Học tập đạo đức HCM

Công nghệ di truyền phân tử và giống đậu nành mới

Thứ ba - 23/01/2018 21:28
Những công nghệ mới nhất trong việc chọn tạo giống đậu nành năng suất cao, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho việc bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên” diễn ra ở Cư Jút, Dăk Nông sáng 6.11.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Sơn Hải, giám đốc trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cho hay, giống là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng năng suất và chất lượng của hạt đậu nành. Vì vậy, chọn tạo giống là trọng tâm hàng đầu của trung tâm. Sau hai năm nghiên cứu, đơn vị này cùng trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ, đã chọn thuần thành công giống đậu nành Cư Jút hoa trắng cho năng suất tăng 10 – 15% so với trước đây, và đã trồng trong vụ 2/2015 tại Cư Jút và Dăk Mil.
 
Song song với việc chọn thuần, trung tâm đang ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để chọn tạo giống mới bảo toàn phẩm chất quý của giống đậu nành địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng của hạt đậu nành. Trung tâm cũng liên kết với đại học Cần Thơ nghiên cứu chọn các loại vi khuẩn từ vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên, để chế tạo ra phân sinh học nhằm tăng nốt rễ (nốt sần) và hiệu quả sử dụng phân lân cho loại cây này.
 
Eureka sau hành trình dài đi tìm
 
Kể từ năm 2005, Vinasoy đã bắt đầu mò mẫm lối đi với quyết tâm tìm hướng phát triển bền vững cho cây đậu nành trong nước. Chuyên gia của công ty đã đi đến 27 tỉnh/thành có trồng đậu nành và cả những quốc gia có nền sản xuất đậu nành tiên tiến như Mỹ, Canada để tìm hiểu, khám phá.
 
Và sau mỗi chuyến đi ấy, nỗi trăn trở lại càng lớn thêm về giải pháp nào cho nguồn giống, làm sao để thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu của nền nông nghiệp? Con đường nào vực dậy khi người nông dân ít còn mặn mà với việc trồng đậu nành?
 
Với niềm tin: cứ đi rồi sẽ đến, từ năm 2009, doanh nghiệp đã bắt tay cùng các trung tâm thực nghiệm mô hình canh tác mới, liên tiếp trồng các giống năng suất cao. Đi theo đó là hàng loạt hội thảo đầu bờ, triển khai quy trình canh tác đến với nông dân. Thế nhưng, bài toán hóc búa một lần nữa được đặt ra khi giống mới chưa thích hợp với địa phương, năng suất có thay đổi nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, giải pháp đồng bộ về giống, cơ giới hoá, kỹ thuật canh tác vẫn chưa có, khiến tình hình không cải thiện được bao nhiêu.
 
Mọi việc dường như bế tắc cho đến cuối năm 2012, như một cơ duyên, lãnh đạo Vinasoy đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với GS Henry Nguyễn trên đất Mỹ. Cùng là những người có đam mê và tâm huyết phát triển cây đậu nành Việt, GS Henry Nguyễn đã đồng ý hợp tác, là cầu nối để doanh nghiệp bắt tay cùng trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành đại học Quốc gia Hoa Kỳ (đại học Missouri), trung tâm Nghiên cứu đậu nành quốc gia Hoa Kỳ (đại học Illinois). Từ đó, thành lập nên trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy vào năm 2013, với sứ mệnh phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành, mang lại sản phẩm và lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
 
Giống đậu nành bản địa mới được trồng trên 20ha của 19 hộ nông dân ở Dăk Nông, cho năng suất bình quân 2,8 tấn/ha, so với giống cũ chỉ 1,5 tấn/ha. Ảnh: TL
Dưới sự giúp sức từ các chuyên gia nước ngoài, Vinasoy bắt đầu tiếp cận phương pháp di truyền phân tử giúp rút ngắn thời gian chọn lọc, lai tạo xuống còn khoảng ba năm cho một giống mới, thay vì phải mất 10 – 12 năm như trước đây. Phương pháp này còn giúp tạo ra những giống đậu nành không biến đổi gien, có năng suất vượt trội, kháng sâu bệnh, thích nghi với thổ nhưỡng và đặc biệt có những phẩm chất quý, tốt về hương vị, chất dinh dưỡng.
 
