Chăn nuôi lợn siêu nạc đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Quốc Oai (Hà Nội).Ảnh: Hải Đăng |
Nông dân sôi nổi học giữ cơ nghiệp
Hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” lần này có sự tham gia của 150 đại biểu là nông dân trong huyện cùng các chủ trang trại tiêu biểu, đại diện Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển cây trồng… Ban cố vấn của chương trình là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.
Với hơn 100 câu hỏi được đưa ra tại hội thảo, các chuyên gia đã nhiệt tình giải đáp cụ thể, chi tiết cho bà con. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào cách phòng và chữa bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật nuôi cá; cách phòng ngừa dịch bệnh, xử lý bùn sâu tránh ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thuỷ sản; cách bón phân hợp lý, thụ phấn bổ sung và xử lý ruồi vàng trên cây có múi (cam, quýt, bưởi…).
"Nông dân chúng tôi rất cần tham gia những buổi hội thảo như thế này. Ở đó, chúng tôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp về những vướng mắc trong chăn nuôi, trồng trọt của mình cho các chuyên gia, giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là về phương pháp làm nông hiệu quả, năng suất và đảm bảo an toàn”.
|
Anh Nguyễn Văn Tuý ở thôn Lập Thạch, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai hỏi: “Lợn con mới đẻ khoảng 15-17 ngày, đi ngoài phân trắng trong vòng 1 ngày là chết. Khi chết phát hiện tím mõm, tím chân. Hỏi lợn mắc bệnh gì và cách điều trị?”.
Trả lời câu hỏi của anh Túy, PGS-TS Lê Văn Năm - một trong những chuyên gia hàng đầu về chăn nuôi cho biết: “Đây là câu hỏi khá hay mà người nuôi lợn nên biết. Lợn con mới đẻ thường dễ mắc 3 bệnh nguy hiểm về tiêu chảy gồm: Bệnh TGE (hay còn gọi là viêm dạ dày truyền nhiễm); PED (dịch tiêu chảy cấp) và ROTA (tiêu chảy do Rota virut). Tỷ lệ chết của lợn con mới đẻ khi mắc 1 trong 3 bệnh này trên 90%. Vì thế, bà con nông dân cần đặc biệt chú ý theo dõi và tiêm vaccine phòng các bệnh nói trên trước khi lợn đẻ từ 10 -15 ngày”.
Theo ông Năm, về mặt lâm sàng rất khó để phân biệt 3 loại bệnh trên, song bà con cần chú ý căn cứ vào phân để xách định bệnh như sau: Phân trắng, vàng là lợn bị bệnh TGE; phân đen, màu bùn là có thể lợn đã bị mắc bệnh PED; phân vàng sệt, không có mùi thối có thể bị bệnh ROTA.
“Đối với triệu chứng mà anh Tuý miêu tả, có thể xác định lợn nhà anh đã mắc bệnh TGE, đồng thời khi chết lợn bị tím mõm, tím chân là dấu hiệu của dịch tai xanh. Phác đồ điều trị như sau: Tiêm vaccine TGE/PED; lấy 1ml Atropin + 1ml vitamin C/7kg (tiêm đủ 4 ngày); tiêm Vidan 5 ngày tiêm lần (tiêm đủ 4 ngày); lưu ý lợn con vẫn còn theo mẹ nên cần cho bú đủ. Nếu điều trị theo phác đồ trên, tỷ lệ sống của lợn con sẽ đạt khoảng 65-80%. Tốt nhất nên tiêm vaccine phòng các bệnh nói trên trước khi lợn đẻ 10-15 ngày” – ông Năm nhấn mạnh.
Cầu nối nông dân và doanh nghiệp
Ngoài tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con về phòng trị bệnh trong chăn nuôi, tại hội thảo lần này, các chuyên gia cũng giới thiệu với bà con những địa chỉ tin cậy để mua phân bón. Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, trước thực trạng trên thị trường xuất hiện tràn lan các sản phẩm phân bón giả, nhái, kém chất lượng, để bảo đảm quyền lợi bà con nên tìm đến các cửa hàng, đại lý bán phân bón uy tín trên địa bàn để mua được hàng tốt, đảm bảo chất lượng.
Ông Ngô Đại Ngọc cho biết, hiện vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố vẫn còn, nếu bà con ở huyện Quốc Oai có nhu cầu vay vốn để mua giống, thức ăn chăn nuôi thì Trung tâm Khuyến nông sẵn sàng hỗ trợ bà con khi có chương trình tại địa phương.
|
Đại diện cho các doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển trực tiếp tư vấn cho bà con về thành phần, tác dụng của các loại phân bón đang có trên thị trường.
Giải đáp một số thắc mắc về thành phần trong sản phẩm phân của công ty, ông Tại cho biết, ngoài thành phần chính là lân, phân bón của công ty còn có các nguyên tố dinh dưỡng khác cần thiết cho cây trồng như Ca, Mg, Si, Zn, Cu,…
“Đặc biệt, loại lân này còn có tác dụng khử chua cho đất, không sử dụng hóa chất và biện pháp hóa học mà chỉ dùng khoáng chất nên rất tốt cho cây trồng. Bà con có thể yên tâm đầu tư và sử dụng để đạt hiệu quả, năng suất cao nhất” – ông Tại khẳng định.
Tại hội thảo, rất nhiều nông dân hỏi về quy trình sản xuất lúa VietGAP, trong đó có ông Phạm Văn Thành ở thôn Đông Thượng, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai hỏi: “Ở Hà Nội đã có địa phương nào làm mô hình VietGAP trên cây lúa chưa? Cách thức triển khai như thế nào? Cơ quan nào cấp chứng chỉ VietGAP trên cây lúa?”.
Giải đáp thắc mắc trên, ông Ngô Đại Ngọc cho biết, trên địa bàn hiện đã có 200ha cây trồng thực hiện theo quy trình VietGAP. Trên cây lúa, Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội đã thí điểm làm VietGAP tại một số xã thuộc huyện Thanh Oai. Tuy nhiên, đến nay chưa có cá nhân nào tự đứng ra làm mô hình lúa VietGAP mà chủ yếu thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước. Về cơ quan cấp chứng chỉ VietGAP, bà con có thể đến Trung tâm Phân tích chất lượng sản phẩm nông nghiệp để tìm hiểu thêm./.