Nhận thấy diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả, ông Hồ Văn Em đã bàn với gia đình, cùng con trai là Hồ Thanh Nam lập vườn trồng mãng cầu xiêm. Sau 3 năm bám rễ và cho trái, vườn mãng cầu xiêm giúp gia đình ông Em có thu nhập ổn định.
Ông Hồ Văn Em kể, năm 2015, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm trong và ngoài tỉnh, cùng với thông tin trên Internet, ông Em quyết định sang Bến Tre mua giống mãng cầu xiêm Thái về trồng.
“Ban đầu, dự định chuyển một phần đất trồng thử nghiệm nhưng lần làm lần khó, tôi chuyển hết 1,7ha từ đất ruộng lúa lên đất vườn, trồng hơn 1.300 cây mãng cầu xiêm” - ông Em cho biết. Trong vườn mãng cầu xiêm, ông Em còn cho trồng xen kẽ cây dừa ở phía ngoài để giữ bờ, còn trong liếp thì trồng xen cây cóc, cây cà, đậu bắp…theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, tạo thêm thu nhập trong lúc chờ mãng cầu xiêm cho trái. Bên cạnh đó, do diện tích vườn rộng, ông Em còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, chi phí đầu tư rẻ, giảm công lao động.
Sau khoảng 18 tháng trồng, mãng cầu xiêm sẽ cho trái, tuy nhiên không nên giữ trái đợt này vì cây còn tơ, rất dễ bị mất sức, tuổi thọ không bền. Khoảng 2 năm sau khi trồng là thời điểm mãng cầu xiêm cho trái sung nhất. Vườn mãng cầu xiêm của ông Em cho thu hoạch gần 1 năm nay. Vào lúc cho trái rộ có thể từ 300-400kg/ngày, còn ngày thường hái trái lai rai từ 100-150kg. Với giá bán khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông Hồ Văn Em thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên.
“Quan trọng là phải tái tạo đất nhiều dinh dưỡng, dưỡng cây, dưỡng đọt tốt là bông có liên tục, ăn đợt này xong là đã có bông đợt tiếp. Mỗi cây mãng cầu xiêm chỉ nên giữ lại từ 5-6 trái, cây không mất sức mà cho trái to, đẹp, bán có giá”, anh Hồ Thanh Nam-con trai ông Em phân tích. Bộ rễ của cây mãng cầu xiêm rất yếu, chủ yếu là rễ tơ, rất hay bị đổ ngã nên khi trồng phải lưu ý lấy dây chằng cây cho chắc chắn.
Theo anh Hồ Thành Nam, sau đợt mãng cầu xiêm cho trái rộ, nên dọn dẹp, tỉa bớt những cành dư thừa rồi sử dụng phân dưỡng chất để chuẩn bị cho đợt trái mới, hiệu quả hơn. Trước nay, vườn mãng cầu xiêm của ông Em chủ yếu sử dụng các sản phẩm phân, thuốc sinh học, trái được bao trong bao lưới, như vậy, không chỉ giúp tạo ra được nông sản an toàn mà còn giảm chi phí sản xuất.
“Thời gian đầu mãng cầu xiêm cho trái cũng khó bán nhưng nhờ bà con xung quanh mua về ăn thử, thấy ngon nên truyền tai nhau. Với lại, bà con thấy mình sản xuất an toàn, nên họ tin tưởng. Đặc biệt, do mãng cầu xiêm được trồng tại nhà nên bán với hình thức bao hàng, trái nào bị hư, sâu đều được trả lại, ai cũng an tâm. Giờ ngày nào cũng có cỡ chục thương lái lấy hàng, người vài chục ký, có khi lên đến mấy trăm ký” - anh Hồ Thanh Nam cho hay.
Không chỉ bán hàng tại chỗ, anh Nam còn tận dụng mối quan hệ, giới thiệu trên mạng xã hội và chuyển hàng qua các chành xe lên TP. Hồ Chí Minh…Nhờ vậy, ngày càng có nhiều người biết và tìm tới mãng cầu xiêm của gia đình. Bên cạnh việc bán trái, ông Em còn đáp ứng nhu cầu phát triển vườn của bà con gần, xa bằng việc chiết cành bán. “Bán nhánh kèm theo tư vấn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng ngừa sâu bệnh, giúp bà con cùng sản xuất. Cây mãng cầu xiêm này chịu thổ nhưỡng ở đây, phát triển rất tốt…” - ông Em mừng rỡ.
“Mãng cầu xiêm bán trong Tết có giá nhưng người dân chịu trái nhỏ để có thể chưng trong mâm ngũ quả. Tết năm rồi, bán trên 2.000 trái, chịu khó để ý một chút là có thể tăng thêm thu nhập…” - anh Hồ Thanh Nam chia sẻ.
Theo Báo An Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã