Nhờ tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện nhiệm vụ, hệ thống khuyến nông đã nâng cao năng lực, giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững và tăng thu nhập.
1. Chủ động, tích cực tham dự các diễn đàn đa phương trong khu vực về khuyến nông
Năm 2017, Trung tâm đã tham dự Hội nghị của Nhóm Công tác ASEAN về Đào tạo Nông nghiệp và Khuyến nông (AWGATE) tại Thái Lan; Tuần lễ Nông dân ASEAN tại Indonesia; Hội nghị Ca cao ASEAN tại Phi-líp-pin; Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN lần thứ 38 về lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại Singapore; Hội nghị AMAF 39, AMAF+3 2017 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan; tham dự mạng lưới khuyến nông các nước vùng sông Mê Kông về hợp tác giữa các nước nhằm phát triển bền vững khuyến nông và liên kết trong việc ứng phó biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.
Tại Hội nghị AWGATE, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm bước đầu của Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ và giảm thất thoát trong thực phẩm. Theo nguyên tắc của ASEAN, Việt Nam sẽ là nước luân phiên chủ trì đăng cai tổ chức hội nghị AWGATE 25, dự kiến vào tháng 5/2018. Đăng cai chủ trì hội nghị Ca cao (ACC) dự kiến tháng 4/2018.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về đào tạo và khuyến nông, tháng 8/2017, Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn “Sản xuất hồ tiêu bền vững” cho các nước ASEAN với sự tham gia các học viên đến từ các quốc gia Lào, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Lớp tập huấn đạt được mục tiêu đề ra, các học viên được học hỏi và chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu của các nước ASEAN, đặc biệt là những kiến thức và bài học của Việt Nam trong sản xuất hồ tiêu.
2. Tham gia thực thiện các Dự án Quốc tế
* Dự án “Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng quốc tế: Chương trình A – G2G: Kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm trong chuỗi thịt lợn”
Đây là Dự án hợp tác với Hà Lan nhằm hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông và thú y các tỉnh. Mục tiêu là gắn kết truyền thông về an toàn thực phẩm và định hướng các mô hình khuyến nông gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa thịt lợn, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất giúp kiểm soát, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn.
Năm 2017, Trung tâm đã xây dựng, in và cấp phát 5.000 tờ gấp “Quy trình sản xuất và cung cấp thịt lợn an toàn thực phẩm”, 100 pano “Những điều cần biết để đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người bán hàng” cho cán bộ khuyến nông, người chăn nuôi và tiểu thương tại một số chợ đầu mối của Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
* Dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe doạ sức khoẻ con người theo chuỗi giá trị động vật-EPT2”
Dự án được hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của FAO để tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông các tỉnh. Năm 2017, Trung tâm đã phát triển tài liệu tập huấn “Thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn vịt bố mẹ”. Ngoài ra, Dự án cũng cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định và Đồng Tháp về thực hành quản lý tốt và an toàn sinh học trong chăn nuôi đàn vịt bố mẹ.
Nội dung tài liệu và chương trình tập huấn có ý nghĩa thiết thực nên được cán bộ khuyến nông và bà con nông dân đánh giá cao. Các tài liệu tập huấn của Dự án hiện đang được phổ biến rộng rãi trên website khuyennongvn.gov.vn. Có thể nói, kết quả của Dự án, đã giúp kiểm soát một phần tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gà, vịt và nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong phòng chống bệnh cúm gia cầm.
* Dự án Hỗ trợ cộng đồng chịu ảnh hưởng của bão Mirrinae tại Nam Định
Được sự giúp đỡ của tổ chức FAO, Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật và giống (gà, lợn, lúa) cho 1.128 hộ dân tại tỉnh Nam Định bị thiệt hại nặng nề do bão Mirrinae gây ra. Dự án bước đầu đã giúp cộng đồng chịu ảnh hưởng của bão Mirrinae nâng cao nhận thức trong giảm thiểu rủi ro do thiên tai, cải thiện sinh kế thông qua chăn nuôi, trồng trọt, hướng tới nông nghiệp bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.
* Dự án “Hỗ trợ hạn hán và xâm nhập mặn của 6 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Bến Tre, Kiên Giang”
Căn cứ văn kiện dự án được ký kết với FAO, Trung tâm đã tổ chức hội thảo khởi động dự án tại các vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn của 6 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Bến Tre, Kiên Giang. Các giống gà bản địa, vịt biển cùng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật góp phần khôi phục sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Bước đầu, Dự án đã giúp cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn của 6 tỉnh nâng cao nhận thức trong giảm thiểu rủi ro do thiên tai, cải thiện sinh kế. Năm 2018, dự án sẽ tiếp tục triến khai tại 6 tỉnh nói trên với mục tiêu góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông địa phương.
* Dự án VnSAT
Trong năm 2017, Trung tâm đã triển khai các hoạt động về Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, Đào tạo ToMT, thực hiện các chương trình truyền thông khuyến nông cấp Trung ương; Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, canh tác cà phê bền vững và tái canh cà phê. Các chương trình thuộc Dự án được triển khai đã truyền tải những tiến bộ kỹ thuật mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất.
* Tham gia mô hình Hợp tác công tư (PPP)
Năm 2017, Trung tâm tiếp tục làm tốt vai trò đại diện khối cơ quan nhà nước tham gia xây dựng phát triển mô hình hợp tác công tư ngành hàng cà phê, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh Tây Nguyên xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn kỹ thuật, hoàn thiện tài liệu về sản xuất cà phê bền vững cho hệ thống khuyến nông và các tổ chức sản xuất, bộ tài liệu đào tạo cho cán bộ khuyến nông (TOT) và nông dân sản xuất cà phê (TOF) về kỹ thuật trồng mới, tái canh và chăm sóc cà phê, giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê bền vững. Đây được đánh giá là một trong số ít hợp tác PPP đạt kết quả cao nhất trong nông nghiệp. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với tổ chức SNV và Hiệp hội Chè, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xây dựng tài liệu tập huấn ToT để thống nhất tài liệu chuẩn phục vụ tập huấn cho các địa phương trong cả nước.
* Dự án “Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Hủa Phăn - nước CHDCND Lào”
Đây là Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào giai đoạn 2016 - 2020. Dự án đã được nước bạn Lào đánh giá cao và góp phần quan trọng trong tăng cường năng lực khuyến nông cho nước CHDCND Lào.
Những thành quả có được trong hoạt động hợp tác quốc tế năm 2017 đã giúp khẳng định năng lực của khuyến nông Việt Nam. Phát huy những thành quả đạt được, đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp sẽ phấn đấu bắt kịp xu hướng tất yếu đặt ra cho nền nông nghiệp các nước ASEAN nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, đó là: Phát triển một nền nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho người nông dân, cho cộng đồng và bảo vệ môi trường. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã