“Đất sạch” và phân bón hữu cơ thế hệ mới
Thực phẩm hữu cơ hiện nay không chỉ là nhu cầu, mà còn là yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng. Theo Tiến sĩ Hà Duy Trường - Trưởng bộ môn Rau - củ - quả, khoa Nông học, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên: Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang được áp dụng trên toàn thế giới và trở thành xu hướng phát triển của hầu hết các nước có nền nông nghiệp phát triển. Trước những lo lắng về an toàn thực phẩm (ATTP), người dân đang rất chuộng các loại thực phẩm hữu cơ, thế nên thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lại càng rộng mở. Vấn đề sản xuất hữu cơ đang được các doanh nghiệp (DN) chú trọng, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, cần được sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT và chính quyền địa phương để các DN trụ vững và phát triển. Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Trưởng ban An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM, sản xuất hữu cơ cần được khuyến khích, nhưng đó là con đường dài hơi để đi theo xu hướng chung của thế giới. Còn xét trên thực tiễn nền nông nghiệp Việt Nam lúc này, trước mắt phải chú trọng cho sản xuất an toàn. Trong đó, yếu tố đất đai và phân bón đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, rất khó để tìm ra đất “sạch” bởi sau 40 năm canh tác thâm canh và chạy đua sản lượng, hầu như đất đai bị mất cân đối dinh dưỡng bởi bị “khai thác” triệt để. Trong khi đó, theo quy chuẩn của các tổ chức quốc tế, đất đai cần được “nghỉ ngơi” trong vòng 3-5 năm để hồi sinh và “tự làm sạch”. Chính vì vậy, những loại phân bón độc hại, lạc hậu cần được thay bằng một số loại phân bón thế hệ mới ứng dụng công nghệ cao: Phân bón theo công nghệ nano không để lại tồn dư tổn hại môi trường; phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh và enzyme; nhóm phân bón sinh học có chức năng hoạt lực cao như than sinh học (bioc-har)...
Liên kết “chuỗi” từ sản xuất đến tiêu thụ
Theo ông Hoàng Bá Nghị - Thành viên Ban chỉ đạo VietGAP Trung ương, các địa phương khi triển khai mô hình VietGAP nên lựa chọn những vùng sinh thái phù hợp để khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên; tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ dân thành hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích và phát huy hiệu quả chuỗi liên kết giữa DN với nông dân. Nông dân tham gia liên kết DN đầu tư vật tư đầu vào, được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất. Thực tế, dù đang khó tiêu thụ hơn, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đang tăng cao khi vấn đề ATTP đang được người tiêu dùng lưu tâm, khi vấn đề “ăn no” đã được chuyển sang “ăn ngon và an toàn”. Tại Hà Nội, ngành chăn nuôi đã phát triển được 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 11 chuỗi thịt lợn. Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội - cho biết: Để phát triển các chuỗi, trong thời gian qua Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã triển khai các giải pháp như tư vấn, nghiên cứu để phát triển chuỗi; mời các chuyên gia tư vấn để giảm giá thành trong quá trình chăn nuôi, nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến để tiếp cận các trình độ của thế giới cũng như tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm từ đó phát triển các chuỗi một cách bền vững.
Quy chuẩn lại chợ đầu mối
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, chợ đầu mối nông sản là một kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP, thúc đẩy không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn thương mại, dịch vụ phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp (DN), chính quyền địa phương, hợp tác xã trong việc hình thành chợ đầu mối, quản lý chợ đầu mối rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ đầu mối, cũng như vấn đề ATTP. Hiện, Bộ NNPTNT đang phối hợp Bộ Công Thương xây dựng đề án, hình thành cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống chợ đầu mối. Mạng lưới chợ nông sản tại Việt Nam đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt, nhưng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối còn thiếu, nhất là cơ chế, chính sách để thu hút DN đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hoá.