp nhất. Các giải pháp nêu ra trên đây nếu được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt sẽ phần nào hạn chế sự gia tăng TNGT  nói chung và TNGT khu vực nông thôn nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATGT trên cả nước.
Theo Tạp chí giao thông
 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập510
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại868,431
  • Tổng lượt truy cập92,042,160
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây