Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự và trực tiếp chủ trì diễn đàn. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố miền trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận; đại diện các bộ, ngành T.Ư; các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế và hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trên cả nước. Diễn đàn Kinh tế miền trung năm 2017 (lần thứ hai) có chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền trung bền vững”, bao gồm ba chuyên đề chính: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng duyên hải miền trung (DHMT); Giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng DHMT bền vững; Phát triển kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế miền trung bền vững. Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao sáng kiến của các bên trong việc tổ chức diễn đàn, thành lập Ban điều phối vùng DHMT và bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc liên kết, cùng phát triển. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các vùng, các địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết vùng hiệu quả, bền vững. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tập trung phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng và giữa các vùng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu tham dự diễn đàn cần thay đổi tư duy, nhận thức, đánh giá về tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức của miền trung trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng năng suất lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng. Vùng DHMT nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam và quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào, kết nối Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Đây cũng là địa bàn mạnh nhất kinh tế biển, đóng vai trò mặt tiền của kinh tế. “Giàu tiềm năng, nhiều lợi thế, nhưng tốc độ phát triển lại chậm hơn các vùng khác, vì vậy cần phân tích, chỉ rõ những rào cản, đề ra các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy kinh tế miền trung phát triển nhanh hơn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Theo GS Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đã có nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức, bàn thảo và tìm giải pháp cho kinh tế miền trung, nhưng vẫn chưa hóa giải được những xung đột lợi ích cục bộ, vẫn mạnh tỉnh nào tỉnh đó khai thác tiềm năng, thế mạnh; liên kết vùng chưa thực sự hiệu quả. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng: Về cơ bản, miền trung là vùng phát triển chậm hơn cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp, trình độ cơ bản chưa được cải thiện một cách đáng kể, tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả. TS Trần Đình Thiên: Miền trung mạnh nhất là “mạnh ai nấy làm” nên chậm phát triển. TS Trần Đình Thiên cũng khiến cả hội trường cười ồ khi khẳng định: “Miền trung nhiều thế mạnh, nhưng mạnh nhất vẫn là mạnh ai nấy làm”. Kiểu của miền trung lâu nay là tiềm năng lợi thế giống nhau, triển khai theo kiểu dàn hàng ngang trong khi nguồn lực nội tại lẫn thu hút từ bên ngoài đều có hạn, dẫn đến xung đột lợi ích nhiều hơn là liên kết, ông phân tích thêm. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đưa ra ba câu hỏi để đại biểu dự diễn dàn đánh giá và nhận định. Về chiến lược kinh tế biển, đa số đại biểu cho rằng, du lịch sẽ là ngành kinh tế tạo đột phá cho vùng DHMT; Gần 80% đại biểu cho rằng, sự liên kết vùng hiện nay rất kém hoặc gần như chưa có liên kết; Rào cản lớn nhất đối với sự liên kết vùng hiện nay, các đại biểu cho rằng trước hết là thiếu hệ thống động lực chung, xung đột lợi ích địa phương và thiếu sự quan tâm sát sao chỉ đạo của T.Ư. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Rào cản lớn nhất là thiếu hệ thống động lực chung để phát triển. Đánh giá về liên kết vùng giữa các tỉnh DHMT, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thẳng thắn bày tỏ: "Một trong những nguyên nhân hạn chế liên kết vùng là do tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng tương đối giống nhau, đều có biển, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu công nghiệp… Phần lớn các địa phương đều có xu hướng phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh hiện có của mình. Vì vậy, cơ cấu ngành, sản phẩm của các địa phương trong vùng khá trùng lắp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ". Nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu đã thẳng thắn phân tích những hạn chế, yếu kém, thậm chí là không phù hợp trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư, lựa chọn các phương thức liên kết, hợp tác, phát triển… điều đó khiến kinh tế miền trung phát triển chậm hơn các vùng khác. Trên cơ sở phân tích tính phù hợp, hiệu quả và tác động của các chính sách hiện hành đối với khu vực kinh tế miền trung, nhiều đại biểu đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cao, góp phần thúc đẩy, tạo đột phá phát triển kinh tế miền trung trong những năm tới. Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thống nhất đề nghị tổ chức diễn đàn hai năm một lần, giải đáp, hồi âm nhiều kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn, đồng thời ghi nhận, tiếp thu và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề được nêu tại diễn đàn. Cảng biển Đà Nẵng, một đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy kinh tế miền trung những năm gần đây.
|
THANH TÙNG/nhandan.com |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;