Theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, thời gian qua hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt Nam trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chế biến lúa gạo, trái cây và thủy hải sản lớn của cả nước có quan hệ thương mại với thị phần Trung Quốc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên nhân, do thiếu thể chế kiểm soát phù hợp trước nhu cầu thương mại gia tăng nhanh; thông tin thị trường của hai bên còn rất thiếu, không đủ để doanh nghiệp tránh được rủi ro trong kinh doanh.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết Việt Nam nhập khẩu và xuất khẩu, nhập siêu ở thị trường Trung Quốc rất lớn so với các nước. Đối với ĐBSCL, hàng năm lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 37%, tôm từ 11-15%.
Thông tin thị trường của Việt Nam và Trung Quốc còn rất thiếu, không đủ để doanh nghiệp tránh được rủi ro trong kinh doanh.
Đặc biệt, đối với cá tra, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam. Như vậy 4 sản phẩm chính của Việt Nam là lúa gạo, trái cây, cá và tôm hiện nay đều liên quan mật thiết với thị trường Trung Quốc.
Có một thực tế là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc không mua, lập tức các mặt hàng này dư thừa, ứ đọng.
Phân tích thêm về nguyên nhân này, ông Võ Hùng Dũng cho rằng, Việt Nam quá thiếu hụt thông tin về thị trường Trung Quốc như thời vụ sản xuất, khả năng cung cấp ra thị trường...
“Chẳng hạn như đối với mặt hàng thịt lợn, nếu như chúng ta có nhiều thông tin hơn giá heo đã không rớt thê thảm. Các Hiệp hội cũng như VCCI sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nghiên cứu, phối hợp với các quan của Trung ương để có khả năng nắm bắt qua hoạt động của các doanh nhân để có thêm thông tin về thị trường này”, ông Dũng cho biết.
Để khai thác thị trường Trung Quốc một cách hiệu quả và bền vững, tránh những rủi ro trong giao dịch thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về luật pháp quốc tế, tìm hiểu văn hóa của đối tác. Đặc biệt, khi xuất khẩu hàng hóa cần thông tin rõ về chất lượng, cần đề nghị một đơn vị trung gian kiểm soát, đánh giá chất lượng hàng hóa; hình thức thanh toán phải theo thông lệ quốc tế.
Ông Lại Quốc Chiến, Giám đốc chi nhánh Chế biến và Xuất khẩu lương thực Đồng Tháp cho rằng, khi đã tìm nguồn tiêu thụ, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa cho đối tác. Kinh nghiệm trong làm ăn với Trung Quốc là hai bên sòng phẳng, khách hàng yêu cầu gì mình phải cung cấp thông tin để tránh sự tranh chấp về sau.
“Đối với phương thức thanh toán phải áp dụng đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên; chắc chắn nhất là phương thức thanh toán LC. Nếu đối tác không mở LC thì mình yêu cầu đặt cọc 20%, để trường hợp xấu, hàng của mình xuất sang họ không lấy vẫn có 20% giá trị để đưa hàng về”, ông Chiến cho hay.
Nhận định về tình hình thương mại và đầu tư của Trung Quốc trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho biết, tình trạng cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đối với thế giới đang từng bước cải thiện. Đối với thị trường Trung Quốc cần có bộ phận nghiên cứu thị trường, nhằm nắm bắt những đặc tính, yêu cầu tiêu dùng của thị trường để khai thác có hiệu quả, có lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó hàng nông thủy, hải sản, du lịch là quan trọng nhất.
“Nhà nước cần ủng hộ và dành những chính sách ưu tiên cho các Hiệp hội đầu tư và nghiên cứu thông tin, từ đó cung cấp thông tin đại trà cho các doanh nghiệp. Khi nắm bắt được thông tin, doanh nghiệp mới có cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm”, ông Dưỡng cho biết.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, có hai tiêu chí để doanh nghiệp kinh doanh cần hướng đến, đó là lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Để làm được điều này các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn.
Để kinh doanh có hiệu quả với thị trường Trung Quốc ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng trong kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Phải có chủ trương, chính sách rõ ràng từ Nhà nước hai phía, để doanh nghiệp đôi bên hợp tác kinh doanh yên tâm, tránh rủi ro.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu nhiều thông tin về thị trường Trung Quốc.(Ảnh minh họa: KT)
Cụ thể là doanh nghiệp và tổ chức của hiệp hội ngành hàng xây dựng ngay kế hoạch tìm hiểu, xâm nhập thị trường Trung Quốc. Kết hợp với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng mạng lưới cung ứng hàng đến nơi tiêu thụ. Xây dựng đầu mối giao dịch ngay các cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistic tổng hợp nhằm giảm chi phí và rủi ro trong kinh doanh.
Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng văn phòng đại diện hiệp hội thương mại của Việt Nam tại các thị trường, nhằm nắm bắt tín hiệu thị trường một các hữu hiệu nhất./.
Nguyễn Trãi
Theo Vov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;