Ảnh minh hoạ. (Nguồn: vov.vn)

 

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ ngày càng phát triển cao, một số nước đang chuyển lên kinh tế tri thức thì những nước đi sau, như Việt Nam, nếu cứ phát triển tuần tự, sẽ tụt hậu xa hơn so với những nước đi trước. Hơn nữa, sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng buộc các nước phải ứng dụng công nghệ cao, mới có thể ứng phó kịp. Thí dụ: Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng phải ứng dụng công nghệ sinh học để chọn giống cây trồng phù hợp và phải ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt bằng nước khử mặn. Hay là nhu cầu cao về chất lượng và vệ sinh, an toàn thực phẩm đòi hỏi không được dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học mà phải dùng thuốc bảo vệ thực vật theo công nghệ sinh học và dùng phân vi sinh hay phân hữu cơ. Do đó, phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chủ trương đúng đắn này đã được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, hậu quả là nông nghiệp nước ta đang có xu hướng chậm lại.

Vì sao vậy? có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hai trở ngại chính sau:

Một là, chậm trễ trong việc chuyển kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán lên sản xuất hàng hóa lớn, tập trung.

Trong nhiều bài viết, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng khi thực hiện "khoán 10", kinh tế nông hộ tự chủ đã trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nhưng khi chuyển lên sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường thì kinh tế nông hộ bộc lộ các nhược điểm của sản xuất hàng hóa nhỏ. Nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước cũng đề ra chủ trương phát triển kinh tế trang trại và các loại hình kinh tế hợp tác hay liên kết trong nông nghiệp, nhưng thực hiện quá chậm.

Việc phát triển trang trại vẫn chủ yếu là các gia trại nhỏ; trang trại lớn gặp nhiều khó khăn. Thí dụ: Luật Đất đai 2013, điều 129 mục 1 vẫn ghi: "Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:a) Không quá 03 héc-ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác". Điều 12, mục 5 nghiêm cấm "nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của luật này". Chấp hành nghiêm điều luật trên thì không thể xây dựng được trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Về hợp tác xã, GS.TS Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ rõ tình hình yếu kém của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Tính đến tháng 10/2014 cả nước có 19.800 HTX trong đó 10.339 HTX nông nghiệp, nhưng có tới 9.363 là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, chiếm 92%. Tỷ lệ hộ nông dân tham gia HTX nông nghiệp khoảng 45%. Song phần lớn các HTX nông nghiệp mới chỉ cung cấp được một số dịch vụ đầu vào cơ bản (97% HTX làm dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 80% làm dịch vụ thủy lợi, 53% cung cấp giống cây trồng, 30% cung cấp vật tư, phân bón…, chỉ có 9% số HTX làm dịch vụ tiêu thụ đầu ra). Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của HTX thấp; chỉ khoảng 10% số HTX nông nghiệp đạt hiệu quả tốt, khoảng 60%-70% số HTX hoạt động cầm chừng, còn lại 20%-30% HTX đã ngừng hoạt động. Đáng chú ý nhiều HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đến 31-12-2014 mới có 990/10.446 HTX nông nghiệp chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 (chiếm 9,5%), nghĩa là phần lớn HTX chưa hoạt động theo cơ chế thị trường. Thậm chí một số địa phương giữ lại mô hình HTX kiểu cũ cốt để đáp ứng tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đó là lý do chính khiến hơn 20% số HTX dù hiện nay đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể hoặc chuyển đổi.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ có thể tiến hành gắn với sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường, bởi vì sản xuất nhỏ, phân tán thì không thể sử dụng máy móc hiện đại, không thể ứng dụng công nghệ mới, không thể gắn sản xuất với dịch vụ, chế biến, bảo quản và tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất và tiêu thụ đầu ra, không thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Sản xuất nhỏ thì không thể hút vốn đầu tư vì không nhà đầu tư nào đưa vốn vào sản xuất nhỏ...

Israel là một nước có nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng một trong những nhân tố khiến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thành công là vì có hình thức tổ chức sản xuất hiệp tác phù hợp là Kibbutz (nông trại tập thể) và Moshav (làng hợp tác). Kibbutz  quy mô khoảng 300 - 400 hộ gia đình và khoảng 500 - 600 nhân khẩu. Năm 2013 cả nước Israel có 273 Kibbutz, với 152.900 người. Moshav gồm một nhóm trang trại tư nhân liên kết với nhau, tôn trọng quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, nhưng lao động chung, cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra được thực hiện tập thể theo một đầu mối. Mỗi hộ sở hữu khoảng 4,5ha. Hai hình thức hiệp tác nói trên đảm nhiệm canh tác khoảng 80% diện tích nông nghiệp của cả nước .

