Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hội thảo không chỉ là cơ hội cho các hộ nông dân trên địa bàn được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về những vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, mà còn mang đến cho bà con nhiều thông tin bổ ích nhất, mới nhất về những tiến bộ kỹ thuật, các chính sách của thành phố và địa phương trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Làm thế nào để đăng ký nhãn hiệu nông sản?
Các chuyên gia nhiệt tình giải đáp câu hỏi cho bà con tại buổi hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiền
Hội Nông dân nên đứng ra là chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản tập thể. Theo đó, để đăng ký nhãn hiệu tập thể, cần làm đơn đăng ký nhãn hiệu rồi trình lên Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội – 2 cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề này. Bà con cũng nên lưu ý là nên lấy tên sản phẩm làm tem nhãn”. PGS-TS Đặng Văn Đông
|
Tới tham dự hội thảo, không chỉ có các đại biểu nông dân trong toàn huyện, cán bộ Sở NNPTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển cây trồng… mà còn thu hút sự đóng góp của một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có trụ sở đóng tại địa bàn. Ban cố vấn của chương trình là những chuyên gia uy tín hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, trong năm 2015, trung bình mỗi ha hoa, cây cảnh, nông dân Thủ đô thu về tới 260 triệu đồng. Trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành các vùng chuyên canh hoa – cây cảnh có trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cao (như Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ…), với thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, một số diện tích hoa hồng chất lượng cao đạt doanh thu đến 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm; hoa lily, lan và cây cảnh chất lượng cao với quy mô nhỏ từ 500 - 2.000m2 cũng có thể cho thu nhập từ 120 - 500 triệu/mô hình/năm. Tuy nhiên, ngành hoa và cây cảnh Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như chưa tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao; thiếu quy hoạch, sản xuất nhỏ lẻ và manh mún; chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất...
Trước những thách thức đó, nông dân Nguyễn Huy Chinh ở thôn Vàng 1, xã Cổ Bi hỏi: “Hiện, nông dân thôn Vàng 1 chúng tôi đang trồng 10ha cam, chanh với chất lượng tốt nên chúng tôi rất muốn xây dựng nhãn hiệu nông sản. Vậy xin cho hỏi cơ quan nào có thể giúp và Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế nào về việc này?”. Giải đáp thắc mắc của anh Chinh, PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trong nước còn rất hạn chế.
“Các loại nông sản đặc sản ở nước ta rất phong phú và thường gắn với địa danh. Do đó, việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực như hạn chế rủi ro về biến động giá, thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập…” – ông Đông chia sẻ.
“Về việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, thành phố cũng như Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều. Cụ thể như hỗ trợ các lớp dạy nghề, đào tạo, tập huấn; hướng dẫn các thủ tục đăng ký và hỗ trợ một phần kinh phí sau khi sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền; tổ chức cho các tổ chức hội tham gia hội chợ thương mại, giải thưởng chất lượng hàng năm... Tuy nhiên, xây dựng nhãn hiệu xong không có nghĩa đã thành công, mà phải duy trì nhãn hiệu để phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu” – ông Đông nhấn mạnh.
Gỡ khó cho đầu ra sản phẩm
Tại hội thảo, rất nhiều nông dân đặt câu hỏi về vấn đề đầu ra, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Anh Nguyễn Quang Huy (ở xã Đông Dư) băn khoăn: “Điều chúng tôi quan tâm nhất là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Xin hỏi chúng tôi phải làm gì?”.
Trả lời câu hỏi của anh Huy, ông Trần Xuân Liệu – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm nói: Nơi tiêu thụ nông sản ổn định vẫn đang là bài toán khó. Trong đó, có nguyên nhân là do bà con nông dân còn ngại đầu tư, ít ai dám bỏ ra tiền tỷ để đầu tư trang thiết bị hiện đại cho khâu sản xuất nông sản.
Tuy nhiên, cũng theo ông Liệu, mấu chốt của vấn đề là chưa hình thành được các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các hợp tác xã kiểu mới thực sự hiệu quả. “Định hướng của huyện là xây dựng chính sách về mô hình vùng sản xuất chuyên canh, đăng ký nhãn dán, thương hiệu để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, việc ban hành Quyết định 06 về một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp cũng rất có lợi cho bà con, theo đó bà con sẽ được hỗ trợ đầu tư hạ tầng, được hỗ trợ giếng khoan để phục vụ tưới tiêu… Mức hỗ trợ chi phí không quá 60 triệu đồng/lượt” – ông Liệu nói.
Kết thúc buổi hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao những kiến thức thu nhận được và mong muốn được tham gia nhiều chương trình "Nhịp cầu nhà nông" hơn nữa để được các chuyên gia tư vấn, giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ sản xuất, từ đó xác định rõ phương pháp để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;