Học tập đạo đức HCM

Gà VietGAP loay hoay tìm đầu ra

Thứ sáu - 12/09/2014 06:11
Trang trại của tổ hợp tác chăn nuôi gà ta Mười Tín (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) hiện là nơi duy nhất ở miền Trung được chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Chuồng gà quá lứa chưa xuất bán được của trang trại gà Mười Tín do thông tin dịch cúm A/H5N6 ở phía Bắc những ngày qua - Ảnh: Trường Trung
Chuồng gà quá lứa chưa xuất bán được của trang trại gà Mười Tín do thông tin dịch cúm A/H5N6 ở phía Bắc những ngày qua - Ảnh: Trường Trung

Thế nhưng, những con gà an toàn chất lượng này hiện đang phải loay hoay tìm nơi tiêu thụ.

Một số thành viên tổ hợp tác này cho biết đã tìm cách liên hệ với các siêu thị tại TP Đà Nẵng và cả TP.HCM nhưng đều bị từ chối mua sản phẩm gà VietGap với lý do thị trường chưa có sự phân biệt.

Bán thua giá chợ

Chưa muốn chứng nhận VietGAP vì ngại đầu ra

Ông Nguyễn Tứ, chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP Đà Nẵng, cho biết địa phương này hiện cũng đã có những trại gà quy mô lớn, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được công nhận VietGAP, nhưng vẫn chưa hộ nào đăng ký chứng nhận này. “Chúng tôi nhiều lần giúp đỡ về thủ tục cũng như tài chính thông qua các dự án, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn chưa muốn vào tiêu chuẩn VietGAP do thị trường chưa có sự phân biệt nào giữa gà tiêu chuẩn VietGAP với gà bình thường. Nhiều tổ hợp tác ngại khi vào tiêu chuẩn phải tốn thêm chi phí đầu vào, trong khi đầu ra cào bằng nên không có hiệu quả kinh tế” - ông Tứ cho biết.

Nằm trên khu đất rộng hơn 10ha giữa đồi cát cách xa khu dân cư hơn 300m, trang trại gà Mười Tín chia thành ba khu vực: khu chuồng trại, khu nhà ở và chứa thức ăn, khu chứa phân gà và hồ nuôi cá.

Để có được cơ ngơi này, ông Bùi Việt Tín, tổ trưởng tổ hợp tác Mười Tín, đã cùng các thành viên trong tổ phải mất ba năm đầu tư gần 2 tỉ đồng.

Hiện nay trang trại có 30 chuồng, mỗi chuồng rộng 80m2, mỗi năm cho ra thị trường hơn 200 tấn thịt gà sạch. Quy trình chăn nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ con giống, thức ăn, vệ sinh phòng dịch bệnh, xử lý chất thải…

Thế nhưng, hiện nay trại gà này chủ yếu bán cho thương lái trực tiếp đến thu mua chứ chưa có “cửa” vào các cửa hàng lớn hay siêu thị.

“Để được công nhận tiêu chuẩn VietGAP đã phải trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt, tốn tiền và công sức nhiều hơn so với cách nuôi thông thường, chất lượng gà cũng đồng đều hơn nhưng đầu ra quá khó, giá bán còn thua giá gà chợ do bán với số lượng lớn” - ông Tín nói.

Hiện trại gà Mười Tín đang có hơn 5.000 con quá lứa xuất bán hơn nửa tháng nay nhưng chưa thấy thương lái đến mua.

Ông Tín cho biết đã thử tìm đầu ra ở siêu thị và các điểm bán gà sạch phía Nam nhưng đều bị từ chối do trên thị trường vẫn chưa có sự phân biệt được sản phẩm VietGAP và sản phẩm bình thường. Ông Tín cho biết trong tương lai nếu vẫn không tìm được đầu ra ổn định thì sẽ bỏ VietGAP khi giấy chứng nhận hết hạn.