Những năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình liên kết kinh tế giữa các nông hộ với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, có sự hỗ trợ của nhà nước và sự hợp tác của các nhà khoa học, như mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và chuỗi liên kết dọc sản xuất cá tra ở An Giang, nhưng việc nhân rộng những mô hình này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh miền Bắc.

Hai là, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn rất hạn chế, nên chậm trễ ứng phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã khẳng định lại chủ trương đúng đắn được đề ra từ nhiều năm trước đây là "khai thác sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu" .

Nhưng do việc nghiên cứu khoa học yếu kém nên chậm tìm ra những giải pháp phù hợp để thực hiện chủ trương trên.

Israel có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, hơn 70% lãnh thổ là sa mạc, khô cằn, thiếu nước ngọt, nhưng lại có một nền nông nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới. Dù lao động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng lực lượng lao động của cả nước, nhưng đã tự sản xuất được 95% nhu cầu thực phẩm, và hàng năm xuất khẩu trung bình khoảng 3 tỷ USD nông sản. Được như vậy chủ yếu là nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới.

Năm 2008, tổng vốn đầu tư mạo hiểm là khoảng 2 tỷ USD (so với dân số hơn 7 triệu người). Vốn đầu tư mạo hiểm bình quân đầu người của Israel cao gấp 2,5 lần so với Mỹ, 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc, và gấp 350 lần so với Ấn Độ. Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 4,4% GDP, tương đương khoảng 10,8 tỷ USD vào năm 2011.

Hiện nay, Israel có 10 cơ quan nghiên cứu nông nghiệp lớn tiêu biểu là Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp (ARO - Agricultural Research Organization) gồm 6 viện, chịu trách nhiệm nghiên cứu tới 75% những vấn đề về nông nghiệp. Đó là Viện Khoa học thực vật; Viện Khoa học động vật; Viện Khoa học bảo vệ thực vật, đất, nguồn nước và môi trường; Viện Kỹ thuật nông nghiệp; Viện Khoa học sau thu hoạch và Viện Khoa học thực phẩm. Ngoài ra ARO còn quản lý 4 trạm nghiên cứu thực địa, có nhiệm vụ như một trung tâm kiểm soát nông sản và thiết bị nông nghiệp; quản lý ngân hàng Gene về nông nghiệp.

Mục tiêu chính của các viện là nghiên cứu phát triển nông nghiệp bền vững; nghiên cứu công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới bằng nước khử mặn; nghiên cứu cải tạo đất chống ngập lụt, chống hạn hán; nghiên cứu nuôi cá nước sạch trong điều kiện thiếu nước; nghiên cứu giảm thiểu hao hụt nông sản qua sử dụng phương pháp kiểm soát côn trùng và bảo quản sau thu hoạch; trồng và nuôi những cây con thích ứng với các điều kiện địa lý khác nhau. Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ nói trên Israel đã xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, cải thiện chất lượng, tiết kiệm lao động… Nếu như năm 1955 một nông dân Israel chỉ nuôi được 15 người, thì năm 2014 một nông dân Israel nuôi được hơn 100 người. Mức sống ở những vùng sản xuất nông nghiệp cao hơn mức sống ở thành phố.

Ở nước ta, nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh: phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Nhưng việc nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ còn rất kém.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20/NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đánh giá: khoa học và công nghệ nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng hoạt động khoa học và công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao…

Báo Tiền phong số 90, ngày 30/3/2016 và số 91, ngày 31/3/2016, phản ánh: đề án phòng thí nghiệm trọng điểm được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2000, tổng vốn đầu tư ban đầu 966,745 tỷ đồng, bình quân 60,4 tỷ đồng một phòng thí nghiệm, chủ trương lập 16 phòng (sau nâng thành 17 phòng), nhưng đến nay, hầu hết các thiết bị đã xuống cấp và lạc hậu, đã khấu hao hết, nhưng không có kinh phí để đổi mới. Song, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói sẽ không đề xuất đầu tư tiếp cho các phòng thí nghiệm trọng điểm này nếu như không thay đổi phương pháp quản lý hiện nay. Phòng thí nghiệm trọng điểm công ghệ Gene, một phòng có liên quan đến nông nghiệp, thì theo phó giám đốc phòng này, "với thiết bị phục vụ nghiên cứu sinh học phân tử gene chỉ 5 năm đã lạc hậu, trong khi máy móc của phòng đã được đầu tư 15 năm, hết hạn sử dụng và lạc hậu lắm rồi".

