13 năm trước, ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, chuyên về nông nghiệp công nghệ cao lặn lội đi ra Bắc với mong muốn tìm vùng đất để sản xuất rau, hoa cho Hà Nội, giống như ở Đà Lạt, TP.HCM. Ông đi qua nhiều tỉnh và dừng chân ở Tân Lạc, Hòa Bình, nơi có 5 xã vùng cao đặc biệt khó khăn có thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với rau, hoa.
Nông nghiệp công nghệ cao đang nhận được nhiều sự quan tâm. |
“Tôi tập trung chiến hữu thành lập 1 công ty cổ phần, mua 64 sổ đỏ để có được diện tích đất rộng hơn 30 ha. Tôi bỏ ra 1 năm rưỡi nghiên cứu ứng dụng 43 loại rau, hoa. Sau 10 năm cặm cụi, chúng tôi cung cấp cho chợ Long biên có ngày 10 tấn rau, trồng được 27 nghìn chậu địa lan trong 2ha nhà vòm”, ông Lệ hào hứng kể.
Những tưởng sắp giàu đến nơi rồi, thì ông Lệ phải “rơi lệ”. “Một ngày nọ, bà con nông dân kéo vào phá tan hoang hết, trước khi phá có cuộc họp để cướp lại đất. Chính quyền tỉnh, huyện Tân Lạc cho cơ quan công an đến nhưng chúng tôi bị phá sạch sành sanh không còn gì”, ông Lệ nghẹn ngào.
“Chỉ 2 ngày người ta phá bằng hết. Với chúng tôi đó là bài học đau đớn. Nhưng chúng tôi vẫn phải đứng dậy để khởi nghiệp lại ở trên Điện Biên”, ông Lệ chia sẻ.
Đó là câu chuyện buồn được Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào chia tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 24/2.
Nghe xong chuyện này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bộc bạch: Câu chuyện bác Lệ kể gợi tôi nhiều suy nghĩ. Chúng ta nói khuyến khích nông nghiệp, rồi ưu đãi vốn, đất đai nhưng có điều quan trọng không kém đó là phải bảo vệ chắc chắn quyền tài sản, quyền sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ hợp đồng giữa DN và người dân.
“Gần đây tham gia dự án Luật bảo vệ phát triển rừng, Nhà nước muốn nhiều nhà đầu tư phát triển rừng nhưng có một tư duy rất lạ, đó là sau khi trồng rừng, DN muốn khai thác phải xin phép. Đầu tư hàng chục năm đến khi khai thác lại không cho phép khai thác, phải xin phép. Tài sản không quyết định được sao DN có động lực đầu tư tư vào”, ông Tuấn kể một nghịch lý và khẳng định quyền đảm bảo tài sản cho DN phải được thực hiện quyết liệt. Điều đó quan trọng chẳng kém gì những ưu đãi đất đai hay thuế.
Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tỏ ra chia sẻ với khó khăn của các DN khởi nghiệp, đặc biệt DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Thắng cho rằng nếu không có môi trường động viên DN hỗ trợ thì sẽ rất khó khăn.
“Đất nước ta 60% nông dân, nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề sống còn, đáp ứng phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực…”, ông Trần Quốc Thắng khẳng định.
Dù vậy, đại diện VCCI cho rằng môi trường cho đầu tư nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất thấp.
Dẫn báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Cambodia và Myanmar. Theo báo cáo, Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải.
Môi trường kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam được đánh giá ở mức 62,5/100 điểm, thấp hơn cả Cambodia (68,8 điểm), Bangladesh (70,8 điểm) và Philipines (83,0 điểm). Nguyên nhân chính là do tại Việt Nam, việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới lâu: ước tính Việt Nam mất 901 ngày để cấp giấy chứng nhận cho giống mới, quá lâu so với Philippines và Myanmar lần lượt chỉ là 571 và 306 ngày, chi phí để đăng ký giống mới cũng cao.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, giảm bớt rào cản, tạo thuận lợi kèm thêm các ưu đãi hợp lý là yếu tố then chốt để nông nghiệp công nghệ cao thành hiện thực.
Theo Lương Bằng/ VietNamnet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;