Đến nay hàng nông sản Việt Nam chất lượng vẫn không đồng nhất, chưa xây dựng được thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp. Vì vậy, muốn tồn tại và góp mặt trong sân chơi chung đòi hỏi phải cấp thiết đổi mới toàn diện nền nông nghiệp nước nhà.
Thực tế dù nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được xếp hạng hàng đầu thế giới về lượng, như gạo, cà phê, hạt điều, cao su, hồ tiêu, cá tra… nhưng giá xuất khẩu của ta luôn thấp hơn các nước vài bậc và bị nước ngoài thao túng giá cả, điều tiết thị trường. Đây là một nghịch lý tồn tại dai dẳng, gây bức xúc xã hội, nông dân càng làm càng cảm thấy… bất an và nghèo thêm! Nhiều năm qua nông dân và doanh nghiệp các ngành hàng nông nghiệp phải bán rẻ nông phẩm, ngày càng bán rẻ hơn, thậm chí không tiêu thụ được sản phẩm như gạo, cá tra, rau củ, thanh long, dưa hấu, hành tỏi…
Đây là hệ quả tất yếu của việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả và không mang tính bền vững. Nông dân sản xuất đến mùa vụ thì phó mặc cho may rủi giá cả thị trường; doanh nghiệp xuất khẩu thì nặng về “đánh quả” với các thương vụ riêng lẻ, chưa thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định, căn cơ, thậm chí lệ thuộc vào một vài thị trường truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đến nay, phần lớn doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản vẫn chưa liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng; chưa xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản như những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để kinh doanh phân phối, điều tiết thị trường một cách chuyên nghiệp.
Tự do hóa thương mại đang diễn ra với tốc độ ngày càng tăng, đòi hỏi các quốc gia phải có cách làm mới thích ứng. Chuỗi giá trị toàn cầu là một thuật ngữ kinh tế mới xuất hiện với tần suất ngày càng cao, chỉ ra dây chuyền sản xuất - kinh doanh mới, trong đó bao gồm các chủ thể của nhiều khâu tham gia, để đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Đó là hình thành mối liên kết từ cung ứng đầu vào (người sản xuất) đến khâu lưu thông (thương lái, nậu vựa), chế biến (nhà máy, doanh nghiệp) và phân phối sản phẩm (bán buôn, bán lẻ).
Có thiết kế và hình thành được thành chuỗi giá trị, mới giải quyết được những vấn đề cốt tử: Sản xuất cái gì, vào thời điểm nào, bán cho ai và giá cả ra sao; mới có thể thực hiện “sản xuất và bán cái thị trường cần, không phải bán cái chúng ta có”. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thành công cũng chính là việc thực hiện chủ trương hội nhập thành công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống nông dân.
Muốn làm được điều này cần gấp rút tái cấu trúc chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các mặt hàng nông sản với năng suất và chất lượng cao; điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo vùng nguyên liệu lớn với các vùng chuyên canh. Vì chỉ có sản xuất lớn mới có điều kiện cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ công nghệ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, mới có năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia Trương Đình Tuyển, người đàm phán nhiều hiệp định kinh tế chiến lược, cho rằng khi hội nhập TPP, nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt rất nhiều thách thức. Ta cố gắng bảo hộ ngành nông nghiệp, nhưng theo ông, nên bảo hộ những ngành có tiềm năng phát triển và mục tiêu là để có thời gian chuyển đổi sản xuất, chứ không phải để kéo dài sự dựa dẫm vào cơ chế, vì nó không tạo được sức ép thúc đẩy phát triển.
Ông Tuyển cho rằng trước ngưỡng hội nhập, nên từ bỏ lối sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà thay bằng cụm từ “ngành công nghiệp sản xuất lương thực - thực phẩm”. Muốn vậy, phải lao động bằng trí tuệ, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Ngành nông nghiệp nếu chỉ sản xuất nguyên liệu thô cung ứng “đầu vào” cho các ngành khác hoặc xuất khẩu thô thì đời sống nông dân vẫn luôn trong tình cảnh bấp bênh.
Sản xuất theo chuỗi giá trị còn có ý nghĩa kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, thích ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định nghiêm ngặt về môi trường… của nhà nhập khẩu toàn cầu. Các chuyên gia đã chỉ ra: Cho dù thuế suất về bằng 0, nếu doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này, thì các nước cũng không đồng ý tiếp nhận nông sản Việt.
Một con số báo động, làm nhiều người lo ngại: Từ đầu năm đến nay đã có 32.000 tấn sản phẩm thủy sản của 110 công ty Việt Nam bị 38 quốc gia trả về do nhiễm chất cấm. Hệ quả, trong số 600 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp trên cả nước với dây chuyền công nghệ hiện đại, hiện nay số nhà máy hoạt động hết công suất chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việt Nam được cảnh báo đang mất dần thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới…
Để tiếp sức cạnh tranh ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vai trò Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cần phải làm gì; định vị phương thức hoạt động, mô hình chuỗi giá trị cần triển khai thời gian tới ra sao; giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiến tới tham gia chuỗi giá trị bền vững… là những nội dung chính sẽ được bàn luận tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Báo SGGP và Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre tổ chức, diễn ra hôm nay 1-12-2015, tại thành phố Bến Tre.
Hy vọng hội thảo sẽ đúc kết những kinh nghiệm tốt để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao.
Theo saigondautu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;