Tại Hội thảo tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Việt Nam đã vươn lên thành nước có sức sản xuất nông nghiệp không chỉ cung ứng lương thực thực phẩm cho 92 triệu dân mà còn xuất khẩu, với kim ngạch những năm gần đây trên 30 tỷ đô, có 10 ngành hàng trên 1 tỷ đô xếp thứ hạng cao của thế giới.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, vẫn dựa trên sản xuất hộ nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế không cao, chuỗi giá trị thấp, thị trường bấp bênh.
Dù đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này rất hạn chế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực từ tháng 2/2014 nhưng sau 4 năm, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong năm 2015, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019 doanh nghiệp, cao hơn 11,3% so với doanh nghiệp thành lập mới.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp nhìn chung còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác, thiếu thông tin về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế.
Có đến 75% doanh nghiệp đang sử dụng những công nghệ máy móc thiết bị đã hết khấu hao.
Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ.
Bên cạnh đó, rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được những chính sách hỗ trợ của nghị định này. Theo tính toán, mới chỉ có khoảng gần 300 tỉ đồng ngân sách từ Trung ương cam kết giải ngân theo nghị định, còn ngân sách địa phương thì rất thấp do không có nguồn vốn để bố trí dù dự án đã được phê duyệt.
Nghị định 210 đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng doanh nghiệp nhưng điều kiện được thụ hưởng chính sách khó khả thi, nhiều tiêu chí có định mức quá cao khiến doanh nghiệp không tiếp cận được như về quy mô, công suất, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương…
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn hiện hành” khiến các doanh nghiệp nản lòng.
Theo điều tra của Tổng hội Nông nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện 16 bước với 40 văn bản liên quan mới nhận được hỗ trợ từ Nghị định 210 như xin giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, khảo nghiệm, nhập khẩu thiết bị công nghệ cao…
Ông Ngọc đề xuất, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì phải có chính sách về đất đai. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tạo đất sạch cho nông nghiệp, liên kết nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; Giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.
Theo ông Dương Văn Chín, đại diện Tập đoàn Lộc Trời, muốn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp cần cải cách chính sách ruộng đất, phân công cấp tỉnh lập ra cơ quan môi giới đất nông nghiệp để xúc tiến chuyển nhượng, mua bán đất đai ở nông thôn như đã được thực hiện tại Nhật Bản.
Còn ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc PanGroup cho rằng, nghị định mới cần tạo môi trường kinh doanh bình đằng, xóa bỏ cơ chế xin cho, thay mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các địa phương nhằm sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP có hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Diệu Thùy/infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;