“Rào cản” mang tên “công nghệ cao”
Những cam kết về gói tín dụng lên đến 100.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, tháo gỡ pháp lý để tích tụ ruộng đất cho sản xuất quy mô lớn được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Việt Nam một lần nữa tạo nên kỳ tích khi những nguồn lực có sẵn dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, theo thông tin mới nhất, Bộ NN&PTNT cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2017 sẽ hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho 290.430 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 210.430 người; đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng là 80.000 người. Việc tập trung đào tạo nghề nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh cho vùng nghèo. Dù có nhiều những điều kiện thuận lợi như vậy, nhưng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vẫn “vấp” phải không ít thách thức.
Một trong những thách thức lớn nhất chính là vấn đề vay vốn ngân hàng. Theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đầu năm 2016, UBND TP.HCM đã có Quyết định 04 hỗ trợ lãi suất cho nhiều chủ đầu tư có dự án đi theo hướng này. Theo đó, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất, với điều kiện là được cấp chứng nhận. Nhưng do chưa có bộ tiêu chí rõ ràng nên nhiều dự án NNCNC, nhất là của các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Theo đó, yêu cầu gần như bắt buộc của các ngân hàng là phải có tài sản thế chấp là sổ hồng, sổ đỏ, còn các tài sản đầu tư trên đất nông nghiệp dù giá trị tiền tỉ nhưng không được xem xét tới.
Một số chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, sở dĩ có khó khăn này là bởi công nghệ trong nông nghiệp thì rất nhiều nhưng công nghệ nào là mới, là hiện đại phải cần hội đồng các nhà khoa học đúng chuyên ngành đó mới xác định được. Hơn nữa, tốc độ thay đổi công nghệ trên thế giới hiện nay cực nhanh, có những công nghệ chỉ sau 6 tháng đến 1 năm đã đổi mới nên rất khó trong việc đánh giá…Câu chuyện “công nghệ cao” vì thế vẫn còn bỏ ngỏ và là “rào cản” khá lớn trong lĩnh vực này.
Doanh nghiệp “loay hoay” tìm hướng…
Tạm gác câu chuyện tiêu chí, tiêu chuẩn về công nghệ cao vì vẫn còn đang gây tranh cãi, cần có những thảo luận và thống nhất từ nhiều phía, các bộ ban ngành, các nhà khoa học… Còn với riêng những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này thì vấn đề lựa chọn hướng đi, tìm ra những phương thức sản xuất phù hợp vẫn đang là chuyện đáng bàn. Bởi làm NNCNC không thể làm theo phong trào mà cần có chiến lược dài hạn. Ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) cho rằng: “Khi đầu tư NNCNC không nên chỉ tập trung vào nâng cao năng suất, sản lượng mà còn phải tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Nên tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Có như vậy mới nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao về cho đất nước, cho DN và nông dân, giải quyết được bài toán được mùa mất giá vốn tồn tại khá phổ biến hiện nay ở nước ta. Ngoài ra, cần xây dựng và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà khoa học, nhà DN và nhà nông… Chính sự liên kết này sẽ giúp DN phát triển bền vững, giúp nông dân nâng thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao”.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được cho là khá đau đầu đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đó là áp lực tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, các đơn vị sản xuất phải tính toán thị trường đầu ra và lựa chọn công nghệ phù hợp. Khi áp dụng NNCNC, thông thường giá thành sản xuất sẽ cao hơn nên nhà sản xuất cũng cần quan tâm đến khả năng chấp nhận của người tiêu dùng. Một số dự án đầu tư NNCNC có thể yêu cầu vốn đầu tư cao gấp hàng trăm lần. Ngoài ra, NNCNC cũng đặt ra yêu cầu hiểu biết rất cao về kỹ thuật canh tác. NNCNC không chỉ bao gồm một hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm hiện đại mà phía sau đó là các bí quyết công nghệ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cái hạn chế khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam là tính đặc trưng của sản phẩm không đủ tạo ra sự khác biệt và nhất là nông dân mình phần lớn sẽ không có khả năng đầu tư, kể cả đầu ra. Do đó, cải tiến phương thức canh tác theo hướng công nghệ cao nhưng phải dựa trên thực trạng hiện có để đặt mục tiêu đại trà cho cả nền nông nghiệp, dễ áp dụng, chi phí thấp.
Theo Hà Vân/ Công Luận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;