Nông dân Nghệ An ra đồng thu hoạch lúa xuân |
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết, bước vào vụ xuân năm nay nông dân gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thuận. Tuy nhiên, xét trên cả 3 tiêu chí là diện tích, năng suất và sản lượng đều cơ bản cao hơn vụ xuân 2017.
“Tuy rét đầu vụ làm toàn huyện chết gần 600ha lúa, nhưng nhờ chỉ đạo quyết liệt nông dân tỉa dặm, gieo cấy lại nên diện tích lúa vẫn đạt 7.800/7.600ha, năng suất dự kiến 65 tạ/ha, cao hơn vụ xuân 2017 là 3 tạ/ha. Vụ xuân được mùa, ngoài các yếu tố thời tiết thì năm nay chúng tôi đưa tiến bộ KHKT vào SX theo hướng tái cơ cấu ngành, đưa giống chất lượng vào thay thế các giống lúa cũ.
Rút kinh nghiệm vụ xuân 2017 toàn huyện có gần 1.000ha lúa Thiên ưu 8 mất năng suất nặng do đạo ôn cổ bông, năm nay huyện chỉ đạo quyết liệt phun phòng trên 5.500ha. Nhờ đó có 70% diện tích bị đạo ôn lá nhưng không bị bệnh đạo ôn cổ bông”, ông Quang cho biết.
Tại huyện Thanh Chương, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 8.600ha lúa các loại. Tuy đầu vụ, diện tích mạ non bị chết nhiều nhưng nhờ tích cực dặm tỉa, chăm sóc nên diện tích lúa đạt chỉ tiêu. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, đến nay nông dân đã thu hoạch được trên 50% diện tích, năng suất dự kiến 68,11 tạ/ha, cao hơn năm ngoái hơn 1 tạ/ha.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Thanh Chương đã triển khai đề án SX vụ xuân sớm, cơ cấu giống các giống lúa năng suất và chất lượng; sử dụng các giống lúa ngắn ngày phủ kín diện tích bị chết rét đồng thời tăng cường bón thúc để lúa đẻ nhánh tập trung. Nhờ làm tốt công tác dự báo sâu bệnh và sử dụng bộ giống kháng bệnh, nhất là bệnh đạo ôn tốt như Kinh sở ưu 1588, Thái xuyên 111, GS9… nên hầu như không có thiệt hại do sâu bệnh gây ra”.
Đây là một vụ xuân thắng lợi toàn diện |
Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, vụ xuân năm nay, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, hầu hết các địa phương đều có thêm chính sách khuyến khích nông dân SX; nguồn nước đáp ứng đủ. Tuy nhiên, SX cũng gặp rất nhiều khó khăn, đầu vụ rét đậm rét hại từ ngày 29/1 - 7/2 làm một số diện tích mạ và lúa bị thiệt hại phải tiến hành gieo cấy lại, tất cả các giống lúa đều bị kéo dài thời gian sinh trưởng từ 5 - 7 ngày. Bên cạnh đó, thời tiết ẩm, mưa nắng thất thường làm phát sinh nhiều sâu bệnh gây hại đặc biệt là bệnh đạo ôn. Dự kiến đến ngày 31/5, toàn tỉnh sẽ thu hoạch được 52.543ha lúa và hoàn thành thu hoạch trước ngày 10/6.
Theo dự kiến của ngành nông nghiệp địa phương, trên 92.307ha lúa đạt năng suất bình quân 66,4 tạ/ha, sản lượng trên 613 nghìn tấn. Nhiều địa phương đạt trên 70 tạ/ha như Yên Thành 71,5 tạ/ha, Diễn Châu 73 tạ/ha, các huyện miền núi cũng rất được mùa.
Một điểm nhấn nữa trong vụ xuân 2018 là việc các địa phương triển khai được 30 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích là 1.060ha, sử dụng các giống Thiên ưu 8, ADI28, SL9, QJ1, Nếp 97… và được doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Tiêu biểu như mô hình SX lúa giống QJ1 liên kết với tập đoàn TH tại Yên Thành với diện tích 100ha, cho hiệu quả cao hơn sản xuất lúa thương phẩm từ 20 - 26 triệu đồng/ha…
Theo ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An, thời tiết giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đến thu hoạch cơ bản thuận lợi, đủ ánh sáng, không gặp rét khi trỗ, nhiệt độ nằm trong khung thuận lợi cho cây lúa phát triển. Nhờ đó bông đều, dài, số hạt trên bông và tỷ lệ hạt chắc đều cao.
Được mùa từ miền xuôi... |
Bên cạnh đó, yếu tố đóng vai trò quan trọng là sự chỉ đạo kịp thời và hợp lý của các cấp ngành. Nhờ quyết liệt, tập trung chỉ đạo khắc phục lúa chết rét kịp thời bằng các giống ngắn ngày, tỉa dặm tốt nên không có diện tích bị bỏ hoang, cấy hết diện tích và vẫn kịp thời vụ.
Công tác dự tính dự báo, phòng trừ sâu bệnh được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, tuy toàn tỉnh có hàng nghìn ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, nhưng diện tích bị bệnh đạo ôn cổ bông và mất trắng năng suất nhiều diện tích như vụ xuân năm ngoái đã không xảy ra; các loại sâu bệnh hại khác đều được khống chế, hầu như không ảnh hưởng năng suất.
Đây cũng là vụ Nghệ An tập trung đưa bộ giống tiến bộ, nhất là giống có chất lượng và tiềm năng năngsuất cao vào SX. Cụ thể, diện tích lúa lai giảm 10.000ha so với vụ xuân 2017, và trong 41.000ha lúa lai đã có tới xấp xỉ 8.000ha lúa Thái Xuyên 111 đạt năng suất 75 - 80 tạ/ha, ngoài ra là các giống chất lượng như NA6, AC5... Những yếu tố đó, cộng thêm sự đầu tư thâm canh của nông dân, đã làm nên một vụ xuân thắng lợi.
... lên miền ngược |
Đi dọc tuyến QL 7 lên các huyện miền núi Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, đâu đâu cũng thấy không khí hối hả vào vụ gặt. Bà con các huyện miền núi Nghệ An rất phấn khởi vì vụ xuân năm nay năng suất, sản lượng lúa đều vượt trội so với những năm trước. Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, năng suất lúa Japonica lần đầu tiên được đưa vào SX đạt 5,8 tấn/ha. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;