Trung tâm hiện bảo tồn hơn 1.588 nguồn gien quý của đậu nành trong và ngoài nước, vừa tạo nền tảng vững chắc để Vinasoy làm chủ về vùng nguyên liệu đậu nành trong tương lai, vừa tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, và hơn hết mang đến lợi ích song song cho người nông dân.
 
Có được giống tốt là đã gỡ được nút thắt quan trọng đầu tiên, tuy nhiên, để đi đường dài trong nông nghiệp cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân. Thực tế, để đi được lâu và dài với người nông dân, bên cạnh những chính sách hợp lý, lãnh đạo Vinasoy còn hiểu rằng: Đi với nông dân phải là đường dài, thực lòng thực bụng.
 
Ánh sáng cuối đường hầm
 
Vụ mùa 2017, sau khi có được giống mới đầu tiên, Vinasoy bắt đầu hợp tác thử nghiệm với 18 hộ nông dân ở Cư Jút và Dăk Mil, trong đó doanh nghiệp cung cấp giống và hỗ trợ về canh tác, phân bón, thu hoạch. Đồng thời, công ty cũng cam kết thu mua thông qua hai nhà cung cấp để tạo tính cạnh tranh, có lợi cho nông dân.
 
Vào mùa thu hoạch, trong một chuyến khảo sát 20ha trồng đậu nành theo phương pháp mới và giống mới, lãnh đạo Vinasoy phấn khởi khi nhìn thấy niềm vui của những người nông dân được mùa bội thu với năng suất đạt 2,8 tấn/ha (so với giống cũ chỉ đạt 1,5 tấn/ha), mỗi bao đậu nành 70 ký, tính theo giá thị trường gần 1 triệu đồng – số tiền không nhỏ đối với bà con nông dân. Đó cũng là niềm khích lệ lớn lao cho công sức bỏ ra trong suốt mười năm miệt mài vì cây đậu nành Việt.
 
Từ 20ha đậu nành vừa thu hoạch, trong năm nay Vinasoy sẽ phát triển lên con số 150 – 200ha, và tiếp tục nhân rộng thành vùng nguyên liệu hàng ngàn ha trong các mùa vụ tới.
 
Chia sẻ về những tâm huyết với đậu nành Việt, ông Ngô Văn Tụ, giám đốc Vinasoy, vẫn luôn giữ quan niệm như cách đây mười năm: “Vinasoy có được những gì ngày hôm nay là nhờ những hạt đậu nành trồng lên từ đất mẹ. Chúng tôi làm tất cả để không chỉ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thức uống dinh dưỡng, mà còn là chuyên gia về hạt giống đậu nành, phát triển cây đậu nành Việt Nam vươn tầm thế giới. Có một câu nói mà tôi hay nói với những người xung quanh rằng, chúng ta lấy những gì từ đất thì hãy trả lại cho đất”.
 
Toàn bộ vùng nguyên liệu trồng đậu nành hơn 8.000ha mà Vinasoy hợp tác cùng nông dân đều là đậu nành không biến đổi gien. Ông Hải cho biết, đến năm 2018, cùng với giống mới, hệ thống canh tác đồng bộ và những ứng dụng phân sinh học, phân hữu cơ sẽ nâng năng suất của đậu nành Tây Nguyên đạt 3 tấn/ha, tương đương với năng suất đậu nành bình quân trên thế giới. Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy là nơi đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ di truyền phân tử, để tạo giống đậu nành cho năng suất cao.
 
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ này các nước đã áp dụng từ lâu, đòi hỏi chi phí, nhân lực cao, song hiệu quả mang lại rất lớn. Ông Vương Đình Trị, trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ, đại học Missouri, Mỹ, cho biết đậu nành ngoại nhập dễ mẫn cảm với môi trường, không thích nghi tốt với điều kiện khí hậu Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều giống quý hiếm có hương vị đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng; nhưng theo thời gian đã thoái hoá dần, mất đi một số ưu điểm nổi trội.
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập520
  • Hôm nay73,957
  • Tháng hiện tại810,067
  • Tổng lượt truy cập93,187,731
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây