Từ đi chợ, nấu ăn đến đơm đó, quăng chài
Trước khi đến Hội An (Quảng Nam), chúng tôi đã được một người bạn làm việc trong ngành du lịch cho biết: Cách đây 5 năm, sách Kim chỉ nam du lịch Lonely Planet có ảnh hưởng toàn cầu trong giới say mê "du lịch ba lô" đã xếp dịch vụ dạy nấu ăn ở Hội An trong top 10 những trải nghiệm du lịch đặc biệt trên thế giới, bên cạnh các hoạt động như tập kungfu tại chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc), tập yoga tại Rishikesh (Ấn Độ), lướt sóng ở Hawaii (Mỹ), học tiếng Tây Ban Nha ở Patagonia (Argentina), học thư pháp tại Kyoto (Nhật)…
Người bạn của tôi cũng không quên chia sẻ về một bài báo trên tạp chí Travelfish (Anh) của một nữ nhà báo tên là Caroline Mills viết sau một chuyến thực tế tại Hội An cách đây chưa lâu. Trong bài báo, Caroline Mills khẳng định, hai nét đặc trưng nhất tạo nên sức thu hút của Hội An là những tour du lịch mang tính đặc trưng của "văn hóa Hội An", trong đó, dịch vụ cắt may và hướng dẫn nấu ăn là một điển hình. "Một khi đã đến các nhà may thì bạn hẳn phải ghi nhận rằng, Hội An là một thiên đường của người say mê ẩm thực. Và một khi đã ăn ở một số nhà hàng, quán xá thì điều kế tiếp trong danh sách những gì bạn phải làm ở Hội An là theo học một lớp dạy nấu ăn. Điều đó không chỉ giúp bạn tránh phải khoe đến gây nhàm với bè bạn của mình ở quê nhà những hình ảnh bạn chụp các bà cụ địa phương đội nón lá, mà còn khiến bạn có thể thực hiện một bữa tối với những đặc sản ở Hội An… Chính ở đây tôi trở nên khéo léo. Tôi yêu thích mọi thứ ở Hội An. Mọi thứ thật hoàn hảo…" - Caroline Mills chia sẻ.
Không "chuyên nghiệp" trong nghề viết lách cũng như không có "năng khiếu" bày tỏ cảm xúc như nữ nhà báo Caroline Mill, ông Philippe Albrecht - một du khách đến từ nước Đức phát biểu cảm tưởng về tour "du lịch - đánh cá" mà ông đã có dịp trải nghiệm tại Hội An một cách giản dị: "Từ bé, tôi luôn du dưỡng một niềm vui trên những con sông nơi quê nhà, nhưng rồi lớn lên, công việc cuốn theo thời gian, niềm vui ấy không mấy khi được hưởng. Kỳ nghỉ lần này, đến Hội An, tôi được du ngoạn trên đoạn sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại, lại được hướng dẫn trực tiếp đơm đó, quăng chài, thật là thú vị…".
Sự chuyển mình đầy sáng tạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số vùng nông thôn, miền núi hoặc ngoại thành thuộc "thiên đường du lịch" Hội An hiện nay, các tour du lịch dưới dạng trải nghiệm mà "du lịch - nấu ăn", hay "du lịch - đánh cá" đã đề cập ở trên đã trở thành tour du lịch rất ăn khách, nhất là khách nước ngoài. Chẳng hạn, với riêng "du lịch - nấu ăn", tham gia tour này, sau khi tham quan danh lam thắng cảnh, khách sẽ được các đầu bếp đưa đi tham quan chợ và mua thực phẩm như những bà nội trợ thực thụ. Sau đó, trở về những khu vườn êm ả hay trong các ngôi nhà cổ, mỗi người 1 bếp học nấu các món truyền thống của xứ Quảng như gỏi bắp chuối, gỏi cuốn, bánh xèo, lẩu, mì Quảng… Sự hấp dẫn đối với khách ở đây là sau một chuyến du lịch lý thú, về nhà mỗi người có thể trổ tài với người thân trong gia đình hoặc bạn bè về món ăn mà mình đã học được từ một vùng đất ăm ắp trầm tích văn hóa.
Không chỉ có ở Hội An, trong khoảng 5 năm trở lại đây, loại hình du lịch trải nghiệm ở vùng nông thôn, miền núi của một số địa phương đang được ví như "lối nhỏ" mở ra một "bệ phóng" mới cho "ngành công nghiệp không khói". Cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một ví dụ điển hình. Tại đây, người nông dân rất thành thạo trong việc "lợi dụng" chính vốn ruộng vườn của nhà nông để phục vụ các tour du lịch trải nghiệm do họ mở ra để phục vụ du khách. Với 6.000 cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi trên diện tích đất cù lao rộng khoảng 10km2, từ nhiều năm nay, Thới Sơn đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong chuyến công tác vào tỉnh Tiền Giang mới đây, trước khi xuống cù lao thơ mộng này, chúng tôi được một đồng nghiệp người địa phương chia sẻ thông tin: Thới Sơn là một trong những điểm du lịch ăn khách nhất hiện nay ở Tiền Giang, trong đó đa phần là khách quốc tế. Theo sự hướng dẫn anh bạn đồng nghiệp, cơ sở du lịch trải nghiệm đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là nhà ông Ba Thảo, người đang thực hiện mô hình lữ hành khám phá mang tên: Tát đìa bắt cá. Khách du lịch tham gia tour này sẽ được ông Ba Thảo phát cho một bộ quần áo bà ba, chiếc nón lá, cái gầu tát nước và mấy chiếc rổ. Sau khi nai nịt gọn gàng, khách được người nhà ông Ba Thảo đưa ra đìa, hướng dẫn cách be bờ, tát nước bằng gầu, sau đó là cách mò cua, bắt cá, bắt tôm trong bùn sình. Các loại tôm, cá bắt được, khách sẽ tự chế biến thành các món ăn của người bản xứ như nướng, chiên, nấu canh chua…
Vài lời kết
Có thể nói, chính vì sự nhanh nhạy của những người "làm du lịch" ở các vùng nông thôn, miền núi đã làm cho các chương trình du lịch của vùng đất quê hương họ phong phú hơn, ấn tượng hơn với du khách. Sự chuyển mình đầy sáng tạo này vốn đã hấp dẫn du khách nhiều hơn, vì nó bắt nguồn từ những điều giản dị nhất. Đó chính là nụ cười, văn hóa ứng xử chuẩn mực và đặc biệt là sự linh hoạt trong làm ăn kết hợp sự nhân văn, hồn nhiên của cư dân bản địa trong việc thỏa mãn nhu cầu của du khách. Có thể đưa ra thêm một mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn - miền núi tại xã Yên Đức (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để minh họa cho kết luận này. Tại đây, người dân rất hào hứng hướng dẫn cho khách nước ngoài cách quăng chài bắt cá, giã gạo, cấy lúa nước… Thông qua những mô hình độc đáo này, du khách đến thăm thú miền quê yên bình có thể thoải mái tận hưởng khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Việt vốn đã tồn tại hàng nghìn năm trong nền văn minh lúa nước.
Chúng tôi gọi đây là những "mảnh ghép vô giá" tạo nên sự độc đáo của vùng nông thôn, miền núi, góp phần tạo ra "bệ phóng" trong hành trình tăng tốc nhằm đưa các giá trị văn hóa truyền thống bản địa đến với khách du lịch tới từ muôn phương.
Hoàng Phương/bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;