“Kiềng ba chân” thúc đẩy xuất khẩu Kế thừa, rút kinh nghiệm từ thắng lợi của năm 2016, khi lĩnh vực xuất khẩu nông sản đạt con số cao kỷ lục (32,1 tỷ USD), ngay từ đầu năm 2017, nhiều chuyên gia, cơ quan hoạch định chính sách đã sớm tiên liệu được những vấn đề nổi bật ảnh hưởng tới thương mại nông sản Việt Nam trong năm. Đó là: Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu, đồng thời tập trung hơn vào phát triển thị trường trong nước; các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ. Bối cảnh này ảnh hưởng đến việc duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân nông thôn. Ngành nông nghiệp cần xác định ba vấn đề mấu chốt được ví như "Kiềng ba chân" cho tăng trưởng. Đó là: tăng năng suất, chất lượng; vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển; cơ cấu lại thị trường cho từng ngành hàng nông sản chủ lực, vốn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại như: lúa gạo, thủy sản, rau quả, hạt điều, chè, cao-su. Cụ thể sự nổi lên của chính sách bảo hộ trên toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lực quản lý chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sẽ đặt ra thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn. Do sự hội nhập mạnh mẽ của ngành thủy sản trong thương mại toàn cầu, tính tập trung hóa giá trị gia tăng trong hoạt động chế biến - kinh doanh và thương hiệu, ngành thủy sản đang đòi hỏi toàn bộ các tác nhân trong ngành (các nhà làm chính sách, doanh nghiệp, nông dân và cộng đồng nghiên cứu), có tư duy bao trùm và vượt trên quy mô ngành nông nghiệp sản xuất thô. Với ngành rau quả, vài năm gần đây, nổi lên là ngôi sao sáng, giàu tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích xuất khẩu liên tục tăng mạnh, nhất là các nhà xuất khẩu Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm rủi ro thị trường. Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả, còn non nớt trên thị trường quốc tế. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính hết tháng 11-2017, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao-su. Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Nhiều thị trường khó tính khác cũng bắt đầu chấp nhận hàng rau quả, ví như thanh long Việt Nam mới được xuất sang thị trường Ô-xtrây-li-a. Mới đây, phía Mỹ đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường này. Thủy sản cũng là một điểm sáng khi giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, các thị trường cao cấp khó tính đều tăng mạnh như Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%) và Ca-na-đa (22,7%). Biến “phong độ nhất thời” thành đẳng cấp bền vững Tuy đã có nhiều nỗ lực và thành công phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhưng thực tế hoạt động xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn như: Các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, phân tán; Công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số rất ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại đạt từ 25% đến 30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt 50%; năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế. Các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém; chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế; chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô cho nên giá trị gia tăng không nhiều. Những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng nông sản. Trong năm 2017 đã xảy ra hai trường hợp điển hình về những khó khăn này khi xuất khẩu thủy sản vào hai thị trường khó tính bậc nhất là Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU). Thứ nhất là trường hợp mặt hàng cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã gặp khó khi phía Mỹ không chỉ dừng lại ở kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, mà kiểm tra hàng tận nơi xuất xứ, tức là kiểm soát cả quy trình. Cụ thể, theo quy định mới từ ngày 1-9-2017, 100% các lô hàng đến cảng Mỹ sẽ bị kiểm tra bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), thay vì kiểm tra xác suất như hiện nay. Sau khi được USDA dán nhãn chất lượng, mặt hàng cá da trơn mới được nhập khẩu vào Mỹ. Hay như đầu tháng 5-2017, EU cử đoàn sang kiểm tra hoạt động đánh bắt thủy sản Việt Nam. Tại đây họ đưa ra năm cảnh báo về hoạt động khai thác bất hợp pháp của phía Việt Nam. Ngày 23-10, nhận thấy không có gì tiến triển sau cảnh báo, EU chính thức rút "thẻ vàng” đối với hải sản khai thác trên biển của Việt Nam. Nếu sau sáu tháng, Việt Nam không khắc phục những vấn đề khai thác trái phép, EU sẽ tiếp tục rút "thẻ đỏ" điều này có thể khiến thủy sản nước ta không thể vào được thị trường EU. Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản chủ lực Việt Nam ra thị trường thế giới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số biện pháp. Về phía Chính phủ, cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới để phục vụ cho DN Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có cho DN và người nông dân; bổ sung, điều chỉnh chính sách theo hướng thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật xây dựng hình ảnh, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, cần có sự điều phối theo nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Đối với những mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật Về phía DN sản xuất và xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, bảo đảm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Những yêu cầu của VietGAP, Global GAP cần triển khai cho hầu hết các sản phẩm, bởi đây sẽ là yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trong tương lai. DN cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của DN. Đồng thời, đưa ra giải pháp đồng bộ triển khai hiệu quả định hướng chiến lược xuất khẩu nông sản, tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại. Tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với mặt hàng nông sản, nhất là nông sản chủ lực. Đối với các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cần có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu. Trong năm 2017, công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản được chú trọng hơn nhiều. Đơn cử như sự kiện ngày 26-5-2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với 34 Đại sứ và Tổng lãnh sự của Việt Nam trước khi sang các nước nhận nhiệm vụ trong giai đoạn 2017-2020 để “đặt hàng” các Đại sứ và Tổng lãnh sự duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đồng thời giúp ngành tiếp cận công nghệ mới, nhất là giống và công nghệ về chế biến. Hành động cầu thị này được các Đại sứ đánh giá cao. Họ cam kết một trong những nội dung mà Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quan tâm trong thời gian tới là tiếp tục duy trì và đột phá mở cửa thị trường đối với thị trường truyền thống như EU, Mỹ... cũng như các thị trường mới, tuy có yêu cầu khắt khe hơn song cũng nhiều tiềm năng, giàu lợi nhuận hơn. Đầu tháng 10-2017, sau gần 10 năm đàm phán, phía Mỹ đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường này và Việt Nam là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ. Cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này đang tạo thêm động lực cho các nhà xuất khẩu đẩy mạnh sang những thị trường lớn và khó tính.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;