Gần đây nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng theo hai triền sông chính là sông Cổ Chiên và sông Hậu đến 60km, đe dọa gần 41.000 ha lúa đông xuân 2015 - 2016 ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Nam Bộ, lại thêm ít mưa khiến nhiều vùng ở Tây Nguyên cũng thiếu nước ngọt. Việc một số nhà máy thủy điện của Trung Quốc và CHDCND Lào xả nước có làm dịu bớt tình trạng thiếu nước ngọt và tạm thời có thể rửa mặn, nhưng theo dự báo về lâu dài sự xâm nhập của nước mặn sẽ tái diễn. Nếu không nghiên cứu các giải pháp ứng phó thích hợp với tình trạng trên thì sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Israel không có nguồn nước, lượng mưa trung bình chỉ khoảng 500mm/năm (so với Việt Nam: 1300mm/năm), nước sinh hoạt/ uống được lấy từ sông Jordan và lọc từ biển. Nước tưới nông nghiệp 75% lấy từ nước thải sinh hoạt và nước mưa trữ lại để tái sử dụng, đồng thời áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới bằng nước khử mặn. Gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin: Hà Lan chọn được giống khoai tây trồng trên đất nhiễm mặn, tuy năng suất thấp hơn khoai tây truyền thống nhưng chất lượng cao hơn, giá bán đắt hơn nên hiệu quả kinh tế tăng.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức

Muốn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta thì phải khắc phục hai sự chậm trễ nói trên. Phải huy động mọi nguồn lực có thể phục vụ phát triển nông nghiệp vào thúc đẩy sản xuất nhỏ, phân tán của kinh tế hộ lên sản xuất hàng hóa lớn theo mô hình trang trại lớn hay các hình thức hiệp tác và liên kết giữa nông hộ với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản, đi đôi với đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp. Việc xây dựng nông thôn mới tuy đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn thể hiện tư duy của người sản xuất nhỏ. Thí dụ: Tiêu chí thứ 7, không đặt vấn đề mở rộng thị trường (trong và ngoài nước) cho nông sản mà lại chủ trương xây dựng chợ nông thôn. Chợ nông thôn chỉ phù hợp với tiểu nông, tiểu chủ và tiểu thương. Còn sản xuất hàng hóa lớn, như Lenin đã phân tích, "tất nhiên là vượt ra ngoài giới hạn của làng xã, của cái chợ địa phương, của từng vùng, rồi vượt ra ngoài cả giới hạn quốc gia nữa". Hay là, đáng lẽ phải đặt chỉ tiêu phát triển sản xuất hàng hóa lớn lên hàng đầu thì chương trình xây dựng nông thôn mới lại đặt sản xuất ở tiêu chí thứ 13, và chủ yếu quan tâm "hình thức tổ chức sản xuất".

Để khắc phục hai sự chậm trễ nói trên phải giải quyết nhiều vấn đề, như phải tập trung tư liệu sản xuất, nhất là ruộng đất; phải đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn theo nhu cầu của thị trường lao động để phục vụ nông nghiệp và chuyển bớt lao động dôi dư ra khỏi nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp; phải có chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp và đầu tư vào R&D để phục vụ nông nghiệp… Do đó, phải tu chỉnh luật đất đai, bỏ hạn điền; phải đổi mới hoạt động tín dụng v.v… Những năm qua các tổ chức tín dụng phục vụ nông nghiệp ở nước ta đã hoạt động rất tốt, góp phần phát triển kinh tế hộ , tạo ra kỳ tích trong phát triển nông nghiệp. Nhưng phương thức hoạt động ấy không còn phù hợp với yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn nữa.

Báo Tiền Phong số 82, ngày 22/3/2016 đưa tin về việc cho vay thí điểm mô hình liên kết, đã dẫn ra những tư liệu sau: Hiện nay đầu tư nuôi cá tra cho 1 ha mặt nước với sản lượng 350 tấn thì cần lượng vốn là trên 7 tỷ đồng, nhưng theo quy định hiện hành, giá trị 1 ha nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng từ 500- 600 triệu đồng, đáp ứng gần 10% số vốn cần thiết. Nhưng sau hơn một năm thực hiện chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14/NQ-CP đối với mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đã có 8 ngân hàng thương mại được phê duyệt tham gia, đã giải ngân số tiền là 6.937,24 tỷ đồng, vượt cam kết cho vay ban đầu (5.627,62 tỷ đồng). Lãi suất ngắn hạn là 6,5%/năm, một số dự án có lãi suất thấp hơn ở mức 5,4 - 6,3%/năm. Ông Nguyễn Văn Tấn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang tham gia "chuỗi liên kết dọc sản xuất cá tra" với Công ty Thuận An, An Giang, diện tích nuôi cá của gia đình là 32.000m2, sản lượng bình quân khoảng 1.398 tấn/năm, được vay hơn 15 tỷ đồng, lại còn được cung cấp giống, thức ăn và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nên giá thành sản xuất thấp, lợi nhuận cao. Nói gọn lại, các tổ chức tín dụng phải thẩm tra các dự án liên kết sản xuất quy mô lớn, có hiệu quả để cho vay theo tín chấp, chứ không phải chỉ cho vay theo thế chấp./.

Theo GS.TS Đỗ Thế Tùng/dangcongsan.vn