Học tập đạo đức HCM

Phát triển nông nghiệp sạch theo hướng tăng chất lượng sản phẩm

Thứ ba - 27/09/2016 05:08
Trong bối cảnh thực phẩm chứa các hóa chất có hại đang tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang và cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng thì việc người nông dân sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn, “sạch” đang là hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp trong tương lai. Cùng chung xu thế đó, nhiều mô hình của hội viên Hội Nông dân thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đang phát triển theo hướng lấy uy tín, chất lượng sản phẩm và niềm tin, sức khỏe của người tiêu dùng làm ưu tiên hàng đầu.
*Trồng rau sạch cho thu nhập hàng trăm triệu đồng 

Là một người lính rời quân ngũ trở về địa phương, năm 2003 khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang mục đích sử dụng khác, ông Phạm Văn Quắc, thôn Yên Phong, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình nhận thấy đây là cơ hội cho bà con nông dân thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương. Chính vì vậy, ông Quắc đã vận động nhiều hộ gia đình trên địa bàn đầu tư phát triển kinh tế. Nhận thấy đất đai và khí hậu ở địa phương thích hợp cho trồng rau, ông Quắc mạnh dạn đề nghị với UBND xã cho đấu thầu 1 ha đất để xây dựng mô hình trồng rau sạch quy mô tập trung kết hợp đào ao thả cá. 
Với số vốn ít ỏi ban đầu, ông Quắc tập trung vào việc cải tạo đất nhằm tăng chất lượng đất, đảm bảo cho hiệu quả việc trồng trọt các loại rau củ như cải bắp, xu hào, xúp lơ, khoai… Sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm từ mô hình của gia đình ông được người tiêu dùng đón nhận do đảm bảo các yêu cầu về chất lượng như sạch sẽ và tươi ngon. Có được nguồn vốn từ trồng rau sạch, ông mạnh dạn tiếp tục đầu tư ao thả cá để tận dụng những phụ phẩm từ trồng trọt. Hiện nay, ông Quắc đã có 1 mô hình trồng rau sạch quy mô tập trung trên diện tích 1 ha, mỗi năm thu hoạch 2 vụ rau, củ và 1 vụ cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Là một trong những hội viên đi đầu ở xã Yên Sơn trong việc ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn do Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai, ông Quắc luôn ý thức được tầm quan trọng của việc sản xuất, kinh doanh “sạch” các sản phẩm nông nghiệp. Mô hình trồng rau sạch quy mô tập trung của gia đình ông hàng năm luôn được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và công nhận an toàn. Đây là một mô hình được Hội Nông dân xã lựa chọn làm điểm để nhân rộng trong hội viên. Thấy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn của gia đình ông, nhiều hội viên Hội Nông dân trong và ngoài xã vẫn thường xuyên đến học tập, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh 

Ông Quắc chia sẻ: “Sau hơn 12 năm xây dựng mô hình, tôi chưa bao giờ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh. Việc sản xuất, kinh doanh những loại thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng đòi hỏi rất lớn ở cái tâm của những người sản xuất như chúng tôi”. Đến nay, mô hình trồng rau sạch tập trung và nuôi cá của gia đình ông Quắc ngày càng phát triển mạnh mẽ. 
Theo ông Quắc, trồng rau không cần nhiều vốn và đất, rau được trồng theo luống để đảm bảo cho việc tưới tiêu và tránh xói mòn đất. Điều quan trọng là phải luôn đảm bảo được nguồn nước tưới, che chắn và vệ sinh đất trồng thường xuyên. Mùa nắng cũng như mùa mưa, người trồng rau phải thường xuyên giữ cho lượng nước trung bình không bị thiếu mà cũng không bị ứ nước. Hiện nay số lượng rau, củ sạch các loại và cá ở mô hình của gia đình ông không đủ để cung cấp cho thị trường. Phần lớn các khách hàng của ông đều là khách hàng quen đặt mua buôn và mua lẻ trong tỉnh. Xây dựng được thương hiệu và khẳng định được uy tín đối với khách hàng trong từng sản phẩm an toàn là chìa khóa cho thành công trong sản xuất của gia đình ông. 

*Mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả cao 

Sinh năm 1970, ông Nguyễn Văn Cơ, tổ 7, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hiện đang là chủ một mô hình trang trại tổng hợp từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi đến nuôi dê, lợn, cá và vịt trên diện tích 10 ha. Mô hình kinh tế của gia đình ông là một trong những mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn thành phố Tam Điệp. 

Từng là cán bộ Hợp tác xã nông nghiệp xã Yên Quang, thành phố Tam Điệp, ông Cơ là người rất tâm huyết với hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung. Từ vốn kinh nghiệm có được trong quá trình dài công tác, lại được UBND phường Tân Bình vận động, tạo điều kiện cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh, ông Cơ đã mạnh dạn đầu tư thuê 10 ha đất chuyển đổi của địa phương để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Ông Cơ cho biết, phường Tân Bình có tới 50% dân số thu nhập vẫn phải phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp. Chính vì vậy việc tìm kiếm một hướng đi mới trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế cho người nông dân trên địa bàn có vai trò rất quan trọng. 

Đến nay trang trại của ông Cơ mỗi năm xuất 3,6 tấn lợn thịt, 7 tạ dê, 6 tấn cá, 12.000 vịt và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho tổng thu nhập hàng năm hơn 1 tỷ đồng. Ông Cơ cho biết: “Ưu điểm của mô hình là tận dụng triệt để các phế phẩm chăn nuôi để tái sử dụng cho trồng trọt, giảm đáng kể lượng phân bón hóa học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. 

Ông Cơ cũng chia sẻ, đầu ra của sản phẩm từ mô hình nhà ông luôn ổn định do đảm bảo chất lượng, không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi và đã được khách hàng kiểm nghiệm, yên tâm tin dùng. Là hộ nông dân đi đầu trong việc ký cam kết nói không với thực phẩm bẩn tại phường Tân Bình, ông Cơ cho biết, từ nguồn giống đầu vào cho đến thức ăn công nghiệp cho vật nuôi đều được gia đình ông tìm hiểu, lựa chọn nhập từ những đơn vị có uy tín, có chứng nhận của các cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Ông Cơ cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ gia đình chăn nuôi trong phường về nguồn giống, vốn, đặc biệt là nguồn thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất. 

Đánh giá về hiệu quả của một số trang trại chăn nuôi, trồng trọt thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố, chị Tạ Thị Thế, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Tam Điệp cho biết: “Hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn lan tràn khắp nơi đang là vấn đề nóng của toàn xã hội khi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Do đó, việc nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành những yêu cầu trong sản xuất, chăn nuôi có vai trò quan trọng trong góp phần tạo nên một nền nông nghiệp sạch cho tương lai. Mô hình trồng rau quy mô tập trung của gia đình ông Quắc và mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Cơ là 2 trong nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả và luôn cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn trên địa bàn thành phố Tam Điệp”. 

Những kết quả đã đạt được từ nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở Ninh Bình đã khẳng định được tính đúng đắn, sự thành công của hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Hướng đi này không chỉ góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, xây dựng nông thôn mới mà quan trọng là góp phần xây dựng một nền nông nghiệp tương lai an toàn, bền vững./.

Theo Mard.gov.vn
 Tags: tiêu dùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay21,184
  • Tháng hiện tại214,571
  • Tổng lượt truy cập85,121,607
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây