Nhờ các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, đến nay thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đã hình thành được các vùng chuyên canh cây lúa, cây ăn quả, rau... gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong việc sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Thu hoạch chè giúp nâng cao kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Kinh tế của người dân bản Séo Làn Than, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây nhiều diện tích đất của bà con bỏ hoang, số diện tích đất sử dụng sản xuất nông nghiệp manh mún, chưa phát huy hiệu quả.
Bà con nhân dân trong bản còn ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đứng trước thực tế đó, chi bộ bản Séo Làn Than với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã mạnh dạn lấy các diện tích đất không canh tác cải tạo trồng cây ăn quả như bưởi diễn, chanh, mận, đào…
Sau hai năm thực hiện, đến nay vườn cây ăn quả của chi bộ bản Séo Làn Than đã bước đầu có kết quả; chanh, mận đã bắt đầu cho quả, bưởi sinh trưởng tốt. Từ việc gương mẫu đi trước của các đảng viên mà giờ đây người dân ở bản Séo Làn Than đã thay đổi cách nghĩ, học và làm theo trồng nhiều diện tích chè, mận và cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Thái, Bí thứ Chi bộ bản Séo Làn Than, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Trong thời gian qua, chi bộ bản Séo Làn Than đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đến từng đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân trong bản.
Với đặc thù của nhân dân trong bản, nhân dân cũng chưa giám chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vì thế, với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong thời gian vừa qua chi bộ đã mạnh dạn tuyên truyền vận động nhân dân, đồng thời chi bộ đã mạnh dạn trồng cây bưởi và cây chanh đào.
Đến nay mô hình này đã phát triển rất tốt, cây chanh đào cũng đã cho quả, cây bưởi cũng đã phát triển tốt. Đặc biệt, hưởng ứng kế hoạch của tỉnh và thành phố, chi bộ đã vận dộng nhân dân trồng cây ăn quả và trồng được gần 6 ha cây mắc ca. Hiện nay, diện tích cây ăn quả và cây mắc ca của chi bộ và nhân dân đều sinh trưởng và phát triển rất là tốt”.
Cùng với thay đổi nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, thành phố Lai Châu đã chú trọng ưu tiên đầu tư sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chú trọng các mô hình trồng chè, cây có múi, cây ôn đới, mô hình trồng rau thủy canh… với chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp 70% lãi suất ngân hàng. Chính sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện cho nhiều người dân mở rộng và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung.
“Ngay từ khi bắt đầu đầu tư xây dựng trang trại, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của lãnh đạo của tỉnh cũng như lãnh đạo thành phố. Đặc biệt, lãnh đạo Thành ủy thành phố Lai Châu rất quan tâm đến sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao này, nên cử cán bộ chuyên môn sát sao tư vấn và hướng dẫn rất kỹ lưỡng cho người dân về cách làm cũng như giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai.
UBND thành phố Lai Châu đã tạo điều kiện giúp đỡ để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, anh Đào Ngọc Sơn, chủ trang trại rau thủy canh, bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Hữu Cam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết, phòng kinh tế cũng đã tham mưu cho thành phố đưa ra những giải pháp cụ thể như: giao vùng nguyên liệu chè cho các doanh nghiệp thu mua và chế biến chè của người dân. Việc này đã gắn được quyền lợi của doanh nghiệp tiêu thụ chè với người dân, để doanh nghiệp có trách nhiệm bao tiêu chè cho người dân.
Thứ hai là huy động người dân thành lập các tổ hợp tác xã. Sau khi thành lập được các tổ hợp tác xã thì sẽ liên kết được với doanh nghiệp cũng như hộ tiểu thương, họ sẽ giúp người dân thu mua nông sản. Thứ ba, đối với việc phát triển cây mắc ca, hiện nay đã thành phố đã liên kết được doanh nghiệp và mời doanh nghiệp đến phổ biến liên kết và cam kết thu mua sản phẩm cho người dân.
Từ việc liên kết doanh nghiệp và người dân đã tạo ra sự yên tâm của người dân trong phát triển kinh tế cũng như phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê, đến nay tổng diện tích cây lương thực có hạt của thành phố Lai Châu đạt trên 1300 ha, chè chất lượng cao đạt trên 200 ha… Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt gần 80 triệu đồng/ha/năm, giá trị vùng chuyên canh đạt 168 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình chăn nuôi được hình thành.
Để đạt được kết quả đó là nhờ thành phố Lai Châu đã chú trọng liên kết giữa “4 nhà” trong sản xuất kinh doanh, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Giờ đây người dân và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung ở thành phố Lai Châu đã yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng đem lại thu nhập ổn định./.
Tác giả bài viết: Công Tuyên
Nguồn tin: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã