Ông Nguyễn Văn Công, Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, để tái cơ cấu 5 ngành hàng chủ lực, tỉnh tập trung vào công tác tổ chức lại SX theo hướng hạ chi phí, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết, đẩy mạnh chế biến.
Hoa là một trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện TCCNN của Đồng Tháp |
Điển hình như ngành hàng lúa gạo, khi thực hiện tái cơ cấu ngành hàng này đã có nhiều DN ra đời như: Nosavina, Kim Trường Xuân, Sếu Đỏ, Ram Sa, Hương Tràm; có 166 DN liên kết tiêu thụ lúa với nông dân, diện tích hơn 111.400ha, sản lượng lúa được tiêu thụ thông qua hợp đồng trên 562.300 tấn.
Các mô hình phân bón vi sinh, bón phân một lần, bón vùi trước khi cấy, sạ, phân chậm tan... đã góp phần hạ chi phí trên 600 đồng/kg lúa so với sản xuất truyền thống. Bằng các chính sách đặc thù, tỉnh đã có hơn 600ha đất lúa được tích tụ, tập trung với nhiều hình thức khác nhau.
Đồng Tháp là địa phương có diện tích xoài lớn nhất nước, sản lượng xoài 90.000 tấn/năm. Khi tái cơ cấu ngành hàng này, tỉnh đã khắc phục yếu tố mùa vụ, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, 85% trong tổng số 416 ha xoài thực hiện rải vụ thành công, có 1 nhà máy sấy xoài xuất khẩu.
Ngoài việc bao trái, tập huấn quy trình SX, tỉnh còn đầu tư dây chuyền tuyển lựa xoài gắn với nhận diện, truy xuất nguồn gốc thông qua mã vạch (code). Xoài Đồng Tháp được xuất sang những thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Lợi nhuận của người trồng xoài đạt trung bình 135 triệu đồng/ha, cao hơn trước là 30 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó tái cơ cấu ngành hàng hoa, kiểng (gần 2.000ha) chủ yếu tại thành phố Sa Đéc, tỉnh đã thành lập 1 HTX, 28 tổ hợp tác hoa kiểng; tổ chức trao đổi học tập kinh nghiệm với các đoàn Thái Lan, hợp tác với Hà Lan không chỉ trong kỹ thuật tạo giống, kỹ thuật trồng mà cả trong hậu cần của ngành hoa. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được đặt tại đây, công tác phục tráng, lai tạo, cấy mô, giúp cho nông dân có đầy đủ giống, đa dạng chủng loại, chi phí thấp; thu nhập của người trồng hoa trung bình 150 triệu/ha/năm, trồng kiểng 400 triệu/ha/năm. Hoa, kiểng đang là cây trồng có thu nhập cao nhất trên một đơn vị diện tích ở thời điểm hiện nay, là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng 263,7% chỉ sau hơn 3 năm.
Kim ngạch xuất khẩu từ cá tra ở Đồng Tháp đạt mức trung bình 1,67 tỷ USD/năm |
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản lượng nuôi cá tra đứng cao nhất ở ĐBSCL cùng với đó là 20 nhà máy chế biến, 26 nhà máy chế biến thức ăn, 157 cơ sở sản xuất giống, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích, sản lượng cá tra thương phẩm và cung cấp con giống lớn nhất nước. Hiện 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Ngoài sản phẩm chính là cá tra phi lê, còn nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao từ con cá tra như: chả cá, nem cá, dầu cá, collagen... Kim ngạch xuất khẩu từ cá tra đạt mức trung bình 1,67 tỷ USD/năm.
Riêng đàn vịt, Đồng Tháp tập trung vào 3 nội dung chính: Con giống chất lượng; khắc phục việc thả vịt chạy đồng thường xuyên bị dịch bệnh bằng mô hình nuôi nhốt; hạ chi phí thông qua hợp tác, liên kết và xây dựng chuỗi ngành hàng. Hiện đàn vịt của tỉnh đạt gần 6,5 triệu con, mỗi năm cung cấp 5.983 tấn thịt vịt hơi, tăng 1.387 tấn so với năm trước, 264 triệu quả trứng, tăng 246% so với trước. Nhờ liên kết với các DN lớn tại TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL mà sản phẩm đã có đầu ra ổn định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;