Anh Trần Minh Tâm, thành viên tổ hợp tác, cho biết: “Bán cho thương lái phải chịu biến động lớn của thị trường. Như đầu năm thông tin cúm A/H5N1, tháng 8 vừa rồi ở các tỉnh phía Bắc cũng xuất hiện cúm A/H5N6 nên người tiêu dùng thịt gà e ngại. Giá gà giảm, thương lái không đến mua nên chúng tôi chưa bán được. Nuôi cầm chừng chờ xuất bán vậy mà mỗi ngày tiền bột lên tới tiền triệu”.

Ông Đoàn Ngọc Tiến, thành viên tổ hợp tác, cho biết nếu nuôi đúng theo quy chuẩn VietGAP thì mỗi lứa gà từ 80-90 ngày sẽ cho thịt 1,3-1,5 kg/con. Ông Tiến nhẩm tính mỗi tháng xuất bán 1.000 con, với giá từ 65.000-67.000 đồng/kg sẽ thu lời 15-20 triệu đồng, nhưng nếu bán với số lượng lớn giá sẽ thấp hơn.

“Đây là giá bán khi ổn định, nhưng khi thị trường có biến động thì chưa biết. So với quy mô và công sức tôi bỏ ra thì số tiền thu lại chưa phải là cao. Cái được khi nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP là mình kiểm soát được dịch bệnh, tính toán được trọng lượng gà nhưng chi phí nhân công chăm sóc, xử lý vệ sinh và ghi chép lại tốn nhiều hơn. Tính trung bình chi phí nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ hao tổn 5-10% so với cách nuôi thông thường” - ông Tiến nói.

“Đi tiên phong chịu thiệt”

Ông Trần Bốn, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho biết mô hình liên kết sản xuất thành tổ hợp tác như tại trại gà Mười Tín sẽ là hướng đi sắp tới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhằm cho ra những sản phẩm chất lượng và Nhà nước dễ quản lý, hỗ trợ hơn.

Tuy nhiên theo ông Bốn, có một thực tế là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn luôn phải chịu thiệt thòi so với sản phẩm thông thường do trên thị trường rất khó phân biệt.

“Đối với những sản phẩm như rau củ quả, việc phân biệt khi bán ra thị trường sẽ thuận lợi hơn do có nhãn sản phẩm, tem và đã có hệ thống phân phối... Nhưng đối với gà thì việc này rất khó do các yếu tố như chúng ta chưa có điểm bán gà sạch, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa ráo riết, thị trường tiêu thụ tại miền Trung chưa lớn” - ông Bốn nói.

Theo ông Bốn, sắp tới tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức các phiên xúc tiến thương mại để hỗ trợ các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng ra thị trường.

Theo ông Lê Văn Cường - phó giám đốc Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2, hiện nay đã có nhiều quy định về việc thực hành nông nghiệp tốt để đảm bảo chất lượng đầu ra, tuy nhiên trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hết chất lượng.

Ông Cường cho biết do địa bàn miền Trung đa số sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người tiêu dùng vẫn chưa có những yêu cầu khắt khe nên các sản phẩm đi tiên phong đạt tiêu chuẩn VietGAP thường chịu thiệt do chi phí đầu vào cao trong khi giá bán ra thường bị cào bằng.

“Đối với các thị trường lớn như TP.HCM khi đưa sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn vào địa bàn họ đều buộc truy xuất nguồn gốc, yêu cầu nhà phân phối, nhà bếp lớn phải có chứng từ chứng minh nguồn gốc nên những nơi cung cấp sản phẩm tiêu chuẩn sẽ có lợi. Tuy nhiên tại miền Trung thì điều này rất khó. Nhiều hộ chăn nuôi cũng muốn mình đạt tiêu chuẩn nhưng họ lại ngại đầu ra do chưa tạo được mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa” - ông Cường nói.

Theo tuoi tre.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập313
  • Hôm nay53,450
  • Tháng hiện tại884,177
  • Tổng lượt truy cập92,057,906
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây