Học tập đạo đức HCM

Đổi thay ở Yang Nam từ phong trào xây dựng nông thôn

Thứ hai - 22/05/2017 21:36
Một thời Yang Nam được nhiều người nhắc đến với cái tên “gian nan” không ngoa chút nào, bởi nơi đây nặng nề lệ tục dẫn đến cái nghèo quanh năm đeo bám...

Giờ Yang Nam đã có những bứt phá và cũng là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Kông Chro (Gia Lai). Sự nỗ lực từ chính quyền đến lòng dân là câu chuyện đáng suy ngẫm.  

Cái nghèo đeo bám

Những ngày tháng 5 chúng tôi về thăm lại Kông Chro, đã có một vài cơn mưa bất chợt nhưng khí hậu ở đây vẫn nóng như đổ lửa, tuy “chính vụ” nóng còn phải chờ đôi tháng nữa. Từ thị trấn Kông Chro về xã Yang Nam trên cung đường hơn 10km, đã được bê tông hóa phẳng lỳ, xe chạy bon bon.

21-38-15_duong-vo-x-yng-nm-hom-ny
Đường vào xã Yang Nam hôm nay

Gần tới trung tâm xã Yang Nam, cái nóng càng hầm hập táp vào mặt như thiêu, như đốt và không có một chút gió thổi trên ngọn cây. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng với tôi tỏ ra thán phục vì đã gần 12 giờ trưa mà người dân vẫn còn trên lưng chừng đồi chặt mía, thu hoạch bí đỏ. Nhưng không nỗ lực sao được ở nơi vùng đất nhiều nóng ít mưa, nơi có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất phía đông của tỉnh.

Thiên nhiên không ưu đãi và một thời cây lúa rẫy là nguồn thu nhập chính với nhiều hộ dân nên cái đói giáp hạt cứ triền miên đeo bám khó tránh. Đã vậy, là xã với trên 80% dân số người dân tộc thiểu số nhưng Yang Nam còn nặng nề lệ tục uống rượu bất kể giờ giấc, bất kể đêm ngày, là nỗi ám ảnh một thời. Đó là chưa kể đường xá khó khăn, nông sản làm ra phập phù theo vụ mùa…

Anh Đinh Văn Đêi, Chủ tịch UBND xã Yang Nam, được xem là cán bộ trẻ của xã Yang Nam và cũng là một gương sản xuất giỏi. “Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” với thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi vụ thu hoạch từ bí đỏ, cây mía ngay chính trên mảnh đất mình công tác, anh vẫn không khỏi trăn trở: “Toàn xã có 966 hộ/5.428 khẩu, trong đó 84% dân tộc Bahnar và Jrai. Chỉ hai năm trước thôi, hầu hết đồng bào chưa biết trồng mía, bí đỏ mà chủ yếu trồng lúa và mì. Nhiều hộ gia đình thiếu ăn 4- 6 tháng trong năm. Còn đàn ông, thanh niên trong làng lại “mê” uống rượu hơn thích lao động”.

Anh Đêi kể: "Buồn cũng uống, vui cũng uống, từ việc bé hay việc lớn, lễ hội to hay nhỏ đều phải có rượu mới vui. Một số thanh niên trai trẻ uống rượu li bì bỏ công việc đồng áng cho phụ nữ, thậm chí lén vợ xúc gạo đi bán để có tiền đong rượu nên cái nghèo không đeo bám mới là chuyện lạ".

Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Nam Đinh Văn Đa cho biết, nhiều gia đình rất nặng nề hủ tục ma chay, cúng ốm. Ngoài việc đưa người thân đến cơ sở y tế điều trị khi ốm đau, gia đình còn phải làm con gà, con heo, cúng vài ché rượu... mới “trừ con ma” được! Kinh tế suy kiệt và cái vòng lẩn quẩn nghèo khó cứ đeo bám đồng bào.

Chồng chị Đinh Thị Chueng (làng Hlang 2), cũng vì nghiện rượu mà lười lao động nên có hạt gạo cũng lén vợ đem bán lấy tiền mua rượu. 

21-38-15_nh-chi-chueng-o-lng-hlng-2-x-yng-nm
Nhà chị Đinh Thị Chueng

Chồng chị Chueng chết vì rượu vào năm 2015 để lại cho chị 7 miệng ăn. Cũng vì nghiện rượu và lười biếng lao động mà chị Đinh Thị Lênh (làng Yma) chia tay 2 đời chồng để một nách nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học.  

Vượt lên chính mình

Trước việc trên địa bàn xã Yang Nam vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết trồng cây mía, bí đỏ và một số cây đậu tương có giá trị kinh tế, lãnh đạo xã, huyện phải thường xuyên cắt cử cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn cho bà con cách thức chuyển đổi cây trồng, cách chọn giống, bón phân...

Chủ tịch UBND xã Yang Nam Đinh Văn Đêi: Yang Nam là một xã khó khăn, tuy nhiên để hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, những năm qua chính quyền đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, đổi mới cách làm trong phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay xã Nam Yang đã đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Thông qua các chương trình 134, 135, 167, Chương trình vay vốn ưu đãi, Chương trình xây dựng NTM hoặc các chương trình, dự án mà Phòng NN- PTNT huyện Kông Chro phụ trách..., cán bộ về “cầm tay chỉ việc” hoặc hướng dẫn bà con theo kiểu “mắt thấy, tay làm”. Nhờ đó, nhiều hộ có đất lúa rẫy sản xuất không hiệu quả chuyển sang trồng bí đỏ, đậu tương. Gia đình nào có diện tích lớn thì chuyển sang trồng mía.

“Đến nay toàn xã có 24 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt danh hiệu sản xuất giỏi; 8 hộ trong năm 2016 có thu nhập từ 350-400 triệu đồng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Nam Đinh Văn Đa chia sẻ đầy tự hào. Ông Đa còn kể vanh vách các hộ có thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm như Ksor Naih (làng Pung), Đinh Klok (làng Rơng)…; nhiều hộ gia đình bắt đầu trồng mía đem lại hiệu quả kinh tế cao như:Đinh Plêch (làng Rơng), Đinh Pế (làng Glang)…

Nhờ Chương trình xây dựng NTM, nhiều hộ gia đình cùng đồng lòng chung sức tham gia hiến đất để xây đẹp đường làng, ngõ xóm, dựng trường học cho con em mình, như 4 hộ ở làng Rơng gồm Đinh Aluch, Đinh Thị Byơnh, Đinh Bdet, Đinh Alưm hiến trên 21.704,26 m2 đất xây trường tiểu học Nguyễn Nhạc và Trường THCS Trần Quang Diệu; gia đình Đinh Thị Lơi và Đinh Thị Pyênh hiến 1.500 m2 đất xây trạm y tế xã. Ngoài ra, còn có 65 hộ khác hiến đất xây dựng đường giao thông tại các làng; 25 hộ hiến đất làm các sân thể thao ... 

21-38-15_x-yng-nm-hom-ny
Một góc xã Yang Nam hômxnay

“Những tưởng chuyện thay đổi nếp nghĩ diễn ra một sớm, một chiều mà là cả quá trình vận động, giải thích và phải hiểu dân, gần dân, chia sẻ nỗi vất vả với dân thì bà con mới thông”- ông Đinh Văn Đa nói. Còn ông Đinh Aluch chia sẻ thêm: “Lúc đầu khi tôi gợi ý hiến đất xây trường, vợ tôi phản đối vì gia đình không khá giả gì và cũng cần đất để sản xuất. Tôi đã động viên dần dần: Có trường để các cháu trong làng mình được đi học gần và không còn chuyện bỏ học. Hơn nữa, lũ trẻ có cái chữ sau này xóa cái đói, giảm cái nghèo. Ấy thế, vợ tôi mới đồng ý!”.

Có thể thấy, từ một vùng căn cứ cách mạng, nhiều năm sau giải phóng vẫn còn những khó khăn và nặng nề luật tục nhưng với sự năng động, sáng tạo của cán bộ cơ sở, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đời sống người dân ở Yang Nam đã có chuyển biến tích cực. Chia tay Yang Nam trong cái nắm tay thật chặt của Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Đêi, chúng tôi tin ở tương lai.


Tác giả bài viết: LÊ VĂN NHUNG

Nguồn tin: nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập218
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm215
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại979,306
  • Tổng lượt truy cập92,153,035
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây